05/06/2010 - 09:40

NGÀY MÔI TRƯỜNG THẾ GIỚI 5-6

Hướng tới môi trường sạch, an toàn vì con người

Những năm gần đây, tình trạng phát triển khu công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ du lịch và quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu bảo vệ môi trường (BVMT) đã dẫn đến cư dân Cần Thơ phải đối mặt với tình trạng rác thải, khí thải và nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Sức khỏe của người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em bị xâm hại. Các giải pháp BVMT an toàn, hiệu quả đang được các ngành, các cấp của TP Cần Thơ tập trung hướng tới mục tiêu vì con người, vì ngày mai.

GÓP SỨC TỪ CỘNG ĐỒNG

Theo ngành chức năng, môi trường TP Cần Thơ bị ô nhiễm bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có quá trình đô thị hóa dẫn đến rác thải, nước thải đổ ra môi trường ngày càng nhiều; chất thải công nghiệp ở các khu, cụm công nghiệp tập trung và khu chế xuất gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đời sống của người dân. Trước tình hình đó, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Cần Thơ phối hợp với các ngành, đoàn thể ký kết nghị quyết liên tịch về BVMT.

Đoàn viên thanh niên quận Ninh Kiều tích cực thu gom rác thải trên đường phố trong ngày “Chủ nhật xanh”. 

Song song với công tác tuyên truyền đến từng hộ dân, doanh nghiệp ở khu dân cư, cụm công nghiệp các nội dung nâng cao nhận thức về môi trường và BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu, Sở TN&MT TP Cần Thơ mở lớp tập huấn cho hàng ngàn cán bộ Mặt trận và đoàn thể các cấp về kỹ năng tuyên truyền, hướng dẫn các tầng lớp nhân dân giám sát nhiệm vụ BVMT, Luật Bảo vệ môi trường, lồng ghép nội dung giáo dục môi trường với giáo dục về giới, sức khỏe sinh sản, xóa đói, giảm nghèo... Đồng thời, phát động phong trào thi đua “xanh, sạch, đẹp”, gắn với bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ trong các đơn vị, doanh nghiệp, địa bàn khu dân cư. Mỗi địa phương tổ chức chọn các mô hình ở khu dân cư làm điểm chỉ đạo và nhân rộng.

Quận Thốt Nốt và quận Ô Môn đăng ký và triển khai thực hiện mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” ở phường Trung Kiên (quận Thốt Nốt) và phường Châu Văn Liêm (quận Ô Môn) lồng ghép trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Mô hình này thực hiện theo hình thức phát huy dân chủ, người dân tham gia thảo luận đề xuất các tiêu chí và bổ sung nội dung BVMT vào quy ước, để cùng thi đua thực hiện. Người dân còn cam kết mỗi nhà có giỏ đựng rác, đổ rác đúng qui định hoặc chôn đốt rác; chăn nuôi gia súc, gia cầm có hố xử lý phân; sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật đúng qui định, đảm bảo vệ sinh môi trường... Đội tự quản BVMT của Khu dân cư (KDC) thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở nhân dân thực hiện tốt những điều cam kết.

Bà Nguyễn Thị Hạnh Ngôn, Chủ tịch UBMTTQ phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, cho biết: “Mô hình khu dân cư tự quản BVMT được triển khai tại khu vực 5, phường Châu Văn Liêm. Khu vực này trước đây bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ việc bà con đổ rác bừa bãi, chăn nuôi gia súc, gia cầm mất vệ sinh... Từ khi mô hình được triển khai thực hiện, những hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trong KDC và những hộ kinh doanh ở chợ đã nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung, làm sạch vệ sinh chuồng trại, nơi mua bán, không để ảnh hưởng đến các hộ lân cận. Người dân hăng hái cùng chính quyền địa phương đóng góp kinh phí làm đường giao thông, xây dựng đường cống thoát nước, đào hố chôn rác và thu gom rác trong KDC. Từ những việc làm này, khu vực 5 đã trở thành khu vực đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường”.

Ở huyện Thới Lai và quận Thốt Nốt, Hội Cựu chiến binh (CCB) thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát các cơ sở chăn nuôi, các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hoạt động trên địa bàn. Qua kiểm tra (trong năm 2008-2009), Hội CCB ở hai địa phương trên đã phát hiện 27 hộ dân và hơn 300 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thải nước ô nhiễm và đổ trấu xuống kênh rạch. Qua đó, kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý hơn 50 trường hợp vi phạm. Hội CCB quận Thốt Nốt cũng đã đề xuất với Phòng Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy ước về quản lý rác thải tại các khu vực chợ, đổ rác đúng qui định. Hiện nay, mô hình này đang được nhân rộng ở tất cả các chợ trong quận Thốt Nốt, góp phần giữ gìn vệ sinh chung.

Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp cũng xây dựng các mô hình bảo vệ thiên nhiên và phòng, chống ô nhiễm môi trường. Trong đó, Hội đã phối hợp chính quyền trưng cầu được hơn 200 ý kiến đóng góp về việc giữ gìn môi trường và thực hiện quy ước “xanh, sạch, đẹp” trên địa bàn dân cư. Các cấp hội phụ nữ đã tích cực tham gia vận động các hộ gia đình nâng cấp hẻm, làm đường giao thông nông thôn và tạo cảnh quan quanh nhà, trong đó các quận, huyện như: Ninh Kiều, Bình Thủy, Thốt Nốt, Cờ Đỏ và Phong Điền được công nhận chuyển biến tích cực. Hiệu quả thiết thực nhất là vận động hội viên phụ nữ các cấp xây dựng nhà vệ sinh, làm nhà tắm hợp vệ sinh. Các quận, huyện đã vận động hỗ trợ 2.245 hộ vùng ven và nông thôn khoan cây nước phục vụ tiêu dùng với tổng số tiền hơn 11 tỉ đồng. Hơn 200 hộ hội viên phụ nữ có chăn nuôi heo được hướng dẫn và tạo điều kiện vay vốn làm hầm bi-ô-ga. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các địa phương ra mắt 20 câu lạc bộ “Sứ giả môi trường” thực hiện các mô hình “Tình nguyện xanh”, “Con đường xanh”, “Ngôi trường xanh”... vận động thanh niên thành thị và nông thôn tham gia các hoạt động giữ gìn vệ sinh và làm sạch môi trường chung nhân các ngày “Thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”...

NỖ LỰC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Cùng với tiến trình phát triển đô thị, phát triển kinh tế xã hội, TP Cần Thơ đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện nhiều biện pháp BVMT thực sự có hiệu quả trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nổi bật nhất là thành phố chú trọng triển khai xây dựng những dự án đầu tư cho môi trường ở đô thị cũng như môi trường nông thôn. Cụ thể như Dự án thoát nước và xử lý nước thải tại TP Cần Thơ được triển khai từ năm 2003, do Công ty TNHH Cấp thoát nước Cần Thơ làm chủ đầu tư. Tổng kinh phí thực hiện dự án trên 363 tỉ đồng; mô hình sản xuất nông nghiệp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”... Nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nhằm góp phần ổn định sản xuất và BVMT xung quanh.

Tuy nhiên, công tác quản lý môi trường trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế, đó là chất lượng các thành phần môi trường nhất là môi trường nước mặt chưa được cải thiện. Việc tuân thủ pháp luật về BVMT của các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa cao, nhiều doanh nghiệp chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý hoặc xây dựng các hệ thống xử lý chỉ mang tính chất đối phó, nhận thức của cộng đồng về môi trường được nâng lên nhưng chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt. Tiến độ triển khai các dự án đầu tư về môi trường nhất là các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở kỹ thuật như thoát nước và xử lý nước thải, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Sở TN&MT TP Cần Thơ, vấn đề trái đất nóng dần lên, mực nước biển dâng cao, khí hậu biến đổi ngày càng khắc nghiệt... đến nay không còn là chuyện của thế giới, mà đang đe dọa trực tiếp đến Việt Nam như: mức độ gây thiệt hại do lũ lụt, hạn hán, triều cường ngày càng nặng nề hơn; bão lốc, giông tố gia tăng về số đợt và cường độ nguy hại... đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của người dân. Điển hình như năm 2007, TP Cần Thơ xảy ra 14 đợt lốc xoáy làm 50 căn nhà sập, xiêu vẹo, tốc mái và 8 người chết (5 người bị sét đánh, 3 trẻ em chết đuối), 2 người bị thương; triều cường làm ngập 153 km đường giao thông... Năm 2008, thiệt hại do thiên tai xảy ra nhiều hơn so với mùa mưa, bão, lũ năm 2007. Lốc xoáy xảy ra 40 đợt, làm sập 54 căn nhà, tốc mái và xiêu vẹo 200 căn; 8 người chết (trong đó sét đánh chết 2 người, 6 trẻ em chết đuối do cha mẹ bất cẩn); triều cường làm ngập nhiều tuyến đường giao thông trong nội ô và đường giao thông nông thôn trên địa bàn thành phố; hàng trăm ha hoa màu, cây ăn trái tại các địa phương bị thiệt hại nặng. Năm 2009, TP Cần Thơ đã xảy ra 30 đợt lốc xoáy, làm sập 47 căn nhà, tốc mái 121 căn, 1 người bị thương do sét đánh...

Để tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý môi trường, đáp ứng được mục tiêu đề ra, xây dựng TP Cần Thơ văn minh, xanh, sạch đẹp thì các ngành, các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BVMT nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cộng đồng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp. Thông qua các hình thức như: Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5-6, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn 22-9... nhằm nhắc nhở, kêu gọi mọi người quan tâm đến vấn đề môi trường xung quanh, hạn chế sử dụng tài nguyên thiên nhiên và tự giác, tích cực tham gia các hoạt động BVMT để hạn chế các tác động do biến đổi khí hậu gây ra.

Đối với các dự án, công trình liên quan đến môi trường cần chủ động phòng ngừa ô nhiễm ngay từ khi thẩm định, phê duyệt dự án, bố trí các ngành sản xuất công nghiệp trên địa bàn theo hướng đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp... Tăng cường công tác thanh tra về BVMT năm 2010, tập trung kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với các khu, cụm công nghiệp và các nguồn thải lớn trên lưu vực sông Hậu trên địa bàn.

Ông Nguyễn Minh Thế, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, cho biết: “Bên cạnh những kế hoạch thực hiện trong thời gian tới, kế hoạch liên tịch về BVMT giữa sở và các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể trong thành phố tiếp tục thực hiện và nhân rộng mô hình BVMT có hiệu quả cao. Đây là một trong những hoạt động đem lại hiệu quả cao trong công tác BVMT”.

Rõ ràng, tác hại của việc hủy hoại môi trường rất đáng lo ngại, hậu quả khó lường. Đã đến lúc mọi cấp, mọi ngành khác phải chung tay BVMT, vì một môi trường sạch, an toàn, hướng đến con người, vì ngày mai.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết