12/10/2010 - 09:34

Hơi ấm trong căn nhà tình nghĩa

Những năm qua, nhiều chính sách thiết thực chăm lo, hỗ trợ cho người nghèo ở huyện Phong Điền đã giúp gia đình anh Phan Ngọc Sơn (ở ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) có cơ hội vươn lên làm ăn thoát nghèo. Không những giỏi làm kinh tế, anh còn tham gia hoạt động xã hội giúp đỡ bà con lối xóm...


Quê anh Sơn ở huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Sinh ra trong gia đình đông con, ngay từ nhỏ anh đã tập cho mình tính tự lập. Năm 1987, anh Sơn xin vào làm ở công viên quốc phòng, phụ trách kỹ thuật ở Trại chăn nuôi Thị trấn Cái Tắc. Hai năm sau đó, anh làm bảo vệ trại giam cải tạo tỉnh Đồng Tháp. Năm 1989, anh kết hôn rồi về quê vợ ở ấp Nhơn Khánh sinh sống. Những năm sau đó, 2 đứa con kháu khỉnh của anh chị lần lượt ra đời, gia đình càng khó khăn hơn. Những ngày đầu về ấp Nhơn Khánh, gia đình anh Sơn phải ở nhờ trên đất của người khác. Anh xin vào làm công nhân ở Công ty Truyền tải điện Miền Tây, những ngày tháng đó thật vất vả và gian truân. Do công việc nên anh phải đi suốt, ít có thời gian về thăm gia đình. Nhiều khi đi kéo điện ở các tỉnh, thành khác, anh phải ngủ ngoài hiên nhà dân nơi công trình đang thi công.

Anh Phan Ngọc Sơn (bên phải) và cán bộ ấp Nhơn Khánh bên vườn nhãn sắp thu hoạch. 

Số phận thật không suôn sẻ, năm 2006 bất hạnh ập đến gia đình con trai đầu lòng của anh mắc bệnh hiểm nghèo. Những ngày tháng đó, vợ chồng anh Sơn dồn hết tiền của, mong giành lấy mạng sống cho con. Thế nhưng lực bất tòng tâm... Sau nỗi đau con qua đời, khi trở về nhà, vợ chồng anh trở thành người trắng tay. Cũng lúc đó, người cho mượn đất ở lấy lại đất. Thấy cảnh khổ của vợ chồng anh Sơn, nên người anh vợ cho một công đất để vợ chồng anh cất chòi ở tạm. Anh Sơn tâm sự: “Vợ tui đã bán sợi dây chuyền kỷ niệm để có tiền cất chòi che mưa, che nắng. Lúc đó, có khi nhà không có tiền mua gạo ăn, nói chi đến việc mua dầu về thắp”.

Năm 2007, huyện Phong Điền đã xét tặng gia đình anh Sơn căn nhà đại đoàn kết (trị giá 15 triệu đồng). Chính sự quan tâm kịp thời của địa phương đã giúp gia đình anh có nơi ở ổn định. Anh Sơn xác định muốn thoát nghèo chỉ còn cách bám đất bám vườn. Nghĩ là làm, anh cần mẫn cuốc đất trồng cải đem ra chợ bán lấy tiền. Tích cóp dần dần được ít vốn, anh qua Bến Tre mua cây giống về trồng. Vốn chịu khó cần cù lao động, vừa coi sóc vườn tược, buổi trưa anh tranh thủ đi bắt cua, chiều về đặt trúm lươn, có khi anh được bà con mướn đi làm đường dây điện, có khi đi làm thợ mộc... Từ những công việc linh tinh đó, một tháng anh Sơn kiếm thêm thu nhập khoảng 3 triệu đồng. Dần tích lũy, gia đình anh đã thoát nghèo thật sự. Năm 2008, đem gởi trả sổ hộ nghèo cho địa phương, anh Sơn nói: “Mình đã đỡ khổ, nhường lại cho địa phương giúp những người khác khó khăn hơn!”.

