Theo đánh giá của các tổ chức độc lập, Việt Nam đứng thứ 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ và thứ 6/11 nước ASEAN về xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT). Tại Hội nghị Ủy ban Quốc gia về CPĐT với Ban Chỉ đạo CPĐT, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương vào trung tuần tháng 2-2020, các đại biểu cho rằng, cơ sở dữ liệu cá nhân chưa được bảo vệ, là khâu yếu, thấp điểm. Một số khâu khác còn làm chậm, chưa đồng bộ, quyết tâm. Đặc biệt, nhiều nơi vẫn còn tình trạng “án binh bất động” hoặc “mạnh ai nấy làm” trong xây dựng CPĐT.
Những thành công bước đầu
Xây dựng CPĐT là mục tiêu phấn đấu của Chính phủ nhằm hiện thực hóa chủ trương Chính phủ phục vụ, kiến tạo. Từ tháng 3-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 (NQ17). Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), qua 1 năm thực hiện NQ17, đã có sự chuyển biến rõ nét về sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động cơ quan nhà nước. Nổi bật là tất cả bộ, ngành, địa phương đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia; tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi qua mạng tăng từ 72% (năm 2018) lên 86,5% (năm 2019), tiến gần mục tiêu 2020 là 90%. Các bộ, ngành, địa phương phối hợp khai trương cơ sở dữ liệu chuyên ngành Bảo hiểm xã hội, kết nối với hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia để liên thông thủ tục cấp giấy đăng ký khai sinh và thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi. Khi triển khai toàn quốc, số lượng hồ sơ xử lý liên thông đạt khoảng 8.000 hồ sơ/ngày.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ đã ký kết thỏa thuận hợp tác với VNPT Cần Thơ để ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào phục vụ công tác quản lý, điều hành trong các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019-2025.
Ở các địa phương, tỉnh An Giang được đánh giá cao trong xây dựng chính quyền điện tử. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết, năm 2019, tỷ lệ gửi và nhận văn bản điện tử đạt 97%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4 đạt 75,8%; tỷ lệ tiếp nhận và trả hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích đạt 40,6%. Có được kết quả trên là nhờ tỉnh đã xây dựng phần mềm quản lý văn bản, quản lý và hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể, quản lý khám và chữa bệnh. Tỉnh cũng đã phê duyệt Đề án “An Giang điện tử” giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh xây dựng trục kết nối hệ thống phần mềm “một cửa” tỉnh với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành trên địa bàn tỉnh, để tạo thuận lợi cho cán bộ, công chức trong tiếp nhận và xử lý hồ sơ thủ tục hành chính. Các sở, ngành, địa phương ký hợp đồng với Bưu điện, các công ty bưu chính nhằm tăng tỷ lệ tiếp nhận và trả hồ sơ qua dịch vụ bưu chính.
Tại TP Cần Thơ, các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính quyền điện tử kết hợp chặt chẽ với cải cách hành chính, đảm bảo tính đồng bộ, kết nối liên thông, chia sẻ và đảm bảo an toàn thông tin mạng. Cổng dịch vụ công thành phố và Hệ thống thông tin một cửa điện tử được triển khai đồng bộ cho tất cả các cơ quan quản lý hành chính nhà nước từ thành phố đến cấp huyện, cấp xã.
Việc khó, cần đồng thuận
Bên cạnh những kết quả như trên, trong triển khai các nhiệm vụ CPĐT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định, như: chưa hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai; hơn 70% bộ, ngành, địa phương chưa có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, chưa có nền tảng thanh toán điện tử cho dịch vụ công. Phát biểu tại Hội nghị Ủy ban Quốc gia về CPĐT với Ban Chỉ đạo CPĐT, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương vào trung tuần tháng 2-2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: Vẫn còn tình trạng lãnh đạo bộ “ôm” hồ sơ rồi phân, chuyển hồ sơ cho cục, vụ; sau đó, lãnh đạo cục, vụ phân cho chuyên viên, trong khi phải phân thẳng hồ sơ công việc cho chuyên viên. Về giá trị pháp lý của chữ ký số, thanh toán điện tử cũng còn gặp nhiều vướng mắc, cần có văn bản công nhận giá trị pháp lý trong thời gian tới; hay như việc liên thông dữ liệu cũng tồn tại hạn chế vì các bộ không chia sẻ, liên thông với nhau hoặc việc xây dựng đô thị thông minh còn máy móc…
Ông Nguyễn Trung Chính, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC cho rằng, CPĐT phải lấy người sử dụng là trung tâm để hiểu nhu cầu của người dân và tổ chức. Theo đó, người dân tham gia xây dựng CPĐT bằng việc tham vấn, tham gia trong việc thiết kế các dịch vụ công. Tuy nhiên, có một thực tế là Chính phủ rất quan tâm xây dựng CPĐT, trong khi cấp địa phương vẫn còn triển khai chậm. Hay như về cơ sở hạ tầng dùng chung còn chồng chéo, đơn cử như cùng 1 dịch vụ công nhưng có nhiều tổ chức cung cấp, từ đó không tạo sự thống nhất, liên thông.
Phát biểu tại Hội nghị Ủy ban Quốc gia về CPĐT với Ban Chỉ đạo CPĐT, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng vẫn còn tình trạng “án binh bất động”, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 còn thấp (chỉ đạt 10,76%), việc đầu tư nguồn lực cho CPĐT còn hạn chế... Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương phải quản lý tốt, hiệu quả, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng CPĐT. Thủ tướng chỉ đạo, về bảo đảm nguồn tài chính cho CPĐT, giao Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất việc chuyển một phần Quỹ viễn thông công ích cho các dự án nền tảng dùng chung của CPĐT. Bộ TT&TT nghiên cứu, đề xuất xây dựng Trung tâm giám sát quốc gia về CPĐT, thực hiện giám sát quốc gia về hạ tầng mạng, an toàn, an ninh mạng và về dịch vụ CPĐT của các cơ quan nhà nước. Người đứng đầu Chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số tích cực tham gia xây dựng CPĐT, coi đây là mục tiêu kép, vừa giúp phát triển CPĐT Việt Nam, vừa có kinh nghiệm để đi ra thế giới.
Năm 2020 là năm đầu tiên chuyển sang Chính phủ số, chính quyền số. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 17/NQ-CP, đặc biệt là chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Tỷ lệ cơ quan nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến tăng từ 50% lên 100%; 100% các bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu kết nối với nền tảng, tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia; 100% các bộ, ngành, địa phương có Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng.
Bài, ảnh: QUỐC THÁI