06/07/2010 - 21:29

GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2010

Hiệu quả và bền vững hơn

Học viên lớp dạy nghề sửa chữa điện gia dụng ở phường Ba Láng, quận Cái Răng trong giờ thực hành lắp đặt mạch điện.

Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Cần Thơ, bằng cách kết hợp đồng bộ các giải pháp: Đào tạo nghề, hỗ trợ vốn vay, hướng dẫn khoa học kỹ thuật trong canh tác, sản xuất, giải quyết việc làm tại chỗ và giới thiệu vào các doanh nghiệp, kết quả giải quyết việc làm cho trên 23.500 lao động trong 6 tháng đầu năm 2010 khá lạc quan, trong đó có đóng góp của các ngành, các cấp. Vấn đề cần quan tâm là làm sao tạo được việc làm lâu dài, thu nhập ổn định, thỏa đáng và người lao động được thụ hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước để an tâm làm việc và cống hiến…

Trên 23.500 lao động có việc làm

Ngắm nghía sản phẩm lắp đặt mạch điện vừa hoàn thành, vẻ hài lòng, bạn Nguyễn Văn Minh, ở khu vực 5, phường Ba Láng, quận Cái Răng, học viên lớp dạy nghề sửa chữa điện gia dụng sơ cấp miễn phí ở phường, cho biết: “Tôi đang luyện tập kỹ năng thực hành chuẩn bị thi tay nghề cuối khóa. Lúc trước, tôi chỉ biết thay bóng đèn néon và sửa chữa hư hỏng thông thường. Bây giờ, sau khi tham gia khóa học nghề, tôi đã biết các kỹ thuật sửa chữa điện gia dụng ở nhà”. Minh cũng trình bày nguyện vọng được vay vốn lãi suất ưu đãi để mở cửa tiệm bán các mặt hàng điện gia dụng để có điều kiện học nâng cao tay nghề, nhận sửa các mặt hàng điện gia dụng. Minh và các học viên lớp dạy nghề sửa chữa điện gia dụng tập trung ôn luyện lý thuyết và thực hành, với quyết tâm đạt kết quả tốt trong kỳ thi chứng chỉ nghề sơ cấp cuối khóa vào tháng 7-2010. Ông Đặng Văn Hoàng, giáo viên hướng dẫn lớp, cho biết: “Tuy độ tuổi, trình độ học vấn của các học viên có chênh lệch nên ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiếp thu kiến thức cũng như thao tác thực hành, nhưng ban tổ chức lớp đánh giá cao tinh thần hăng say học nghề, ý thức cầu tiến, cố gắng vượt khó của học viên”. Đến nay, các học viên đã nắm, phát hiện và sửa chữa các hư hỏng về điện. Sắp tới, phường tiếp tục mở thêm lớp dạy nghề xây dựng sơ cấp miễn phí cho 30 học viên. Ngoài ra, 30 học viên học nghề trồng hoa kiểng năm 2009 đã thành lập Câu lạc bộ trồng hoa kiểng, tạo việc làm cho các thành viên.

Lợi thế ở phường Ba Láng là giới thiệu người lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn phường. Ông Trần Văn Bào, cán bộ phụ trách công tác dạy nghề của phường, cho biết: “Khi các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, phường thông báo đến các khu vực để các gia đình biết và đăng ký đi làm. Nhiều lao động của phường làm việc tại các doanh nghiệp với mức lương ổn định”. Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND phường Ba Láng cũng chú trọng kết hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội giúp người lao động được vay vốn thông qua các Hội đoàn thể. Từ đầu năm đến nay, phường Ba Láng có 195 lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp, 493 hộ vay trên 6,4 tỉ đồng vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động trong phường.

Theo báo cáo của Phòng LĐ-TB&XH huyện Thới Lai, 6 tháng đầu năm 2010, huyện GQVL cho gần 2.083 lao động, mở 10 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 300 lao động, tư vấn việc làm cho 50 bộ đội xuất ngũ... Ông Phan Thanh Tùng, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thới Lai, nói: “Các xã, thị trấn rất chú trọng công tác này, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trong thủ tục xin việc làm, cung cấp các thông tin việc làm cho người lao động. Nhờ tăng cường công tác chỉ đạo nên hầu hết các xã, thị trấn đều làm tốt công tác GQVL, góp phần hạn chế tình trạng thanh niên trong độ tuổi thiếu việc làm hoặc thất nghiệp”.

Nếu như các xã, phường, thị trấn luôn chủ động GQVL cho người lao động địa phương thông qua các hoạt động dạy nghề, vay vốn, tạo điều kiện giúp người lao động làm việc ở các doanh nghiệp, các Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) ở TP Cần Thơ cũng tập trung tổ chức các hoạt động tư vấn, tuyển dụng lao động các trình độ, ngành nghề. Với thế mạnh của từng đơn vị, các trung tâm đã tạo điều kiện thuận lợi để người lao động, từ lao động phổ thông đến trình độ đại học, có thể tìm được việc làm với mức thu nhập phù hợp. Nếu như Trung tâm GTVL thuộc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ duy trì và giữ vững hoạt động sàn giao dịch việc làm, tăng cường về các xã vùng sâu, vùng xa thành phố tư vấn việc làm, học nghề cho người có nhu cầu đi làm việc trong và ngoài nước; thì Trung tâm GTVL Thanh niên TP Cần Thơ luôn thành công với “chiêu” tư vấn, hướng nghiệp, giữ vững chất lượng, hiệu quả Tuần lễ việc làm Thanh niên, liên kết với các đơn vị tổ chức các buổi phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp hay trang bị các kiến thức cần thiết khi đi phỏng vấn và làm việc. 6 tháng đầu năm 2010, đơn vị đã giới thiệu trên 2.000 lao động đến làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, đạt trên 50% kế hoạch năm (trong tổng số trên 10.000 lượt lao động qua tư vấn, sơ tuyển).

Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2010 của Sở LĐ-TB&XH, trong tổng số lao động có việc làm toàn thành phố, có trên 11.200 lao động nữ và 16.000 lao động được các Trung tâm GTVL tuyển dụng ủy thác và các doanh nghiệp tự phỏng vấn tuyển dụng. Đồng thời, giải ngân trên 7,6 tỉ đồng vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội, xây dựng nhiều mô hình sản xuất, tạo việc làm tại chỗ cho gần 2.100 lao động...

Tăng cường trách nhiệm các ngành, các cấp

Thời gian qua, công tác GQVL ở TP Cần Thơ luôn được các ngành, các cấp chính quyền đoàn thể địa phương quan tâm thực hiện, giúp thêm nhiều lao động có việc làm cũng như ổn định phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Các quận, huyện thường xuyên kết hợp với các đơn vị triển khai nhiều hoạt động: tư vấn, tuyển dụng, dạy nghề, cho vay vốn... tạo điều kiện cho người lao động gặp gỡ doanh nghiệp để có việc làm, thu nhập ổn định.

Theo lãnh đạo Trung tâm GTVL Thanh niên TP Cần Thơ, tuy đơn vị đã thực hiện đạt chỉ tiêu 6 tháng đầu năm, nhưng còn băn khoăn về lực lượng lao động chưa ổn định, trình độ nhận thức, tay nghề còn hạn chế. Qua tư vấn, đa số lao động các trình độ vẫn hụt hẫng, lơ mơ về việc làm, thiếu định hướng mục tiêu việc làm, nên chưa gắn bó với công việc, dẫn đến tình trạng bỏ việc, nhảy việc. Nguyên nhân là do người lao động không được thường xuyên tiếp cận các thông tin về tuyển dụng, tham gia các hoạt động tư vấn, việc làm. Vì vậy, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị chức năng, các doanh nghiệp tăng cường tuyên truyền, phổ biến các thông tin việc làm, tuyển dụng đến người lao động.

Trao đổi với phần lớn người lao động các quận, huyện đến thành phố tìm việc làm, người lao động cho biết họ “tự bơi” là chính, không được định hướng, hướng dẫn việc làm... Trong khi đây là một công đoạn khá quan trọng trong GQVL, giúp người lao động bước đầu hiểu và định hình công việc mình sắp làm, không phải bỡ ngỡ, lúng túng và chán nản, hạn chế tình trạng bỏ việc nửa chừng. Thực tế, hầu hết các phường, xã được đánh giá GQVL hiệu quả đều chưa có kế hoạch kết hợp ngành chức năng khảo sát thực tế về việc làm, thu nhập của lao động tại doanh nghiệp, chỉ dừng lại ở số lượng lao động được tuyển dụng.

Ông Châu Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, cho biết: Thời gian qua, thành phố đã tích cực triển khai các hoạt động thiết thực, góp phần thúc đẩy công tác GQVL. Để tăng cường và nâng cao chất lượng hiệu quả công tác này, sắp tới, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục tuyên truyền, giáo dục người lao động về ý thức tìm và tạo việc làm, tăng thu nhập; tổ chức điều tra nhu cầu học nghề, việc làm của lao động ở các quận, huyện làm cơ sở triển khai có hiệu quả Đề án “Dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; khảo sát các mô hình vay vốn Chương trình cho vay GQVL đạt hiệu quả kinh tế để nhân rộng; mở các lớp dạy nghề phục vụ nhu cầu nguồn lao động trong và ngoài nước, tìm thị trường lao động ngoài nước uy tín, an toàn, việc làm, thu nhập ổn định để tập trung nguồn lao động đưa đi làm việc, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động... Phấn đấu đạt 50.000 lao động có việc làm trong năm 2010, hoàn thành mục tiêu GQVL cho 200.000 lao động giai đoạn 2006-2010, đáp ứng yêu cầu chất lượng nguồn lao động trong giai đoạn tới.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết