Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG
Đoàn Thanh niên là 1 trong 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), triển khai thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Qua đó, giúp nhiều bạn trẻ có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.
Theo Phòng Giao dịch NHCSXH quận Thốt Nốt, Quận đoàn đang quản lý 20 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), với 939 hộ, dư nợ 35,7 tỉ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn 0,07%. NHCSXH quận hỗ trợ đoàn viên thanh niên (ĐVTN) vay 400 triệu đồng thực hiện 8 mô hình kinh tế. Chị Nguyễn Thị Bích Trâm, Phó Bí thư Quận đoàn Thốt Nốt, cho biết: “Qua khảo sát, toàn quận hiện có 30 mô hình kinh tế thanh niên, như: vườn - ao - chuồng, quảng cáo, phô-tô, in ấn tài liệu, trồng rau màu kết hợp du lịch sinh thái… góp phần cải thiện kinh tế gia đình. Hiện ĐVTN có nhu cầu vay 800 triệu đồng để duy trì và nhân rộng các mô hình kinh tế”.
Anh Nguyễn Nhựt Thắng ở khu vực Qui Thạnh 2, phường Trung Kiên, đang làm thợ cơ khí, lương công nhật khoảng 300.000 đồng. Anh Thắng được hỗ trợ vay 50 triệu đồng để phụ cha phát triển mô hình vườn - ao - chuồng. Tận dụng 2 công đất vườn, anh Thắng phụ cha trồng dừa, chuối, ổi, măng tre; nuôi cá, nuôi gà... Ông Nguyễn Văn Tiền - cha anh Thắng, phấn khởi nói: “Thắng nhạy bén cập nhật kiến thức, kỹ thuật, mô hình nuôi trồng đạt hiệu quả kinh tế trên mạng xã hội để tôi cùng thực hiện. Thắng khéo tính toán xoay vòng đồng vốn “lấy ngắn nuôi dài” giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, tích lũy vốn liếng”.
Cán bộ NHCSXH, Quận đoàn Thốt Nốt tham quan, chia sẻ kinh nghiệm mô hình trồng hành lá của ĐVTN trên địa bàn.
Ngoài 2 công đất nhà, anh Ngô Hải Đăng ở khu vực Tân Lợi 1, phường Tân Hưng, mạnh dạn hùn số vốn vay ưu đãi 30 triệu đồng mướn thêm 2 công đất, cải tạo, lên liếp, nhân rộng mô hình trồng hành lá gốc tím. Mỗi năm, anh Đăng thu hoạch 4-5 vụ hành. Trừ chi phí, mỗi vụ thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Anh Đăng chia sẻ: “Hành lá gốc tím dễ trồng, dễ tiêu thụ, giá bình ổn, ít rủi ro, thua lỗ. Tuy nhiên, muốn hành lá đạt năng suất, hiệu quả như ý, tôi chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu và tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp. Tôi muốn được vay thêm vốn để mở rộng diện tích trồng hành, nâng cao thu nhập, chia sẻ kinh nghiệm canh tác với các ĐVTN”. Đoàn phường Tân Hưng hiện có 3 tổ TK&VV, với 127 hộ, dư nợ 5,432 tỉ đồng; Đoàn phường Trung Kiên có 4 tổ TK&VV, với 194 hộ, dư nợ trên 7 tỉ đồng.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, Chi nhánh NHCSXH thành phố phối hợp Thành đoàn phát vay 38,6 tỉ đồng cho 995 hộ. Dư nợ đạt 272,5 tỉ đồng, với 6.729 hộ còn dư nợ, chiếm 7,39% tổng dư nợ ủy thác qua các hội, đoàn thể; tỷ lệ nợ quá hạn 0,19%. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi chủ yếu đầu tư sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, dịch vụ buôn bán nhỏ... Qua đó, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách mở rộng sản xuất, kinh doanh; học sinh, sinh viên trang trải chi phí học tập; hàng ngàn lao động có việc làm ổn định. Đặc biệt, giúp ĐVTN có vốn để khởi nghiệp, nuôi dưỡng và hun đúc tinh thần lập thân lập nghiệp và nhân rộng nhiều mô hình làm ăn hiệu quả.
Theo Chi nhánh NHCSXH thành phố, thời gian tới, NHCSXH phối hợp cùng tổ chức Đoàn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới, quyền và nghĩa vụ hộ vay vốn, hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách, các mô hình sản xuất, kinh doanh trong lực lượng ĐVTN; vận động gửi tiết kiệm từ dân cư, từ các doanh nghiệp và tổ TK&VV để tạo lập nguồn vốn cho vay cũng như thói quen tiết kiệm của hộ vay. Đồng thời, tổ chức bình xét cho vay kịp thời các đối tượng thụ hưởng, tăng cường kiểm tra, giám sát, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, tổ TK&VV; tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ đội ngũ cán bộ Đoàn làm công tác ủy thác, ban quản lý tổ TK&VV. Bên cạnh đó, phối hợp đầu tư tín dụng với hướng dẫn sản xuất, gắn với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt; thúc đẩy phong trào thanh niên khởi nghiệp, nhân rộng nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, giúp hộ vay thoát nghèo bền vững.