10/09/2024 - 09:47

Hợp tác xã ứng dụng công nghệ nâng cao hiệu quả kinh doanh 

Để thích ứng với xu thế chuyển đổi số, nhiều hợp tác xã (HTX) ở TP Cần Thơ đã không ngừng đổi mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất để tạo sản phẩm hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng; kết hợp tăng cường ứng dụng các nền tảng số để quảng bá sản phẩm nông sản, tìm kiếm khách hàng, mở rộng kênh tiêu thụ… Qua đó giúp cho nhiều HTX gia tăng doanh số bán hàng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong thời đại số.

Ông Phạm Ngọc Đá, Giám đốc HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao Giọt Phù Sa thường xuyên cập nhật và giới thiệu công dụng các sản phẩm đông trùng hạ thảo trên các nền tảng mạng xã hội...

TP Cần Thơ hiện có 341 HTX, có 13.433 thành viên, với tổng vốn điều lệ trên 744 tỉ đồng. Trong đó có nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; áp dụng công nghệ tưới tự động, sử dụng máy bay điều khiển từ xa, xây dựng nhật ký chăm sóc điện tử; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành cũng như quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua các nền tảng số… từng bước nâng cao năng lực hoạt động, gia tăng hiệu quả kinh doanh trong thời đại số.

HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao Giọt Phù Sa được đánh giá là một trong những mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả trên địa bàn huyện Phong Điền, tiên phong ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Ông Phạm Ngọc Đá, Giám đốc HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao Giọt Phù Sa, cho biết: Cùng với việc đầu tư công nghệ cao, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất trong nhà kính cũng như yêu cầu chế biến và bảo quản, đảm bảo sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo đạt tiêu chuẩn chất lượng, với hàm lượng dinh dưỡng cao, HTX còn ứng dụng công nghệ số trong hoạt động kinh doanh, như gắn mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng, quảng bá hình ảnh, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, HTX đã tích cực quảng bá, đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử như Shopee cùng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok và Zalo, bằng cách chia sẻ hình ảnh và câu chuyện về quy trình sản xuất, công dụng của sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo; đồng thời, cập nhật những sản phẩm mới, chương trình khuyến mãi và các bài viết hữu ích liên quan đến dinh dưỡng thông qua các nền tảng số… Qua đó gia tăng sự hiện diện, thương hiệu sản phẩm của HTX trên thị trường cũng như kết nối thêm nhiều khách hàng, đối tác. Đặc biệt là sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa đạt chứng nhận hữu cơ và đạt OCOP 4 sao cấp thành phố đã được nhiều khách hàng biết đến và tin dùng, giúp HTX gia tăng doanh số bán hàng, cao gấp đôi so với trước, đạt doanh thu trên 6 tỉ đồng/năm, giúp tạo việc làm ổn định cho người lao động trong HTX, với mức thu nhập bình quân từ 6-10 triệu đồng/người/tháng.

HTX Nông sản xanh Cần Thơ ứng dụng phần mềm quản lý bán hàng tại cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch của HTX ở đường Võ Văn Kiệt, phường An Thới, quận Bình Thủy.

Không chỉ làm tốt vai trò hỗ trợ nông dân sản xuất nông sản đạt chất lượng an toàn hoặc chuẩn hữu cơ, HTX Nông sản xanh Cần Thơ, quận Thốt Nốt còn liên kết với nhiều doanh nghiệp, đối tác xây dựng chuỗi tiêu thụ sản phẩm nông sản, rau củ, trái cây an toàn, cung cấp cho khách hàng trong và ngoài thành phố. Hiện HTX Nông sản xanh Cần Thơ cung ứng đủ loại các sản phẩm, như gạo, rau củ, trái cây cùng các mặt hàng OCOP, thực phẩm dinh dưỡng... cho hệ thống siêu thị Co.opmart, LOTTE mart, Satrafoods cùng các bếp ăn trường học và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, đạt doanh thu bình quân trên 3,5 tỉ đồng/năm, tạo thu nhập ổn định cho 7 thành viên và 10 người lao động đang làm việc tại HTX.

