02/01/2017 - 19:21

Hướng nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa hàng hóa

Năm 2016, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) TP Cần Thơ đã triển khai tập huấn, chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa hàng hóa cho nông dân tham gia dự án, nhất là kỹ thuật canh tác "3 giảm, 3 tăng" và "1 phải, 5 giảm". Qua đó, giúp nông dân TP Cần Thơ tiết kiệm được chi phí trong sản xuất, tăng thu nhập, đồng thời đảm bảo chất lượng lúa hàng hóa, bảo vệ môi trường, sản xuất lúa theo hướng ngày càng bền vững…

Tín hiệu tích cực từ dự án...

Dự án VnSAT do Ngân hàng Thế giới tài trợ, có 18 tỉnh, thành trong cả nước tham gia gồm: 5 tỉnh phía Bắc, 5 tỉnh Tây Nguyên và 8 tỉnh, thành ĐBSCL. Đối với các tỉnh Tây Nguyên là hỗ trợ nông dân trồng cà phê. Còn ĐBSCL là cây lúa, nhằm mục tiêu giảm tác động tiêu cực tới môi trường thông qua việc giảm lượng nước tưới, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; gia tăng 30% lợi nhuận cho nông dân thông qua áp dụng "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm"; tăng cường năng lực thể chế phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp…

Thời gian qua, nông dân TP Cần Thơ đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa hàng hóa. Trong ảnh: Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp.

Tại TP Cần Thơ, Dự án VnSAT được triển khai thực hiện tại 16 xã, 3 huyện (Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai); có 25.000 hộ nông dân tham gia, diện tích khoảng 30.000 ha (chiếm hơn 1/3 diện tích trồng lúa của thành phố). Tổng kinh phí được duyệt hơn 15 triệu USD (trong đó vốn đối ứng hơn 1,8 triệu USD), triển khai trong giai đoạn 2015-2020.

Năm 2016, Dự án VnSAT TP Cần Thơ chủ yếu đào tạo tập huấn cho nông dân về kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng" và "1 phải, 5 giảm"; lựa chọn những nông dân chưa thực hiện các kỹ thuật canh tác này để tổ chức các lớp tập huấn sâu hơn và những nông dân đã áp dụng để đào tạo nâng cao kiến thức về "3 giảm, 3 tăng" và "1 phải, 5 giảm". Theo đó, có 137 lớp "3 giảm, 3 tăng", 79 lớp "1 phải, 5 giảm", đã đào tạo cho 7.285 lượt nông dân/25.000 nông dân tham gia dự án, với diện tích 5.828 ha trên tổng số 30.000 ha vùng dự án… Ngoài ra, dự án còn thực hiện 15 điểm trình diễn "3 giảm, 3 tăng" với quy mô 1.000 m2/điểm tại 3 huyện: Cờ Đỏ 10 điểm, Vĩnh Thạnh 4 điểm và Thới Lai 1 điểm. Kết quả của các điểm trình diễn "3 giảm, 3 tăng" cho thấy lợi nhuận thu được cao hơn 7,18 triệu đồng/ha so với ruộng của nông dân bên ngoài mô hình, nhờ giảm chi phí và tăng năng suất, sản lượng lúa. Sản xuất lúa theo mô hình ứng dụng quy trình kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng" chi phí sản xuất giảm được hơn 3,41 triệu đồng/ha (gồm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, lúa giống, phân…). Gieo sạ với lượng lúa giống thấp, bón phân cân đối và giảm lượng phân đạm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý không những giảm chi phí và tăng lợi nhuận cho nông dân mà còn hạn chế được ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng…

Theo ông Bùi Văn Kiệt, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, địa phương có gần 11.000 hộ nông dân tham gia dự án, với diện tích 9.700 ha. Năm 2016, Ban Chỉ đạo Dự án VnSAT huyện đã tổ chức triển khai thực hiện dự án đến UBND xã, hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân; lập kế hoạch triển khai tập huấn cho nông dân, phối hợp với Ban Chỉ đạo thành phố khảo sát đầu tư cơ sở hạ tầng cho các hợp tác xã; tập trung tuyên truyền cho nông dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Địa phương phối hợp với dự án tổ chức tập huấn "3 giảm, 3 tăng" được 47 lớp, cho 2.200 lượt nông dân, diện tích 1.885 ha…

Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho rằng: Dự án VnSAT có quy mô và nguồn vốn rất lớn hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Dự án còn có sự tham gia hỗ trợ từ các ban, ngành từ cấp thành phố đến các quận, huyện tham gia dự án. Trong bối cảnh TP Cần Thơ đang đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị bền vững, cần nhiều hơn nữa sự tham gia và nhanh chóng thay đổi hành vi trong sản xuất, chuyển đổi nhanh từ số lượng sang chất lượng, trong đó vai trò đóng góp từ nông dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương là hết sức quan trọng. Trong năm 2016, được sự hỗ trợ từ Dự án VnSAT, TP Cần Thơ cũng đã đẩy mạnh triển khai thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao chuỗi giá trị cho ngành hàng lúa gạo, tăng cường tuyên truyền phổ biến kiến thức cho nông dân về canh tác bền vững, thân thiện với môi trường, nâng cao năng lực thể chế... Qua đó, nhiều địa phương đã chuyển giao và ứng dụng thành công các quy trình canh tác tiên tiến, canh tác bền vững như: "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm"...

Tiếp tục tập huấn cho nông dân

Năm 2017, Dự án VnSAT TP Cần Thơ tập trung hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho các hợp tác xã, hỗ trợ cơ sở hạ tầng chung (nhân giống lúa xác nhận); tập huấn cho cán bộ cấp tỉnh, huyện và cán bộ dự án; tiếp tục đào tạo tập huấn cho nông dân về "3 giảm, 3 tăng" (dự kiến 183 lớp), "1 phải, 5 giảm" (dự kiến 91 lớp); xây dựng các điểm trình diễn "3 giảm, 3 tăng" (dự kiến 14 điểm), "1 phải, 5 giảm" (dự kiến 14 điểm)… Trong đó, dự án chọn 8 hợp tác xã để hỗ trợ cơ sở hạ tầng gồm: Đồng Vạn, Quyết Thắng, Hiếu Bình (huyện Vĩnh Thạnh); Đại Lợi, Thạnh Thắng, Trường Thắng (huyện Thới Lai); Thới Xuân, Trung Hưng (huyện Cờ Đỏ).

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đồng Vạn, cho biết: Tham gia Dự án VnSAT, nông dân hợp tác xã được tham dự hơn mười cuộc tập huấn, có điều kiện đẩy mạnh ứng dụng "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm" vào sản xuất. Trước đây, nông dân có tập quán sạ dày, qua các lớp tập huấn đã dần thay đổi tích cực trong khâu giảm giống, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật do dự án đưa xuống. Nếu như trước đây nông dân sạ 250-300 kg/ha, giờ chỉ còn 100-120 kg/ha, riêng hợp tác xã còn khuyến cáo xã viên chỉ sạ 80-100 kg/ha. Hướng tới, hy vọng dự án sẽ có thêm các lớp tập huấn cho nông dân hợp tác xã. Ngoài ra, hợp tác xã rất cần đầu tư cơ sở hạ tầng, mong muốn dự án xem xét hỗ trợ để hợp tác xã có điều kiện phát triển hơn nữa…

Theo ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hiếu Bình, hợp tác xã đang quản lý 1.200 ha, và sản xuất 3 vụ lúa/năm. Vụ đông xuân 2016-2017, 9 thành viên của hợp tác xã đi tiên phong cấy lúa bằng máy (hợp đồng với đối tác đưa máy vào cấy, gieo mạ chỉ 6 kg/1.000 m2) với diện tích 150 ha. Cấy lúa bằng máy sẽ giải được chi phí, lúa đổ ngã rất hạn chế và chất lượng hạt lúa tốt hơn. Hợp tác xã dự kiến vụ hè thu năm 2017 sẽ tăng diện tích cấy lên hơn nữa, sản xuất lúa giống, hợp tác xã mong muốn được ký hợp đồng với doanh nghiệp tiêu thụ, tạo điều kiện cho xã viên phát triển hơn…

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng: Cả doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân đều hưởng lợi từ Dự án VnSAT. Do đó, để dự án mang lại hiệu quả, doanh nghiệp với hợp tác xã, nông dân cần phải liên kết với nhau chặt chẽ, giải quyết được đầu ra lúa gạo rất tốt. Dự án này cũng một phần phục vụ chuyển đổi nông nghiệp bền vững, thay đổi cung cách sản xuất cũ (sản xuất nhỏ lẻ, tự phát và không theo nhu cầu thị trường) sang quy trình sản xuất mới, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, quản lý sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong trồng lúa đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu…Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho rằng: TP Cần Thơ đã triển khai thực hiện Dự án VnSAT năm 2016 hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Đây là năm đầu tiên khởi động dự án, nhưng Ban Quản lý Dự án đã triển khai với những công việc cụ thể và mang lại hiệu quả cao; nhất là tập trung tuyên truyền về mục tiêu dự án, đối tượng tham gia và thời gian thực hiện dự án; đẩy mạnh tập huấn và đào tạo cho đối tượng cán bộ và nông dân tham gia dự án… Năm 2017, Ban Quản lý Dự án cần xây dựng kế hoạch cụ thể, trên cơ sở đó các huyện triển khai thực hiện dự án trong thời gian tới. Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành để thực hiện dự án được đồng bộ. Phải tiếp tục tổ chức tập huấn cho nông dân về "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm". Tập trung nâng cao năng lực các hợp tác xã nông nghiệp. Sở NN&PTNT nghiên cứu xây dựng đề án hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy cấy, máy sạ và trang ủi đất bằng laser…

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết