12/10/2011 - 09:29

ĐIỀU TRA THỐNG KÊ HIỆN TRẠNG PHỔ CẬP DỊCH VỤ ĐIỆN THOẠI, INTERNET VÀ NGHE - NHÌN:

Hướng đến xây dựng Việt Nam mạnh về công nghệ thông tin, cung ứng tốt dịch vụ công ích

(CT)- Ngày 11-10-2011, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Bắc Son chủ trì hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành về tổng kết điều tra thống kê hiện trạng phổ cập dịch vụ điện thoại, internet và nghe - nhìn toàn quốc năm 2010. Về phía đầu cầu TP Cần Thơ, lãnh đạo Sở TTTT TP Cần Thơ, đại diện Phòng Văn hóa - Thông tin các quận, huyện và các doanh nghiệp viễn thông đã tham dự.

Cuộc điều tra thống kê hiện trạng phổ cập dịch vụ điện thoại, internet và nghe - nhìn toàn quốc năm 2010 bắt đầu thực hiện vào lúc 0 giờ ngày 1-6-2010. Kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại cố định bình quân cả nước là 41,7% (Cần Thơ 40%); tỷ lệ hộ gia đình có máy tính cá nhân là 12,6% (Cần Thơ 18%); kết nối mạng internet là 8,2% (Cần Thơ 12%); có máy thu thanh là 10,7% (Cần Thơ 15%); có máy thu hình là 90,4% (Cần Thơ 95%); tỷ lệ người trong hộ gia đình sử dụng điện thoại di động là 37,5% (Cần Thơ 40%); tỷ lệ người trong hộ gia đình sử dụng internet là 14,6% (Cần Thơ 20%). Mật độ điện thoại cố định (thuê bao/100 dân) bình quân cả nước là 19,2% (Cần Thơ 19,3%); tỷ lệ xã có thuê bao internet băng thông rộng (xDSL, CATV, FTTH) là 87,2% (Cần Thơ 96%); tỷ lệ xã có truyền dẫn cáp quang là 95,9% (Cần Thơ 100%); tỷ lệ xã có truyền dẫn cáp đồng là 89,7% (Cần Thơ 100%).

Cuộc điều tra nhằm mục tiêu thu thập thông tin, số liệu về thực trạng cơ sở hạ tầng TTTT quốc gia, khả năng tiếp cận thông tin của người dân các vùng miền, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; hình thành cơ sở dữ liệu thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cấp quốc gia và địa phương trong lĩnh vực TTTT; xây dựng hệ thống số liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước về TTTT và tư liệu phục vụ các chính sách phát triển của ngành TTTT... Các hoạt động trên góp phần đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử, xây dựng chương trình cung ứng dịch vụ công ích, các mục tiêu quốc gia trong việc phát triển và cung cấp dịch vụ TTTT... trong giai đoạn 2011-2015 và đến năm 2020.

H.V

Chia sẻ bài viết