30/04/2019 - 20:10

Hút nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp 

Thời gian qua, sản xuất công nghiệp của TP Cần Thơ đạt mức tăng trưởng khá ổn định. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp áp dụng công nghệ máy móc hiện đại vào quy trình sản xuất, tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, chỉ số phát triển công nghiệp của thành phố còn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có khi chỉ xếp thứ 10/13 ở khu vực ĐBSCL. Lẽ đó, bên cạnh những nỗ lực từ chính cộng đồng doanh nghiệp, thành phố cần những đòn bẩy hỗ trợ về cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp.

Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (KCN Trà Nóc 2) là nơi hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp ưu tiên của thành phố. Ảnh: MINH HUYỀN

Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (KCN Trà Nóc 2) là nơi hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp ưu tiên của thành phố. Ảnh: MINH HUYỀN

Thu hút đầu tư chưa tương xứng

Trong 3 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp của TP Cần Thơ tăng 6,16% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, các mặt hàng công nghiệp chủ lực duy trì mức tăng trưởng ổn định như: Tôm đông lạnh tăng 17,67%; thức ăn cho thủy sản tăng 34%; bia đóng lon tăng 10,40%; quần áo may sẵn tăng 14,33%... Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, nhìn chung, các doanh nghiệp ngày càng quan tâm nhiều đến đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, chuyển dần từ sản xuất thô sang sản xuất tinh nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa, đẩy mạnh xuất khẩu. Việc đa dạng hóa thị trường tiêu thụ cũng giúp doanh nghiệp linh động ứng phó với sự biến động của thị trường.

Đến nay, các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn thành phố có 239 dự án còn hiệu lực. Trong đó có 220 dự án đang hoạt động, 3 dự án đang xây dựng, 11 dự án chưa triển khai và 5 dự án tạm ngưng hoạt động. Tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án là 1.723 triệu USD, vốn đầu tư đã thực hiện 1.004 triệu USD. Các doanh nghiệp trong KCN hoạt động hiệu quả và đóng góp đáng kể làm tăng giá trị xuất khẩu cũng như tăng nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, các KCN của thành phố vẫn chưa có nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, mang tính chất dẫn đắt, kết nối, thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các ngành nghề liên quan tham gia cung cấp thiết bị, dịch vụ mang tính vệ tinh. Theo ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Trưởng Ban Quản lý Các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư vào KCN thường hay thay đổi, thiếu ổn định. Việc các dự án trong các KCN Cần Thơ không còn được hưởng ưu đãi đầu tư theo địa bàn, nên không còn hấp dẫn các nhà đầu tư, làm giảm tính khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trong KCN.

Dù là trung tâm vùng nhưng thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp của thành phố chưa đạt hiệu quả như mong muốn, hạ tầng cảng chưa đồng bộ, chi phí đầu tư tạo quỹ đất sạch cao... Thành phố cũng xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp di dời cơ sở sản xuất, nhà máy sang các địa phương lân cận trong vài năm trở lại đây. Bà Lê Dương Cẩm Thúy, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, chia sẻ: Cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư giữa các tỉnh, thành trong khu vực ngày càng gay gắt đã tạo nên sự dịch chuyển của các nhà đầu sang các tỉnh lân cận, có vị trí địa lý tương đồng nhất định, nhưng tiền thuê đất và các điều kiện ưu đãi có lợi cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất kinh doanh trong và ngoài khu công nghiệp.

Hướng mở

  Theo ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Trưởng Ban Quản lý Các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, để thu hút nhà đầu tư hiệu quả cần tăng cường công tác xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; kết hợp giữa tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư chung với gặp gỡ tiếp xúc trực tiếp với từng nhà đầu tư hay từng nhóm nhà đầu tư; phối hợp với các Trung tâm tư vấn trong và ngoài nước có uy tín và kinh nghiệm để thu hút đầu tư vào các KCN và các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp. Cần quan tâm đến xúc tiến đầu tư đối với các nhà đầu tư FDI nhưng cũng không bỏ quên các nhà đầu tư trong nước. Các chính sách bồi thường thỏa đáng, hợp lý, sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải tỏa để nhanh chóng có đất sạch, triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN và kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, việc lựa chọn chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN phải có năng lực tài chính, kinh nghiệm trong quản lý và thu hút đầu tư …

Sở Công Thương thành phố đã phối hợp với các sở, ngành liên quan và các quận, huyện triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện quy hoạch, kêu gọi đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn. Đến nay, có 1 nhà đầu tư đăng ký đầu tư cơ sở hạ tầng vào cụm công nghiệp Bình Thủy và đang kêu gọi đầu tư cụm công nghiệp Phong Điền và cụm công nghiệp Thới Lai. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: Sở đang đề xuất thành phố kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư các dự án công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ như: nhà máy sản xuất máy nông nghiệp, nhà máy sản xuất động cơ thủy, nhà máy sản xuất thuộc nhóm ngành công nghiệp ưu tiên, nhà máy sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo danh mục công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển ban hành kèm theo Nghị định 111/2015/NĐ-CP. Song song đó, cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, nhất là ưu tiên cho vay nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất hàng xuất khẩu.

Thực tế cho thấy, khi muốn đầu tư vào một địa phương nào, nhà đầu tư sẽ cân nhắc bài toán kinh tế với các chi phí cơ bản về đất đai, vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, tham khảo chi phí vận chuyển hàng hóa, lợi thế so sánh khi đặt dự án tại địa phương này so với địa phương khác… Để ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ của thành phố phát triển, Sở Công Thương đã có văn bản gửi Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương cho ý kiến đồng thuận và hướng dẫn tên gọi, cách thức thực hiện đề án mẫu cũng như các cơ chế chính sách hỗ trợ của Trung ương đối với việc thành lập Trung tâm Thương mại - Dịch vụ công nghiệp hỗ trợ với quy mô cấp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ. Đây sẽ là nơi cung cấp hàng hóa, dịch vụ lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho toàn vùng ĐBSCL theo Thông báo số 70/TB-VPCP ngày 21-2-2019 Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị bàn về các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Sau khi có ý kiến của Cục Công nghiệp, Sở Công Thương sẽ trình UBND thành phố xin chủ trương xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Thương mại - Dịch vụ công nghiệp hỗ trợ.

Trong tiến trình công nghiệp hóa, thành phố xác định phải chọn lựa và ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp trọng điểm để có thể tạo ra bước phát triển nhảy vọt; tập trung vào những ngành có thế mạnh, tạo ra giá trị gia tăng cao, quy trình công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, các ngành nghề xác định là mũi nhọn phát triển và có lợi thế của Cần Thơ.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết