28/08/2012 - 20:59

Hỗ trợ nông dân tiếp cận chính sách mua máy nông nghiệp

Nhằm đáp ứng yêu cầu cơ giới hóa sản xuất lúa trên địa bàn, ngày 19-7-2011, HĐND TP Cần Thơ ban hành Nghị quyết 03/2011/NQ-HĐND về chính sách thí điểm hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2011-2012 (Nghị quyết 03). Nhờ tiếp cận chính sách này, nhiều nông dân đã trang bị được máy nông nghiệp, từng bước đáp ứng yêu cầu cơ giới hóa sản xuất lúa trên địa bàn thành phố.

Cơ giới hóa 60% khâu thu hoạch

Hiện nay, tỷ lệ cơ giới hóa khâu thu hoạch ở TP Cần Thơ chiếm khoảng 60%. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, tính đến ngày 30-6-2012, có tổng cộng 267 hồ sơ đăng ký mua máy nông nghiệp phục vụ sản xuất. Trong đó, có 241 hồ sơ đăng ký mua máy gặt đập liên hợp (GĐLH), 26 hồ sơ mua máy kéo. Đến nay, số hồ sơ được giải ngân là 143/200 máy GĐLH theo chỉ tiêu, đạt 71,5% kế hoạch. Đối với chỉ tiêu hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua 50 máy kéo, đến thời điểm này chỉ giải ngân được 3/50 máy, đạt 6% kế hoạch. Nguyên nhân số lượng đăng ký mua máy kéo còn hạn chế là do công suất của loại máy kéo công bố cho vay chỉ từ 22-24 mã lực (hỗ trợ 58 triệu đồng/máy), trong khi nông dân có nhu cầu mua máy kéo công suất 42 mã lực (với giá máy hơn 216 triệu đồng).

Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, mặc dù số lượng nông dân đăng ký mua máy kéo còn hạn chế, song thành phố chú trọng hỗ trợ nông dân mua máy kéo để thay thế các máy cũ và trang bị thêm máy mới, phục vụ san phẳng mặt ruộng nhằm thuận lợi đưa các loại máy, thiết bị nông nghiệp vào đồng ruộng, cơ giới sản xuất lúa. Ông Phạm Văn Quỳnh cho biết: “Ngoài số lượng máy GĐLH nông dân mua theo Nghị quyết 03 thì qua thống kê từ các quận, huyện, người dân còn tự trang bị 178 máy GĐLH, nâng tổng số máy GĐLH của TP Cần Thơ lên 513 máy, đảm bảo thu hoạch cơ giới trên 60% diện tích, tăng 15% so với năm 2011. Điều này chứng tỏ chính sách hỗ trợ mua máy đã tác động đến nhận thức của người dân trong việc đẩy mạnh cơ giới hóa, giảm thất thoát sau thu hoạch”.

Ông Nguyễn Đức Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Nghị quyết 03 ra đời phù hợp với tình hình kinh tế và yêu cầu của nông dân, giúp giải quyết tình trạng thiếu nhân công trong điều kiện sản xuất lúa tập trung và đồng loạt. Hiện nay, tỷ lệ thu hoạch lúa bằng máy GĐLH của huyện chiếm đến 95% nhờ lực lượng máy tại chỗ và từ các địa phương lân cận. Mặt khác, sau khi thu hoạch lúa tại địa phương, các hộ dân còn mang máy luân phiên thu hoạch ở các địa phương khác để tăng thu nhập, trang trải chi phí đầu tư mua máy”. Theo ông Tâm, người vay mua máy là người trực tiếp hưởng lợi từ việc kinh doanh dịch vụ thu hoạch lúa nhưng nông dân trồng lúa sẽ hưởng lợi gián tiếp khi tiết giảm chi phí thuê mướn công lao động, giảm giá thành sản xuất. Trung bình, nếu mướn nhân công thu hoạch, nông dân phải trả từ 400.000-500.000 đồng/công, trong khi thu hoạch bằng máy GĐLH, chi phí này chỉ còn khoảng 280.000 đồng/công.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, các địa bàn cho vay mua máy là địa bàn thuần nông (tập trung ở các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai) nên máy mua về phát huy hiệu quả, giúp địa phương giảm áp lực nhân công khi vào vụ. Tuy nhiên, số lượng hộ dân đăng ký mua máy còn hạn chế do khó khăn về vốn tự có hoặc chưa đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu của ngân hàng. Ngoài ra, thời gian thẩm định dự án vay của ngân hàng còn khá lâu, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của nông dân; việc cấp bù kinh phí hỗ trợ lãi suất cho nông dân còn chậm... ảnh hưởng đến việc thực hiện Nghị quyết 03.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn

Tính đến ngày 30-6-2012, dư nợ cho vay mua máy nông nghiệp theo Nghị quyết 03 tại Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Cần Thơ hơn 50,7 tỉ đồng. Trong đó, dư nợ được hỗ trợ lãi suất hơn 45,3 tỉ đồng, số tiền lãi cấp bù 2,248 tỉ đồng. Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Cần Thơ, cho biết: “Tùy thuộc vào khả năng tài chính của nông dân mà ngân hàng xem xét phương án khả thi để quyết định cho vay. Hiện nay có nhiều hồ sơ đăng ký mua máy nhưng chưa giải ngân được do ngân hàng đang thẩm định, rà soát lại các thủ tục và đối tượng vay sao cho phù hợp với yêu cầu. Từ nay đến cuối năm 2012, ngân hàng sẽ ưu tiên phân bổ vốn cho các chi nhánh tại quận, huyện để giải ngân kịp thời, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu cho vay mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp”. Về vấn đề cấp bù lãi suất cho nông dân, theo bà Hoàng Thị Huệ, Trưởng phòng Ngân sách, Sở Tài chính thành phố: “Hiện nay, thành phố đã phân bổ 8,9 tỉ đồng để hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy. Nguồn chi trả đã có, vì vậy Sở Tài chính sẽ tăng cường phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Cần Thơ, các địa phương hoàn tất các hồ sơ liên quan để nhanh chóng triển khai cấp bù lãi suất cho nông dân”.

Theo Tiến sĩ  Lê Văn Bảnh, Viện Trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Nghị quyết 03 có ý nghĩa rất quan trọng trong vấn đề cơ giới hóa nông nghiệp của TP Cần Thơ. Qua khảo sát cho thấy, việc thu hoạch bằng máy GĐLH góp phần giảm tỷ lệ thất thoát ở khâu này từ 4-6% xuống dưới 3%. Với sản lượng lúa trung bình hàng năm của TP Cần Thơ là 1,2 triệu tấn, số lượng máy GĐLH đáp ứng khoảng 60% nhu cầu thu hoạch, nếu giá lúa trung bình từ 5.000-5.500 đồng/kg thì việc cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa đã giúp nông dân giảm thất thoát hơn 100 tỉ đồng.

Ông Trần Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Hiện nay, nhu cầu cơ giới hóa nông nghiệp trên địa bàn huyện còn rất lớn. Ngoài nhu cầu mua máy GĐLH, máy kéo, nông dân còn có nhu cầu vay vốn để đầu tư trạm bơm điện, lò sấy. Vì vậy khi kết thúc việc thực hiện Nghị Quyết 03, thành phố cần tiếp tục đề xuất các chính sách hỗ trợ cho nông dân mua máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp để giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất. Đây cũng chính là yếu tố hỗ trợ tích cực cho việc tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, thúc đẩy quá trình hợp tác hóa trong nông nghiệp, nông thôn.

Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Cần Thơ cần có sự phối hợp thường xuyên với địa phương để công khai các thủ tục, hồ sơ vay vốn, tạo thuận lợi cho nông dân, đồng thời giúp ngân hàng thẩm định hồ sơ dễ dàng, nhanh chóng. Sở NN&PTNT cũng đề nghị các đơn vị hữu quan sớm hoàn chỉnh hồ sơ để tiến hành cấp bù lãi suất cho nông dân. Ngoài ra, thành phố cũng nên xem xét thực hiện chi trả hỗ trợ lãi suất cho nông dân theo định kỳ 3 tháng thay vì hàng năm, nhằm giúp nông dân sớm nhận được tiền hỗ trợ để tái đầu tư sản xuất, phát huy hiệu quả chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 03 mà HĐND thành phố đề ra.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết