06/08/2021 - 06:35

Hơn 1.000 tỉ đồng triển khai Đề án xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh 

(CT) - UBND TP Cần Thơ vừa ban hành Quyết định số 1652/QĐ-UBND (ngày 2-8-2021) “Phê duyệt Đề án Xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, đồng thời giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Đề án, định kỳ báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện.

Trung tâm chỉ huy điều hành đô thị thông minh TP Cần Thơ được đưa vào hoạt động thí điểm từ cuối tháng 4-2021.

Trung tâm chỉ huy điều hành đô thị thông minh TP Cần Thơ được đưa vào hoạt động thí điểm từ cuối tháng 4-2021.

Các mục tiêu tổng quát của Đề án là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, quản lý đô thị tinh gọn, bảo vệ môi trường hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo mọi người dân được hưởng thụ các dịch vụ công một cách nhanh chóng, thuận tiện, tăng cường việc đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm. Lộ trình tổng thể xây dựng TP Cần Thơ trở thành đô thị thông minh theo 3 giai đoạn chính. Giai đoạn 1 (2021-2022) xây dựng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh và triển khai một số lĩnh vực ưu tiên như: giao thông thông minh, giám sát môi trường, an ninh trật tự, du lịch thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh... Giai đoạn 2 (2023-2025) mở rộng triển khai đô thị thông minh trên các lĩnh vực ưu tiên, thu hút xã hội hóa đầu tư phát triển đô thị thông minh. Giai đoạn 3 với tầm nhìn đến 2030, TP Cần Thơ trở thành một thành phố thông minh trên các lĩnh vực ưu tiên, tham gia vào chuỗi liên kết thành phố thông minh, là hạt nhân đầu tàu của vùng ĐBSCL trong chuỗi liên kết đô thị thông minh cấp quốc qua, khu vực và quốc tế. Đồng thời khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu đồng bộ (đặc biệt là dữ liệu người dân, dữ liệu hạ tầng không gian), phân tích dữ liệu lớn, dự báo hỗ trợ ra quyết định để hướng đến phục vụ người dân, du khách tốt hơn. Các dịch vụ công được được cung cấp dưới dạng cá nhân hóa theo nhu cầu, phát huy nguyên tắc người dân làm trung tâm của đô thị thông minh.

Kinh phí thực hiện của Đề án trên 1.011,8 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trên 868,4 tỉ đồng; còn là các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Tin, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết