|
Đảm bảo thị trường nông sản phát triển sẽ góp phần để ĐBSCL tăng trưởng bền vững (Trong ảnh: đóng gói chôm chôm xuất khẩu ở Bến Tre). Ảnh: KHÁNH TRUNG |
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra từ năm 2008 đến nay đã làm kinh tế các quốc gia đang bị suy giảm mạnh. Tại Việt Nam, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới cũng đã và đang ảnh hưởng không nhỏ. Trong khuôn khổ cuộc Hội thảo với chủ đề: “Nhìn lại kinh tế Việt Nam và nhận định triển vọng sau 2010” vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ tổ chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, đã cung cấp một cách tổng thể “bức tranh” kinh tế của Việt Nam, đồng thời gợi mở ra những hướng đi mới. Trong đó, giải pháp để Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển bền vững đã được tập trung bàn luận...
THỊ TRƯỜNG NÔNG SẢN GẶP KHÓ
Cuộc khủng hoảng kinh tế lan nhanh toàn cầu đã kéo theo các định chế tín dụng và nhiều tập đoàn kinh tế, tài chính phá sản làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Trong khi đó, các thị trường tiêu thụ lớn trên thế giới giảm sút làm cho các quốc gia cung ứng hàng hóa xuất khẩu bị ảnh hưởng đáng kể. Trong đó nền kinh tế Việt Nam cũng bị tác động lớn.
Năm 2008, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam giảm sút khá lớn kể từ năm 2000 đến nay, xuống còn 6,18%. Mức độ ảnh hưởng này đã sâu rộng hơn khi tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2009 chỉ ở mức 3,9% so với cùng kỳ năm 2008. Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng chỉ tăng 3,48%. Thương mại giảm sút, nhất là việc thu hẹp các “đầu ra” chính cho xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường chủ lực như: Mỹ, EU, Nhật Bản. Trong khi đó, một số thị trường khác lại đang giảm nhập khẩu nguyên liệu từ Việt Nam, đồng thời tăng mạnh áp lực cạnh tranh về giá cả lên các doanh nghiệp trong nước. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phải giãn thợ hay sa thải công nhân góp phần làm giảm việc làm, tăng tỷ lệ thất nghiệp và giảm thu nhập của một bộ phận người lao động. Đầu tư nước ngoài sụt giảm mạnh trên toàn cầu cũng đã gây khó khăn cho việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian qua.
Tại Hội thảo “Nhìn lại kinh tế Việt Nam và nhận định triển vọng sau 2010” vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ở TP Cần Thơ, bà Phạm Chi Lan, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) nhận định, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu đang diễn ra rộng cả về quy mô và tầm ảnh hưởng thì nông sản là một trong những mặt hàng chịu tác động rất lớn. Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2009 ước đạt 7,6 tỉ đô-la Mỹ (USD), đạt 54,3% kế hoạch và giảm 2,43% so với cùng kỳ năm 2007. Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản đem lại cho nền kinh tế đất nước rất lớn, chiếm tới 4,3 tỉ USD. Sản lượng xuất khẩu tăng, nhưng so sánh giá tại thời điểm giữa tháng 6-2009 với cùng kỳ năm trước lại có xu hướng giảm mạnh. Bên cạnh đó, nhiều nước cũng đã dựng lên nhiều rào cản kỹ thuật để bảo hộ cho sản xuất trong nước, khiến môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nông dân. Do đó, các cơ quan chức năng cần phải có các chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo thu nhập của nông dân. Giải pháp hỗ trợ lãi suất 4% có tác dụng tích cực giúp doanh nghiệp (DN) giảm chi phí vốn, lập lại cân bằng trên bảng kế toán, nhưng để các DN tăng tốc phát triển thì vẫn cần phải có sự “tiếp sức” trong thời gian tới. Hiện nay, sự phục hồi của kinh tế thế giới diễn ra chậm, kinh tế Việt Nam trước mắt còn nhiều khó khăn...
ĐBSCL là khu vực sản xuất nông nghiệp, hàng nông-thủy-hải sản lớn nhất cả nước, nhưng hiện nay thế mạnh này cũng đang chịu ảnh hưởng không nhỏ từ cuộc khủng hoảng tài chính, nhất là lĩnh vực xuất khẩu. Theo khảo sát của VCCI chi nhánh Cần Thơ, lợi nhuận và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2008 của các DN tại ĐBSCL đang ở mức trung bình thấp. Các DN xuất khẩu thủy-hải sản, gạo của khu vực ĐBSCL lâm vào khó khăn đã tác động dây chuyền đến hàng loạt các DN dịch vụ có liên quan, thu nhập và lợi nhuận của nông dân vì thế cũng giảm đi đáng kể.
CẦN CÓ GIẢI PHÁP TỔNG LỰC, ĐỒNG BỘ
Tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu còn phức tạp, kéo dài. Các ngành, các DN nước ta sẽ còn gặp khó khăn, nhất là về thị trường. Nhiều rủi ro về kinh tế-xã hội sẽ xuất hiện sau khủng hoảng. Hội thảo “Nhìn lại kinh tế Việt Nam và nhận định triển vọng sau 2010” đã kiến nghị, về phía Nhà nước cần đề ra các giai đoạn phát triển mới trong các điều kiện mới. Cụ thể là củng cố và phát triển các điều kiện nội ngoại lực để đảm bảo tăng trưởng sau khủng hoảng. Trước hết là tạo những đột phá về thể chế như: cải cách DN nhà nước, tập đoàn kinh tế nhà nước, thị trường đất đai, tài chính, phát triển một số ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ dựa trên công nghệ cao. Nhiều vấn đề khác được phía DN quan tâm, kiến nghị như tiếp tục giảm lãi suất ngân hàng, giãn thuế cho DN, tạo điều kiện cho DN tiếp cận và củng cố nguồn vốn, sớm hoàn thành cơ sở hạ tầng, hỗ trợ xuất khẩu thông qua xúc tiến mở rộng thị trường mới...
Đối với khu vực ĐBSCL, cơ cấu kinh tế ĐBSCL nghiêng nhiều về sản xuất nông nghiệp và chế biến thủy sản chiếm trên 60%. Với cấu trúc kinh tế nghiêng về sản phẩm cơ bản thì cuộc suy thoái kinh tế thế giới không tác động ngay lập tức do hệ số co giãn thấp, nhưng đến giai đoạn phục hồi của nền kinh tế toàn cầu thì cấu trúc này sẽ khó thích ứng kịp sự phát triển chung. Tác động của kinh tế thế giới sẽ giúp sàng lọc rất chính xác thực lực và tiềm năng của mỗi DN. Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, dự báo: Việc tái cấu trúc ngành kinh tế, khu vực kinh tế trên toàn thế giới sẽ xảy ra trong thời gian tới. Do đó, các DN của khu vực có thể xem đây là một cơ hội để nhanh chóng thay đổi, thích ứng tốt hơn với tình hình mới.
Theo nhận định của giáo sư David Dapice, Trường Đại học Tufts (Hoa Kỳ), thế mạnh của ĐBSCL là nông sản, chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, khu vực này đang phải đối mặt với sự gia tăng chi phí sản xuất do hoạt động từ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng và chế biến thủy sản đang làm đe dọa đến nguồn nước ngọt. Mực nước ngầm cũng đang dần cạn kiệt do hoạt động thủy lợi, nuôi trồng thủy sản trong khi sự thâm nhập của nước mặn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của cả vùng trong những năm tới.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, khó khăn của nền kinh tế nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng sẽ còn tiếp tục kéo dài đến bao lâu tùy thuộc vào nỗ lực không chỉ của từng địa phương mà còn của từng DN. Vì vậy, DN cần theo dõi sát diễn biến của nền kinh tế, thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, cơ chế chính sách để tự thích ứng và liên kết thành một khối cùng nhau tháo gỡ khó khăn để phát triển. DN nên chuyên môn hóa vào những lĩnh vực có thế mạnh về nguyên liệu, trình độ kỹ thuật, chuyên môn... vì đây là những giải pháp phát triển hữu hiệu giúp DN cũng như kinh tế địa phương giảm thiểu rủi ro.
Bà Phạm Chi Lan, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS), chia sẻ: “Sau 2 năm gia nhập WTO, các mặt hàng nông, thủy, hải sản Việt Nam vẫn giữ được vị thế cạnh tranh và đóng góp cho tăng trưởng xuất khẩu từ nông sản là rất lớn. Đặc biệt, trước sự ảnh hưởng của kinh tế thế giới, không ít mặt hàng đã giảm tỷ trọng xuất khẩu, nhưng cán cân thương mại xuất khẩu của nhóm mặt hàng này vẫn là chủ lực. Đây là khía cạnh tích cực nhất trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, hàng nông sản Việt Nam đang phải đối mặt gay gắt với nhiều trở ngại như chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi thị trường xuất khẩu đang bị thu hẹp, nhà nhập khẩu ngày càng “khó tính” thì chất lượng sản phẩm là một trong những yếu tố quyết định chỗ đứng của sản phẩm DN hiện nay. Do tập tính sản xuất manh mún, thiếu sự liên kết giữa các vùng, phần lớn hàng nông sản của Việt Nam là xuất thô, nên giá trị đem lại không cao. Đây là những nhược điểm cần nhanh chóng được khắc phục”.
VĂN TUẤN