Những năm gần đây, thương mại điện tử (TMÐT) xuyên biên giới trở thành xu hướng tất yếu của kinh tế toàn cầu, không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc. Với mức tăng trưởng ấn tượng, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển TMÐT xuyên biên giới. Song, do tính đặc thù và mới mẻ, để khai tốt thị trường này, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ tích cực từ cơ quan quản lý nhà nước, các sàn TMÐT để khắc phục hạn chế, khai thác tốt “thị trường số” rộng lớn này.
Nông sản, hàng mỹ nghệ, thực phẩm và đồ uống, may mặc... là những mặt hàng được đánh giá có tiềm năng xuất khẩu thông qua TMÐT xuyên biên giới.
Theo Cục TMÐT và Kinh tế số (IDEA), quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam năm 2022 đạt 23 tỉ USD, đứng thứ 3 khu vực Ðông Nam Á, với mức tăng trưởng 28%. Trong đó, bán lẻ hàng hóa trực tuyến cao nhất khu vực, với mức tăng trưởng 26%; du lịch trực tuyến cao thứ hai khu vực (sau Philippines), tăng trưởng 153%. Dự kiến quy mô nền kinh tế Internet nước ta năm 2025 đạt 49 tỉ USD, mức tăng trưởng trung bình 31%/năm, nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực.
TMÐT xuyên biên giới được xem là mảnh đất màu mỡ đối với doanh nghiệp Việt. Bà Lê Thị Thu Hằng, Phòng Chính sách, IDEA, thông tin: “Năm 2022, thông qua TMÐT xuyên biên giới trên Amazon, có 10 triệu sản phẩm từ các đối tác bán hàng Việt Nam đã bán ra trên các gian hàng Amazon; số lượng các nhà bán hàng của nước ta trên Amazon đã tăng hơn 80%; giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên Amazon tăng hơn 45%. Với các con số vừa nêu, có thể nói, năm 2022 là năm thành công rực rỡ của xuất khẩu trực tuyến Việt Nam thông qua TMÐT xuyên biên giới trên Amazon”.
Bên cạnh những thành công, hoạt động TMÐT xuyên biên giới của Việt Nam vẫn vướng các rào cản về chi phí (hành chính và tiếp thị, vận chuyển, thanh toán quốc tế…), thông tin (các quy định liên quan của thị trường nước ngoài, thiếu thông tin về vận tải quốc tế, thiếu thông tin về các lựa chọn thanh toán quốc tế…), quy định (luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nghiêm ngặt, quy định nhập khẩu phức tạp của thị trường nước ngoài...), năng lực (ngoại ngữ, năng lực và kỹ năng đáp ứng sở thích người tiêu dùng nước ngoài…).
Từ thực tiễn hoạt động tại doanh nghiệp, bà Nguyễn Như Quỳnh, Chuyên viên cao cấp marketing xuất khẩu Công ty TNHH MTV Chế tác và Kinh doanh trang sức PNJ, chia sẻ: “Sau một năm hoạt động trên Alibaba.com, PNJ tăng độ nhận diện thương hiệu sản phẩm hiển thị ở các vị trí tốt trang 1 tìm kiếm với các từ khóa liên quan ngành. Ngoài ra, chúng tôi còn mở rộng thị trường xuất khẩu từ 2 quốc gia/2 châu lục lên 13 quốc gia/4 châu lục với các khách hàng mục tiêu là các nhà mua B2B: nhà mua sỉ, nhà bán lẻ online/offline và các nhà thiết kế nữ trang. Lượng khách hàng mới cũng có chuyển biến đáng kể, từ chỗ 5 khách hàng trong 11 năm hoạt động, chúng tôi đã phát triển thêm 3 khách hàng mới trong 1 năm hoạt động đầu tiên trên Alibaba.com, trong đó, 100% khách hàng trung thành với đơn hàng đều đặn hàng tháng”. Theo bà Nguyễn Quỳnh Như, để có được thành công khi hoạt động trên sàn TMÐT, các doanh nghiệp phải tập trung cho nghiên cứu thị trường, đối thủ cạnh tranh; lên kế hoạch triển khai bao gồm ngân sách, thời gian và các KPIs đặt ra, triển khai theo kế hoạch và theo dõi, đánh giá hiệu quả liên tục.
Ở góc độ chuyên gia, bà Lê Thị Thu Hằng, khuyến cáo doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các cam kết quốc tế giữa Việt Nam và các nước thông qua các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP…; chủ động xây dựng đội ngũ nhân sự am hiểu pháp luật thương mại quốc tế. Song song đó, tập trung cải thiện năng lực cạnh tranh thông qua chủ động đổi mới tư duy kinh doanh; chuẩn hóa sản xuất kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của các thị trường quốc tế; chiến lược dài hạn xây dựng thương hiệu sản phẩm…
Về góc độ quản lý nhà nước, để thúc đẩy hoạt động TMÐT, Chính phủ và các bộ ngành hữu quan cũng đề ra các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, mở rộng thị trường thông qua hình thức xuất khẩu trực tuyến như Hỗ trợ chi phí trực tiếp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia, duy trì và hoạt động trên các sàn TMÐT quốc tế (hỗ trợ tới 50% giá trị hợp đồng tư vấn đăng ký thành công tài khoản đăng bán sản phẩm và chi phí duy trì tài khoản trên các sàn TMÐT trong nước và quốc tế theo Nghị định 80/2021/NÐ-CP), tổ chức các sự kiện TMÐT thường niên nhằm kích cầu thị trường trong nước và mở rộng hoạt động TMÐT xuyên biên giới (Quyết định 645/QÐ-TTg năm 2020), đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2030” (Quyết định 1415/QÐ-TTg)…
Ông Phạm Quốc Tùng, Giám đốc quản lý kênh Alibaba.com tại Việt Nam, cho biết: Năm 2023, có 6 mặt hàng Việt Nam xuất khẩu được ưa chuộng là nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống, may mặc, in ấn và bao bì, nội thất, máy móc. Alibaba luôn vạch ra lộ trình đồng hành cùng nhà xuất khẩu. Theo đó, khi tham gia vào Alibaba.com, doanh nghiệp có cơ hội tham gia các khóa đào tạo trực tiếp, trực tuyến để học hỏi kinh nghiệm chuyển đổi số ở những doanh nghiệp thành công; sử dụng công cụ quảng cáo miễn phí và có tính phí để tăng chất lượng hiển thị sản phẩm trên toàn cầu (gian hàng trưng bày trực tuyến, dịch vụ quảng cáo từ khóa, dịch vụ đa ngôn ngữ, bảo hiểm thương mại…). Ngoài ra, doanh nghiệp cũng được hỗ trợ dịch vụ vận chuyển để đảm bảo hàng hóa đến tay khách hàng một cách an toàn, chất lượng.
Như vậy, với sự vào cuộc của ngành chức năng, sự hỗ trợ từ các sàn TMÐT và nỗ lực từ phía doanh nghiệp, TMÐT xuyên biên giới sẽ mở cơ hội lớn để doanh nghiệp nâng cao doanh số bán hàng, tìm kiếm mô hình kinh doanh linh hoạt, tối ưu nguồn lực để tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bài, ảnh: QUẾ LIM