Hôm chúng tôi đến thăm, bên trong căn nhà nhỏ, ấm cúng của anh Sơn đã có tivi, đầu đĩa... Anh Sơn đưa chúng tôi tham quan một vòng khu vườn thành quả sau 4 năm lao động miệt mài của gia đình anh. Quả thật đất không phụ lòng người, vườn nhãn sum suê trái chuẩn bị thu hoạch, bên cạnh là những cây măng cụt xanh mơn mởn đầy bông hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Anh Sơn cho biết: “Hồi tui đi làm công nhân điện ở các tỉnh, khi đến Bến Tre, thấy người ta trồng nhãn có hiệu quả kinh tế nên học hỏi kỹ thuật và cách chăm sóc. Vụ này chắc được hơn 2 tấn nhãn. Tiền bán nhãn tui để chỉnh trang lại nhà cửa”. Năm 2009, anh Sơn áp dụng thử nghiệm phương pháp trồng nhãn của các nông dân ở tỉnh Bến Tre lên 7 gốc nhãn nhà anh. Kết quả số cây nhãn này cho ra trái nghịch mùa, thu hoạch được hơn 1 triệu đồng. Thấy kết quả khả quan, anh tiếp tục sử dụng phương pháp này cho 60 gốc nhãn trong vườn. Tận dụng khoảnh đất còn lại, anh đào ao thả 1 thiên cá chim trắng. Những con cá to khỏe khi thấy bóng người lại mừng rỡ vẩy nước tung tóe.

Ông Phạm Văn Sang, cán bộ giảm nghèo xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, cho biết: “Trước đây gia đình Phan Ngọc Sơn thuộc hộ nghèo có sổ. Bản thân anh Sơn thời gian qua luôn chí thú làm ăn, nỗ lực vượt nghèo. Địa phương kịp thời hỗ trợ giúp gia đình anh Sơn cất nhà, cây giống... Năm 2008, anh Sơn đã thoát nghèo. Đây là điển hình tiêu biểu cần được nhân rộng. Thời gian qua, ấp Nhơn Khánh là địa phương tiêu biểu trong phong trào giảm nghèo của xã. Năm 2009, có 20 hộ thoát nghèo, năm 2010, có 8 hộ nghèo (cuối năm nay có 2 hộ thoát nghèo). Sắp tới, chúng tôi tiếp tục cất 5 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo”.

Không chỉ được biết đến là người chí thú làm ăn, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, anh Sơn còn được nhiều người cảm mến ở tính hay giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Anh tham gia đội mai táng, giúp nhiều bà con những khi hữu sự. Từ năm 2007 đến nay, anh Sơn vận động xây dựng sửa chữa được 76 cây cầu, vận động bà con hiến 8.000m đất để làm đường; ngoài ra anh còn thường xuyên đi lợp nhà cho người nghèo... Anh Sơn nói: “Hồi trước mình khổ, hiểu được khó khăn của bà con nên tui hết lòng giúp đỡ họ”. Chính những nỗ lực thoát nghèo từ sự cần mẫn siêng năng lao động và biết cách làm ăn, sống chan hòa với bà con lối xóm, hay giúp đỡ người nghèo khó, hoạt động xã hội nhiệt tâm... anh Sơn được nhiều người nể phục. Năm 2009, anh Phan Ngọc Sơn vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng.

Ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó Trưởng ấp Nhơn Khánh, nói: “Anh Sơn là thành viên tiêu biểu của ấp, tích cực trong phong trào phát triển kinh tế gia đình để cải thiện cuộc sống, là người rất năng nổ trong mọi hoạt động của địa phương. Vừa qua, anh Sơn vinh dự được tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Ban Thường vụ Đảng ủy xã Nhơn Nghĩa. Thật đáng quý thay tấm gương của anh nông dân cần cù, vượt khó...”.

Bài, ảnh: M.HOÀNG

Chia sẻ bài viết