23/09/2024 - 08:29

Hỗ trợ sản xuất đảm bảo an toàn chất lượng xuất khẩu gạo ÐBSCL 

Hiện nay, tại TP Cần Thơ cũng như một số cánh đồng lúa thu đông ĐBSCL bắt đầu cho thu hoạch, với năng suất khoảng 5,5 tấn/ha. Đây là vụ mùa sản xuất lúa cuối cùng trong năm và được đánh giá góp phần quan trọng trong việc đem lại hiệu quả, lợi nhuận sản xuất lúa cho cả năm 2024. Tuy nhiên, tình hình sản xuất lúa còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng biến đổi khí hậu (BĐKH), tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường các nước trên thế giới… Do đó, ngành Nông nghiệp các địa phương vùng ĐBSCL cần sự hỗ trợ của các ngành, các cấp cho việc phát triển, sản xuất lúa an toàn, chất lượng cao...

Nông dân TP Cần Thơ ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch lúa.

Sản xuất an toàn, chất lượng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2024, khí hậu, thời tiết diễn ra không thuận lợi cho sản xuất trồng trọt tại vùng ĐBSCL. Hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài và sâu hơn so với năm 2023. Tuy nhiên, nhờ việc tuân thủ các giải pháp chỉ đạo sản xuất, áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học, công nghệ, an toàn thực phẩm và quản lý chặt chẽ vùng trồng, bảo vệ cây trồng đã thu được nhiều kết quả đáng kể, làm chuyển biến rõ rệt về thu nhập, chất lượng nông sản và ổn định tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu. Trong năm 2024, ước diện tích xuống giống lúa các vụ trên 3,823 triệu héc-ta (thấp hơn cùng kỳ năm 2023 là 16.350ha); năng suất ước đạt 63,12 tạ/ha, tăng 0,29 tạ/ha so năm 2023; sản lượng đạt trên 24,1 triệu tấn, tăng 11.160 tấn so với năm 2023. Trong đó, số lượng gạo hàng hóa dành cho xuất khẩu năm 2024 có khả năng đạt 7,6 triệu tấn. Theo số liệu tổng hợp, lũy kế xuất khẩu gạo đến ngày 31-7-2024 đạt 5,299 triệu tấn, trị giá 3,34 tỉ USD, so với cùng kỳ 2023 tăng 8,3% về số lượng và tăng 27,65% về trị giá. Kế hoạch xuất khẩu gạo những tháng cuối năm là 2,3 triệu tấn, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, phát triển kinh tế địa phương vùng ĐBSCL.

Nhiều chuyên gia nhận định, ngành lúa gạo có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng. Sản xuất lúa gạo không những đóng góp vào đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế của đất nước cũng như thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc góp phần đảm bảo hệ thống lương thực, thực phẩm trên toàn thế giới. Tuy nhiên, hiện nay ngành Nông nghiệp đóng góp khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn quốc, đứng thứ 2 sau lĩnh vực năng lượng. Phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp tập trung chủ yếu trong 3 lĩnh vực chính: trồng lúa nước phát thải 49,7 triệu tấn CO2 quy đổi, chiếm 50%; tiếp đến là chăn nuôi phát thải 18,5 triệu tấn CO2, chiếm 19%; quản lý đất và sử dụng phân bón phát thải 13,2 triệu tấn CO2, chiếm 13%. Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về BĐKH lần thứ 26 (COP26), Việt Nam phải giải bài toán vừa hướng tới một nền kinh tế carbon thấp, đồng thời có tốc độ phát triển vượt bậc…

Trong bối cảnh BĐKH diễn ra ngày càng phức tạp đã làm tác động mạnh hơn đối với ngành Nông nghiệp, đặc biệt là ngành sản xuất lúa gạo, ngày 27-11-2023 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1490/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, nhận định: Đối với việc triển khai Đề án một triệu héc-ta lúa chất lượng cao đã được xây dựng quy trình canh tác, sản xuất lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh. Đề án đã triển khai 7 mô hình thí điểm với tổng diện tích 333,5ha tại 5 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Đặc biệt, tại TP Cần Thơ được triển khai thực hiện gần 100ha cho 2 vụ lúa hè thu và thu đông 2024. Qua đó, kết quả sản xuất giảm lượng giống sử dụng 60 kg/ha, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; năng suất thu hoạch đạt 6,4 tấn/ha (vụ hè thu), tăng khoảng 7% so với ruộng lúa ngoài mô hình; tổng doanh thu của mô hình gần 50 triệu/ha, cao hơn 6-7 triệu/ha so với ruộng lúa sản xuất ngoài mô hình…

Phát huy hiệu quả

Trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia trên toàn cầu chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, việc xuất khẩu gạo carbon thấp của Việt Nam đang trở thành một yếu tố rất được quan tâm. Chính phủ hiện đã có những chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp bền vững và áp dụng các công nghệ mới để giảm thiểu phát thải carbon trong quá trình sản xuất, nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm và chứng nhận sản phẩm gạo carbon thấp nâng cao giá trị xuất khẩu gạo, có thể đáp ứng nhu cầu của các thị trường khó tính, yêu cầu cao về tiêu chuẩn môi trường như EU, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc... tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang sản xuất gạo carbon là phương pháp canh tác mới, cần thời gian để thích nghi. Để phát triển khả năng xuất khẩu gạo carbon thấp, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan ngành Nông nghiệp, địa phương và nông dân, cùng với việc tổ chức các chương trình quảng bá xây dựng thương hiệu cho gạo carbon thấp trên thị trường thế giới.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện ngành lúa gạo Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm và hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan địa phương trong việc xây dựng chính sách, hỗ trợ tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, các thương nhân xuất khẩu gạo vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Điển hình vốn tín dụng là vấn đề khó khăn và trở ngại rất lớn cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp. Bởi khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là nguồn vốn lưu động; hạn mức tín dụng cho ngành lúa gạo thấp và ngân hàng không thể chủ động mở thêm hạn mức tín dụng (theo thời điểm) làm cho tiến độ thu mua của doanh nghiệp bị ảnh hưởng đáng kể, nhất là vào những thời điểm thu hoạch chính vụ. Trong khâu lưu thông, ngoài hệ thống hợp tác xã phải nhìn nhận vai trò của lực lượng hàng xáo tham gia vào chuỗi cung ứng lúa gạo nội địa và xuất khẩu. Nếu bỏ đi mắt xích này, chuỗi cung ứng sẽ bị đứt gãy, vì hàng xáo là người có kinh nghiệm và am hiểu về giống lúa, về thời tiết, thời gian sấy và nơi xay xát đạt yêu cầu. Ngoài ra, họ còn có sẵn phương tiện chuyên chở và có thể trụ tại vùng trồng để mua được hàng. Điều này các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo không thể làm được do không có đủ nguồn nhân lực và tài chính để thực hiện. Do đó cần quan tâm cho lực lượng này hoạt động ký kết, thu mua lúa gạo…

Năm 2025, Cục Trồng trọt dự kiến toàn vùng ĐBSCL sản xuất lúa với tổng diện tích 3,828 triệu héc-ta, năng suất 63,15 tạ/ha, tổng sản lượng ước 24,173 triệu tấn (cao hơn năm 2024 gần 40.000 tấn). Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đề nghị: “Cục Trồng trọt thông tin về cơ cấu giống gieo sạ và tiến độ thu hoạch của từng vụ sớm hơn để góp phần hỗ trợ cho các đơn vị liên quan có cơ sở để cân đối cung - cầu, điều hành xuất khẩu kịp thời và hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp. Các doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh phù hợp và hiệu quả hơn trong thời gian tới...”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết