Bài, ảnh: ÁI LAM
Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ÐBSCL được xem là đột phá, mở ra nhiều triển vọng khai thác tiềm năng du lịch phía Nam. Hình thành hơn 2 năm, nhất là phải trải qua nhiều khó khăn do dịch COVID-19, các hoạt động liên kết vẫn được duy trì. Ðây cũng là tiền đề để hoạt động du lịch của vùng nhanh chóng bắt nhịp trở lại, thích nghi trạng thái bình thường mới.
Du lịch sông nước là một trong những sản phẩm được các địa phương chú trọng để xây dựng sản phẩm đặc trưng vùng ÐBSCL. Trong ảnh: Du khách trải nghiệm chợ nổi Cái Răng, TP Cần Thơ.
Kết quả chưa như mong đợi do COVID-19
Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ÐBSCL (Chương trình) được ký kết từ năm 2019, đến nay đã đạt được nhiều kết quả. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, Tổ trưởng Tổ giúp việc Chương trình, cho biết: “Trong giai đoạn 2019-2022, 14 địa phương đã bước đầu hình thành 3 trục tuyến du lịch liên kết: “Những nẻo đường phù sa”, “Non nước hữu tình” và “Sắc màu vùng biên”. Ðồng thời các doanh nghiệp lữ hành tại TP Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng hơn 50 chương trình du lịch từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh, thành ÐBSCL. 14 địa phương cũng phối hợp xây dựng các chính sách kép về kích cầu du lịch với mức kích cầu phổ biến là từ 10-20% giá dịch vụ”. Ðây là những kết quả bước đầu góp phần thúc đẩy du lịch vùng chuyển biến, thu hút sự tham gia tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội du lịch và người dân ở 14 địa phương trong liên kết. Theo đó, chỉ riêng trong giai đoạn đầu năm 2020 (thời điểm dịch chưa bùng phát), hệ thống lữ hành ở TP Hồ Chí Minh đã đưa hơn 152.000 khách về ÐBSCL.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động trong liên kết. Một số nội dung dự kiến triển khai theo kế hoạch phải tạm ngưng, hoặc chỉ trong phạm vi nhỏ, với các hoạt động theo phương thức thông tin, họp trực tuyến, nhiều hoạt động bị hủy bỏ... Từ đó ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả của một số hoạt động liên kết vùng theo kế hoạch đã đề ra.
Hợp lực tìm giải pháp
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Trong bối cảnh mới, ngành Du lịch TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ÐBSCL đã chủ động nhiều biện pháp để khởi động lại. Trong đó phải đẩy mạnh hơn nữa sự liên kết của 14 địa phương, cũng như chú trọng đến việc xây dựng những liên tuyến sản phẩm mới. Các sản phẩm liên tuyến cần phải đặc sắc, hấp dẫn hơn và phải bảo đảm an toàn cho du khách”. Theo đó, các sản phẩm cần được chú trọng là du lịch bằng đường thủy kết hợp phương tiện đường bộ, sản phẩm liên tuyến giới thiệu giá trị văn hóa, ẩm thực và trải nghiệm sinh hoạt cộng đồng đặc trưng Nam Bộ. Ðó là lợi thế cần được nghiên cứu, phát huy để tạo ra tính cạnh tranh của sản phẩm vùng so với các vùng khác…
Các tỉnh, thành trong liên kết thường khảo sát và xây dựng liên tuyến trải nghiệm. Trong ảnh: Ðoàn khảo sát hợp tác du lịch giữa ba tỉnh, thành: Cần Thơ, Vĩnh Long và Cà Mau.