Theo bà Nguyễn Minh Thùy Trân, Giám đốc HTX Nông sản xanh Cần Thơ, bên cạnh việc phát huy hiệu quả hợp tác cung cấp nông sản, hàng hóa được sản xuất, chế biến theo quy trình tiêu chuẩn an toàn cho các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị trong và ngoài thành phố, HTX Nông sản xanh Cần Thơ còn nỗ lực quảng bá hàng hóa, sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội cùng các trang thương mại điện tử. Hiện HTX nông sản xanh Cần Thơ có một cửa hàng chuyên kinh doanh nông sản, thực phẩm sạch trên đường Võ Văn Kiệt, phường An Thới, quận Bình Thủy; cùng đó, HTX còn đầu tư thêm các trang bị máy móc hiện đại như máy vi tính, máy in, máy quét mã vạch, kết hợp ứng dụng phần mềm bán hàng theo hình thức trực tiếp (offline), trực tuyến (online); sử dụng các app bán hàng, email… để tương tác với khách hàng trên tất cả các nền tảng số. Với những nỗ lực không ngừng, đẩy mạnh ứng dụng số trong hoạt động kinh doanh, đa dạng hóa các kênh bán hàng, kết nối thị trường tiêu thụ đã giúp HTX Nông sản xanh Cần Thơ ổn định thị phần, tăng trưởng kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động trong HTX, với mức thu nhập bình quân từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.

Việc tăng cường ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh đã giúp cho các HTX nâng cao hiệu quả quản lý, tiết giảm chi phí sản xuất, tạo dựng niềm tin và nâng cao uy tín về chất lượng sản phẩm với khách hàng. Không chỉ vậy, việc ứng dụng công nghệ số còn giúp các HTX dễ dàng xây dựng mạng lưới khách hàng, tiếp cận thị trường và mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, gia tăng lợi nhuận, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho thành viên và người lao động trong HTX… Dù có những chuyển biến tích cực, nhưng việc áp dụng các nền tảng số vào hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều HTX trên địa bàn TP Cần Thơ chỉ mới ở bước đầu, còn nhỏ lẻ, dừng lại ở một số khâu như tưới tiêu, chế biến, dán tem và mã QR, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử… Nguyên nhân là do trình độ tiếp cận công nghệ thông tin của đội ngũ quản lý và thành viên HTX còn nhiều hạn chế, khiến nhiều HTX gặp khó khăn trong việc đầu tư vào công nghệ mới. Thêm vào đó, việc đầu tư sản xuất công nghệ cao, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn trong khi hầu hết các HTX đều có quy mô nhỏ và thiếu vốn. Ngoài ra, sự liên kết giữa các HTX và các đối tác, doanh nghiệp vẫn chưa được phát huy tối đa, dẫn đến hiệu quả chuyển đổi số trong hoạt động của nhiều HTX vẫn chưa đạt yêu cầu…

Theo ông Nguyễn Đức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, để các HTX bắt nhịp yêu cầu chuyển đổi số trong bối cảnh mới, các ngành chức năng thành phố cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng thay đổi nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho cán bộ chủ chốt và thành viên của HTX; tăng cường phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các hội thảo chuyên đề, tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, sản xuất và việc triển khai dịch vụ hỗ trợ thành viên; giới thiệu các mô hình HTX thực hiện chuyển đổi số thành công; hỗ trợ HTX tham gia các sàn thương mại điện tử để quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm; tăng cường huy động, lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án, đề án có liên quan của các sở, ngành thành phố và của Trung ương, nhằm hỗ trợ cho HTX tiếp cận được vốn đầu tư hạ tầng công nghệ, trang thiết bị, máy móc hiện đại cùng mạng internet thế hệ mới, để các HTX có đủ điều kiện thực hiện chuyển đổi số cũng như ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, quan tâm triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao về làm việc trong các HTX, nhất là các HTX có quy mô sản xuất lớn và đông thành viên… Qua đó, sẽ giúp sức cho các HTX tiếp cận được các nguồn lực đầu tư, ứng dụng công nghệ số để cải tiến mô hình tổ chức, quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh theo xu thế mới, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh số hóa.

Bài, ảnh: MỸ HOA

Chia sẻ bài viết