15/01/2019 - 07:16

Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ

Hướng đến phát triển bền vững 

Sau 5 năm hoạt động, Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ (ĐH KT-CN) Cần Thơ đã phát triển mạnh các nguồn lực, đảm bảo đào tạo nhân lực chất lượng cao cho thành phố. Tại buổi làm việc về công tác năm 2019 và kế hoạch nâng cao vị thế của trường, do Chủ tịch UBND thành phố Võ Thành Thống chủ trì vừa qua, lãnh đạo nhà trường cho biết vẫn còn nhiều việc phải làm để đảm bảo phát triển bền vững.

Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ trong giờ học. 

 

Sớm gỡ khó

Thành lập trên cơ sở nâng cấp từ Trung tâm Đại học Tại chức Cần Thơ năm 2013, Trường ĐH KT-CN Cần Thơ, cũng là trường đại học đầu tiên trực thuộc UBND TP Cần Thơ, đã thực hiện nhiều giải pháp để xây dựng các nguồn lực phục vụ dạy học, nghiên cứu khoa học. So với thời gian mới thành lập, cán bộ, viên chức (CBVC) của trường tăng cả về số lẫn chất lượng. Trường hiện có 193 CBVC (15 tiến sĩ, 122 thạc sĩ); 38 thầy, cô đang học sau đại học trong và ngoài nước. Trường có 2 cơ sở: Cơ sở 1 ở quận Ninh Kiều; cơ sở 2 ở quận Bình Thủy (trên 17ha). Năm 2018, trường tuyển được 861 sinh viên (đạt trên 100% chỉ tiêu), nâng quy mô đào tạo lên hơn 3.100 sinh viên.

Trường đã có 2 khóa với 340 sinh viên tốt nghiệp ra trường. Phần lớn sinh viên đều có việc làm phù hợp, với mức lương ổn định. Năm 2018, trường mở mới ngành Công nghệ sinh học, nâng tổng số ngành đào tạo lên 12 ngành đại học chính quy. Năm 2019, trường dự kiến có thêm 3 ngành mới là Ngôn ngữ Anh, Khoa học dữ liệu và Logistics – Quản lý chuỗi cung ứng. Để nâng cao chất lượng đào tạo, CBVC nhà trường nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy, thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp; gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế. Trong đó, trường đã tiếp đón các đoàn cán bộ, sinh viên của các trường: Đại học RRU - Thái Lan, Đại học Miyagi - Nhật Bản, Đại học Chosun - Hàn Quốc… Theo PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng Trường ĐH KT-CN Cần Thơ, trường đã có kế hoạch mở các lớp giảng dạy tiếng Nhật hợp tác với Học viện Ngoại ngữ Okayama. Đồng thời đã dự thảo Bản ghi nhớ hợp tác với Học viện Máy tính Kobe trong đào tạo, nghiên cứu khoa học...

 Thời gian qua, dù lãnh đạo trường luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên nhưng chế độ khuyến khích và ưu đãi chưa đồng đều hiện nay khó tạo động lực cho thầy cô. Mặt khác, để bổ nhiệm một cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp khoa, phòng, trường sẽ mất khoảng 7 năm để đào tạo chuyên môn và gần 3 năm bồi dưỡng các kiến thức bổ trợ. Lãnh đạo nhà trường kiến nghị: Để trường hoạt động thuận lợi hơn, thành phố nên có cơ chế đặc thù cho trường trong việc bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý cấp khoa, phòng, trung tâm; nhằm đáp ứng quy định về cơ cấu trường đại học theo quy định.

PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã đề xuất: Thành phố có thể cho phép trường thực hiện chính sách thu hút đối với cán bộ giảng dạy tốt nghiệp thạc sĩ đúng chuyên ngành hoặc đang là nghiên cứu sinh (thay vì đã có trình độ tiến sĩ theo quy định), bởi nhu cầu phát triển đội ngũ nhằm đảm bảo hoàn thiện 15 ngành đào tạo của trường là rất lớn. Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Thu, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết thêm: Để đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, trường cần có đội ngũ giảng viên giỏi, có trình độ và tâm huyết với nghề. Tuy trường đã tạo điều kiện để giảng viên đi học nhưng các thầy cô tham gia chương trình đào tạo sau đại học theo hình thức được cấp học bổng toàn phần của tổ chức nước ngoài thì không được hưởng chế độ ưu đãi. Do vậy, trường mong muốn thành phố xem xét tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích để thu hút cũng  “giữ chân” cán bộ làm việc lâu dài tại trường.

Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo

Tại buổi làm việc với Trường ĐH KT-CN Cần Thơ do ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chủ trì vừa qua, đại diện các sở, ban, ngành thành phố cho rằng, trường phải giữ vững “thương hiệu” đào tạo nhân lực đúng với tên gọi của trường đại học chuyên sâu về KT-CN.

Theo ông Phạm Thanh Vận, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ, trường mang tên KT - CN đã nói lên tầm nhìn chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố, đúng với tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị. Trước mắt, trường chọn một hai ngành đào tạo có thế mạnh (trong số 12 ngành) phù hợp với nhu cầu xã hội hiện nay và xác định cần có giảng viên giỏi ở ngành này để xây dựng chiến lược đào tạo hoặc thỉnh giảng. Ông Phạm Thanh Vận nói: “Trường phải đẩy mạnh liên kết với đối tác trong ngoài nước về đào tạo và nghiên cứu khoa học, thông qua trao đổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, học tập giữa sinh viên, giảng viên giữa các trường”. Ông Châu Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, đề xuất: Trường cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng để nâng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ; từ đó nâng cao chất lượng, vị thế của trường. Trường tăng cường kết nối đào tạo với doanh nghiệp, để nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp; nắm bắt nhu cầu tuyển dụng nhân sự có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ (tiếng Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản…) để đào tạo phù hợp nhu cầu xã hội.

Không chỉ TP Cần Thơ mà cả nước ta đang rất cần nguồn nhân lực KT- CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nên các cấp lãnh đạo thành phố đã rất quyết tâm thành lập, cũng như đầu tư thỏa đáng cho Trường ĐH KT-CN Cần Thơ. Theo ông Võ Thành Thống, thành phố sẽ xem xét và giải quyết những vấn đề bức thiết trước mắt của trường; tuy vậy, trường cần xây dựng chiến lược phát triển tầm nhìn đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở này, trường xác định ngành nghề đào tạo ở từng giai đoạn cụ thể; có giải pháp đầu tư, bổ sung nguồn lực giảng viên; tăng cường hợp tác với các trường đại học uy tín, hợp tác quốc tế... để nâng cao chất lượng đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực có trình độ cao, phù hợp yêu cầu thời đại.

Bài, ảnh: B.Kiên

 

Chia sẻ bài viết