Ðồng quan điểm, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Cà Mau, cho biết sản phẩm độc đáo là một trong những yếu tố thu hút du khách khi bắt nhịp du lịch trở lại. Trên cơ sở này, ngành Du lịch tỉnh có chương trình “Cà Mau điểm đến năm 2022” nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trong đó các điểm nhấn đặc trưng được xác định qua các hoạt động: đua vỏ lãi trên bãi bồi Ðất Mũi, đua xuồng ba lá trên sông Cái Tàu, lễ xác lập kỷ lục đối với tổ ong lớn nhất Việt Nam, thưởng thức các món ăn chế biến từ cua biển ngon nhất miền Tây…
Ông Ðoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, cho rằng: “Hoạt động liên kết giữa 14 tỉnh, thành đã khai thác được các tiềm năng du lịch mỗi địa phương, cụ thể Cần Thơ có du lịch sông nước và khai thác chợ nổi, An Giang phát triển lợi thế về du lịch tâm linh, Kiên Giang phát huy sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, Cà Mau đẩy mạnh du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng gắn với rừng, Bạc Liêu khai thác sản phẩm du lịch điện gió hay du lịch đặc sản nông nghiệp... Tuy nhiên, các địa phương cần phát huy vai trò của các công ty lữ hành trong việc kết nối các điểm tham quan đơn lẻ trong khu vực thành chương trình tổng thể khám phá cả vùng cho du khách trong và ngoài nước, nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu du lịch, mang đến những trải nghiệm dài ngày, đa dạng hơn cho du khách”. Thứ trưởng Bộ VHTT&DL cũng chỉ ra rằng, cần đẩy mạnh triển khai các dự án cải thiện hạ tầng giao thông để giúp khu vực ÐBSCL mở rộng khả năng tiếp cận thị trường khách nội địa và quốc tế. Về đường bay, bên cạnh khai thác nguồn khách từ TP Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành cần chú trọng khai thác khách đến sân bay quốc tế Cần Thơ, bao gồm đường bay nội địa và các đường bay quốc tế (kết nối trực tiếp với Bangkok, Kuala Lumpur, Seoul và Ðài Bắc).
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, chia sẻ rằng thời điểm hiện nay vẫn còn tiềm ẩn những khó khăn, thách thức đan xen đối với ngành Du lịch ở 13 tỉnh, thành ÐBSCL và cả TP Hồ Chí Minh. Do đó, để tạo không gian du lịch đặc sắc, đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường, thúc đẩy sự lan tỏa kinh tế du lịch liên vùng, cần có các cơ chế, chính sách phù hợp, cũng như sự đồng hành của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ông Phạm Văn Thiều cũng đề xuất, kiến nghị đến Bộ VHTT&DL sớm phối hợp với các bộ, ngành hữu quan kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tăng cường đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội cho khu vực ÐBSCL để tạo điều kiện phát triển kinh tế du lịch vùng; đồng thời trong quá trình lập Ðề án Quy hoạch du lịch quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, cần chú trọng đưa các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch của ÐBSCL vào tổng thể quy hoạch, để có định hướng và dành nguồn lực đầu tư phát triển; xây dựng và hoàn thiện cơ chế liên kết vùng. Ðồng thời, cũng đề xuất Tổng cục Du lịch ưu tiên quan tâm, hỗ trợ cho các địa phương trong phát triển sản phẩm du lịch, công tác quảng bá xúc tiến đầu tư và trong phát triển nguồn nhân lực...
Ông Ðoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, nhấn mạnh, các địa phương đã xác định được trọng tâm nội dung liên kết hợp tác và ký kết quy chế, thỏa thuận hợp tác liên vùng thì cần đẩy mạnh triển khai các hoạt động tái khởi động du lịch thực chất, hiệu quả trong thời gian tới. Tuy nhiên, phải trên cơ sở đảm bảo an toàn, phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Trong đó tập trung khôi phục sản phẩm du lịch đường sông, du lịch gắn với khai thác hoạt động nông nghiệp, sinh thái; du lịch văn hóa miệt vườn, các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và giải trí ven sông, nghỉ dưỡng biển đảo; đồng thời chú trọng nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, tăng cường nhân lực du lịch, đẩy mạnh liên kết truyền thông, xúc tiến quảng bá thu hút khách, tăng cường thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động du lịch.
Liên kết hợp tác du lịch 14 địa phương vừa bắt nhịp trở lại nhưng cũng đã đề ra nhiều nội dung cụ thể cần triển khai trong năm 2022. Ðó là quản lý nhà nước, phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến, phát triển nguồn nhân lực và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch. Mặc dù hoạt động du lịch hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với sự kết nối chặt chẽ và hợp lực giữa 14 tỉnh, thành, tin rằng du lịch phía Nam sẽ sớm phục hồi, nhất là trong giai đoạn du lịch đã mở cửa hoàn toàn.