Trong cuộc sống bộn bề, những câu chuyện về việc làm thiện nguyện, tấm gương sống đẹp luôn lan tỏa sự yêu thương, ấm áp. Vậy nên, nếu có thể mang đến niềm vui, hạnh phúc cho người khác trong khả năng của mình thì cứ hào phóng cho đi…

Nhiều phụ nữ tham gia hoạt động nấu ăn từ thiện hỗ trợ người nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Phương Mai
Cô Thu Thủy ở quận Ninh Kiều, là giáo viên cấp 2 đã nghỉ hưu 10 năm. Là con út trong gia đình, lại sống độc thân, cô Thủy thay anh chị chăm sóc cha mẹ già bị bệnh tai biến, nằm một chỗ mấy năm liền. Sau khi cha mẹ qua đời, cô Thủy dành thời gian phụ các anh chị dạy dỗ, kèm cặp các cháu học tập. Cô Thủy dành thời gian tham gia công tác xã hội và hoạt động từ thiện ở địa phương. Lúc trước, mỗi sáng sớm, cô Thủy đạp xe đến phụ giúp các bếp ăn từ thiện, phân phát suất ăn đến tay người lao động nghèo, buôn gánh bán bưng... Những ngày rằm, cô cùng các cháu xúm xít nấu hơn trăm suất ăn chay, phát cho người nghèo khó, cơ nhỡ tại nhà hay mang trao tận tay những công nhân vệ sinh đường phố, những trường hợp lang thang, vô gia cư… cùng an ủi, sẻ chia những cảnh đời kém may mắn.
Cô Thủy bộc bạch, có sức khỏe và điều kiện làm từ thiện là quý lắm, nên không hề mệt mỏi, cảm thấy thư thái và đêm ngủ rất ngon. Cô Thủy còn nhân đôi niềm vui khi hướng các cháu hiểu được ý nghĩa đích thực của việc thiện nguyện. Khi dịch bệnh bùng phát, kéo dài, anh chị trong gia đình còn đóng góp tiền mua rau củ, thực phẩm để cô Thủy nấu thêm nhiều suất ăn tặng người nghèo khó trong và ngoài khu vực dân cư.
Tin cô Kim Thảo ở quận Cái Răng, định đăng ký hiến tạng khiến cả nhà xôn xao nhưng không ai ngạc nhiên bởi biết tính cô luôn hướng thiện, sống vì mọi người. Cô Thảo không lập gia đình, giỏi giang mua bán, quán xuyến ruộng nương; hết lòng phụng dưỡng cha mẹ và chăm lo 4 em trai học hành, vợ con đề huề, hạnh phúc. Cô Thảo dành phần lớn huê lợi ruộng vườn để chi cho việc học tập của các cháu, trang bị phương tiện đi lại. Cô còn chan hòa tình thân chòm xóm, ai cơ nhỡ, thiếu hụt, cô đều rộng lòng trợ giúp, giải quyết khó khăn. Chi tiêu kỹ lưỡng, nhưng cô Thảo sẵn sàng trích lợi nhuận kinh doanh hằng năm để tặng vài trăm phần quà từ thiện hỗ trợ bà con nghèo các dịp lễ, Tết. Ai trong xóm hữu sự gì, cô Thảo đều không nề hà đêm hôm khuya sớm, với quan niệm “người ta cần giúp đỡ, sao đặng chối từ”. Không được học hành nhiều nhưng cô Thảo khéo đối nhân xử thế, thấu tình đạt lý. Năm nào cũng vậy, khi sắp xếp ổn thỏa việc nhà, cô Thảo tháp tùng các đoàn hành hương, từ thiện từ Nam ra Bắc, còn thường xuyên vận động bạn bè giúp đỡ các cơ sở nuôi trẻ mồ côi, người già neo đơn, cơ nhỡ. Sau mỗi chuyến đi, cô Thảo thấy cuộc sống thêm hạnh phúc và ý nghĩa hơn.
Khi các em, các cháu bàn ra, phản đối việc đăng ký hiến tạng, cô Thảo từ tốn giải thích, thuyết phục để cô thoải mái thực hiện tâm nguyện và đây là việc nên làm để cứu sống bao người. Với việc làm của mình, cô Thảo mong muốn vun bồi niềm tin, lòng yêu thương, vị tha...
Thông tin các bệnh viện thiếu máu cứu người trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, khiến chị Hồng Thanh ở quận Ô Môn, đứng ngồi không yên, lòng cứ nao nao. Lúc trước, chị Thanh thường tham gia hiến máu tình nguyện, với mong muốn có thể giúp người qua cơn thập tử nhất sinh. Ðồng cảm và tâm đắc ý nghĩa thông điệp “một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, chị Thanh cảm nhận niềm hạnh phúc mỗi khi hiến máu và hy vọng sự sống tiếp tục sinh sôi. Tuy cuộc sống gia đình gặp khó khăn, dịch bệnh kéo dài, thu nhập bấp bênh nhưng chị Thanh vẫn vận động người thân tham gia hiến máu, còn nhiệt tình đưa đi và về an toàn. Mấy năm nay, con trai chị Thanh luôn đồng hành cùng mẹ hiến máu tình nguyện và rủ bạn bè tham gia. “Tôi thường dạy con, hiến máu cứu người không chỉ là việc thiện nguyện cá nhân, còn thể hiện trách nhiệm với xã hội và cộng đồng. Mỗi người cùng góp sức, nhiều người được cứu sống, để mọi nhà an vui, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn” - chị Thanh chia sẻ.
“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, tuy mỗi người chọn cách thiện nguyện khác nhau nhưng đều chung tâm nguyện trao yêu thương để cuộc sống tươi đẹp hơn.
Mai Thy