Trong điều kiện bình thường mới, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đã từng bước bắt nhịp thị trường, khôi phục lại quy mô sản xuất và ứng dụng tốt quy trình GAP để tăng năng suất và chất lượng nông sản; đồng thời chủ động tham gia kết nối cung - cầu tiêu thụ hàng hóa, ổn định đầu ra cho thành viên. Từ đó, trở thành điểm tựa vững chắc cho nhà nông, góp phần vào chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu cho người dân trong điều kiện bình thường mới.
Làm sạch rau muống sau khi thu hoạch tại HTX rau an toàn Hòa Phát, phường Thới An, quận Ô Môn.
Theo Liên minh HTX Việt Nam, hiện cả nước có hơn 26.000 HTX, 106 Liên hiệp HTX và gần 120.000 tổ hợp tác, thu hút hơn 8 triệu thành viên; tỷ trọng sản lượng lương thực, thực phẩm và nông sản do các HTX, tổ hợp tác sản xuất chiếm từ 25-75% trong tổng sản lượng của cả nước. Do vậy, các HTX, tổ hợp tác được xem là thành phần quan trọng, góp phần trong chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu, phục vụ nhu cầu của người dân cũng như ổn định giá cả thị trường trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Với vai trò nòng cốt trong hỗ trợ thành viên, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam đã tập trung huy động các nguồn lực trong và ngoài hệ thống, thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ HTX về xúc tiến thương mại, vốn tín dụng, khoa học công nghệ, đào tạo nâng cao năng lực quản trị cho các HTX; hướng dẫn HTX bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước… để từng bước khôi phục sản xuất, ổn định hoạt động và phát triển kinh doanh trong tình hình mới.
Cùng với sự trợ lực từ hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, nhiều HTX nông nghiệp ở TP Cần Thơ đã linh động bắt nhịp thị trường, tổ chức kế hoạch sản xuất, từng bước khôi phục lại quy mô sản xuất; đồng thời, chú trọng áp dụng quy trình GAP để tăng chất lượng và giá trị sản phẩm làm ra, từ đó tạo động lực cho thành viên gia tăng năng lực sản xuất hàng hóa, nông sản đạt chất lượng cao để cung ứng cho thị trường trong điều kiện bình thường mới.
Thời điểm này, 10 thành viên của HTX rau an toàn Hòa Phát và 60 nông hộ chuyên trồng rau màu ở khu vực Thới Hòa, phường Thới An, quận Ô Môn đã tăng cường diện tích gieo trồng các loại rau muống, mồng tơi và rau dền, với gần 20ha, kịp thời cung ứng từ 15-18 tấn rau các loại/ngày cho thị trường trong điều kiện bình thướng mới. Ông Nguyễn Văn Bi, Giám đốc HTX rau an toàn Hòa Phát, cho biết: Từ giữa tháng 7 đến hết tháng 9-2021, tình hình tiêu thụ rau màu cũng như việc vận chuyển rau màu của HTX gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh, nên HTX và bà con trồng rau màu trong khu vực Thới Hòa đã giảm hơn 50% diện tích gieo trồng. Nhưng nay dịch bệnh được kiểm soát, thị trường tiêu thụ khởi sắc, thương lái đến tận ruộng thu mua và mỗi ngày họ đều đặt hàng với sản lượng và giá cả ổn định, từ 6.000-7.000 đồng/kg, nên HTX và bà con trồng rau muống trong khu vực đã mạnh dạn, mở rộng 100% diện tích trồng rau màu vốn có.
Theo ông Bi, để duy trì các đơn hàng với các đầu mối thu mua, HTX thường xuyên nhắc nhở và hướng dẫn thành viên tăng cường thực hành sản xuất theo quy trình an toàn, từ khâu làm đất, tránh vi khuẩn gây bệnh đến việc sử dụng phân hữu cơ chăm sóc cho rau; tuân thủ thời gian cách ly phân, thuốc là 8 ngày trước khi thu hoạch, nhằm đảm bảo cho rau muống đạt chất lượng an toàn cao đến tay người tiêu dùng. Nhờ vậy, rau an toàn của HTX sản xuất ra đến đâu được bạn hàng tiêu thụ hết đến đó, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho thành viên HTX và bà con trồng rau màu ngay cả trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ðây cũng chính là động lực, thôi thúc thành viên HTX và bà con tại địa phương tích cực trồng rau màu theo hướng an toàn, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng nông sản an toàn của thành phố.
Nhờ sản xuất lúa ST24 và Ðài thơm 8 theo quy trình an toàn, kết hợp làm thương hiệu gạo sạch và tích cực tham gia chương trình kết nối cung - cầu nông sản của Liên minh HTX Việt Nam, nên HTX nông nghiệp dịch vụ trồng lúa sạch My Hậu, huyện Vĩnh Thạnh đã duy trì được diện tích sản xuất trên 70ha, ổn định năng lực chế biến, cung cấp cho thị trường trên 3 tấn gạo sạch/tháng, được nhiều khách hàng trong và ngoài thành phố biết đến, góp phần đảm bảo doanh thu và lợi nhuận cho thành viên HTX. Ông Dương Ðình Vũ, Giám đốc HTX dịch vụ trồng lúa sạch My Hậu, cho biết: Ðể giữ mối làm ăn với các đối tác và tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng, HTX đã vận động 8 thành viên và nông dân vào HTX, quan tâm kiểm soát tốt các công đoạn, từ việc trồng, chăm sóc đến thu hoạch và chế biến gạo My Hậu đạt chất lượng thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao. Hiện, HTX đã cung cấp ra thị trường nhiều loại gạo sạch mang tên My Hậu dạng đóng túi và đóng hộp, có trọng lượng từ 2-5kg/túi. Hướng tới, ngoài đầu tư kho trữ gạo với quy mô 70 tấn, HTX sẽ đầu tư thêm nhà máy xay xát, để phục vụ nhu cầu xay xát ngay tại chỗ cho thành viên và nông dân làm ăn cùng với HTX, từ đó sẽ giúp HTX gia tăng nội lực, sẵn sàng liên kết với các đối tác và doanh nghiệp, để đáp ứng các đơn hàng lớn, góp phần gia tăng giá trị gạo sạch và thu nhập cho thành viên tham gia HTX.
Theo ông Nguyễn Ðức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, nhờ được trợ lực về vốn, kết nối tiêu thụ từ hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, các HTX đã mạnh dạn mở rộng lại diện tích sản xuất vốn có. Các HTX đồng thời chú trọng áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo hướng VietGAP, kết hợp kiểm soát từng công đoạn và quá trình tạo ra sản phẩm chất lượng an toàn… nên người tiêu dùng tiếp cận được các mặt hàng nông sản an toàn, mà các HTX cũng thuận lợi mở rộng thị trường tiêu thụ. Việc ổn định đầu ra nông sản giúp HTX trở thành điểm tựa vững chắc cho thành viên và nông dân vào HTX yên tâm chăm lo sản xuất, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng nông sản an toàn cho thành phố trong điều kiện bình thường mới.
Bài, ảnh: MỸ HOA