|
Sự ra đời của các website đã góp phần thúc đẩy phong trào Đoàn tại các trường học. |
“Em là học sinh của trường. Em nhớ thầy cô quá. Cho em hỏi muốn xem hình giáo viên trường phải làm sao?”, “Mình cũng từng học ở đây. Không biết giờ trường mình ra sao? Các thầy cô có khỏe không?”... Đó là những tâm sự mà chúng tôi thấy nhiều trên các diễn đàn trường học. Nhiều học sinh, phụ huynh và thầy cô cho rằng cần thiết xây dựng website trường học để cung cấp các thông tin bổ ích cho giáo viên và học sinh, vừa là nơi sinh hoạt, giao lưu nhằm góp phần đẩy mạnh công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học.
Website Trường THPT Thới Long, phường Long Hưng, quận Ô Môn được thành lập gần 3 năm. Anh Lê Công Vũ, Bí thư Đoàn trường cho biết, xuất phát từ nhu cầu trao đổi thông tin, học tập, giao lưu của giáo viên và học sinh, Ban Giám hiệu (BGH) trường đã thành lập Hội đồng quản trị website với thành viên là tổ trưởng các tổ chuyên môn, giáo viên giỏi về công nghệ thông tin,... Với 3 nội dung chính là công tác chuyên môn, thông tin Đoàn-Đội và thông tin nội bộ, website đã tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh các khối lớp ở trường cũng như gắn kết mối quan hệ thầy trò trong học tập. Theo anh Vũ, đối với công tác Đoàn-Đội, website ra đời đã giúp Đoàn trường tiết kiệm được rất nhiều thời gian, tiền bạc so với việc thông báo, tuyên truyền bằng văn bản xuống các lớp. Các vấn đề nhà trường sinh hoạt đầu tuần, Đoàn trường cũng đưa lên website để học sinh có thể xem lại. Em Nguyễn Việt Phong, học sinh lớp 10, chia sẻ: “Nhờ có website nên em nắm bắt mọi thông báo của BGH nhà trường, Đoàn trường rất nhanh chóng. Hè này, dù ở nhà nhưng em vẫn biết các hoạt động trong hè, kế hoạch trong năm học mới... Cũng nhờ có website mà kỹ năng viết của em được nâng lên rõ rệt”. Việt Phong cho biết thêm, website trường còn là nơi để em và các bạn chia sẻ những kỷ niệm, giới thiệu các bạn vượt khó học tốt đến bạn bè toàn trường để tìm cách giúp đỡ.
Trang web của Trường THPT Lưu Hữu Phước (phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn) gần 2 năm qua cũng trở thành người bạn thân thiết của học sinh toàn trường. Anh Lê Minh Châu, Phó Bí thư Đoàn trường, cho biết: “Trên diễn đàn dành cho học sinh của trường có 16 chuyên mục. Mỗi chuyên mục đều có giáo viên phụ trách như chuyên mục: kỹ năng sống, ôn thi tốt nghiệp và đại học, vui buồn trường lớp, tình yêu và cuộc sống,... Ngoài ra, Đoàn trường còn kiến nghị xin BGH trường cho thành lập một số câu lạc bộ để các em học sinh có thể tham gia tùy theo sở thích. Nhờ có sân chơi này mà chúng tôi hiểu phần nào tâm tư nguyện vọng của các em”. Theo anh Châu, Đoàn trường rất khuyến khích các em học sinh viết bài cộng tác nhằm làm phong phú cho website của trường. Ngoài việc giúp các em hình thành kỹ năng viết thì việc định hướng các em vô cùng quan trọng. Những cá nhân có bài viết không hợp với thuần phong mỹ tục, không mang tính xây dựng đều được ban quản trị góp ý. “Chúng tôi muốn giáo dục các em là “thế giới mạng cũng cần có văn hóa”, vì thời gian qua có nhiều bạn trẻ có những hành vi, lời lẽ thiếu văn hóa đăng tải trên các mạng xã hội do nhiều trang không kiểm duyệt nội dung”-anh Châu cho biết. Bên cạnh phục vụ cho học sinh, giáo viên của trường, website này còn là nơi cựu học sinh của trường trao đổi, gặp gỡ nhau. Rất nhiều học sinh sau khi ra trường đã trở thành thành viên tích cực của diễn đàn như chia sẻ kinh nghiệm học tập, xin việc, nghề nghiệp,... cho thế hệ đàn em. Theo anh Châu, nhờ có diễn đàn mà hằng năm số lượng cựu học sinh họp mặt ngày càng đông. Trung bình mỗi năm các cựu học sinh đóng góp gần 30 triệu đồng để trao học bổng cho các bạn học sinh khó khăn tại trường.
Anh Lương Hiển Đạt, Phó Trưởng Ban Thanh niên trường học Thành đoàn Cần Thơ, cho biết: Tại Hội nghị cán bộ Đoàn trường học toàn quốc được tổ chức vào cuối tháng 7-2012, Trung ương Đoàn đã đặt ra chỉ tiêu 100% Đoàn trường lập website, bog trong chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học năm học 2012-2013. Theo anh Đạt, để đạt được chỉ tiêu này không khó, cái khó là việc quản lý như thế nào để phát huy hiệu quả của các website, blog. Bởi hiện nay, rất nhiều website gặp khó khăn về nguồn nhân lực quản trị. Anh Đạt cho biết: “Trước đây, website một số trường có diễn đàn để thành viên bày tỏ ý kiến, trao đổi thông tin các lĩnh vực...nhưng hiện nay nhiều website phải đóng cửa diễn đàn vì không đủ người duyệt đăng các bài viết. Theo tôi, thành lập một đội ngũ quản trị diễn đàn nhằm làm phong phú website là điều vô cùng quan trọng, trong đó cán bộ Đoàn trường phải là người tiên phong vì có như thế mới góp phần nâng cao chất lượng công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học”. Anh Đào Chí Nghĩa, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn cho biết: Thành đoàn rất khuyến khích các Đoàn trường có điều kiện thành lập hoặc phối hợp với BGH nhà trường quản lý các website để phục vụ công tác Đoàn... Tuy nhiên, Ban Thường vụ Thành đoàn không đưa ra chỉ tiêu cụ thể vì sợ như thế sẽ vô tình gây áp lực với các Đoàn trường, dẫn đến nhiều website không chất lượng, không quản lý nổi thành viên đưa bài tiêu cực lên diễn đàn. Anh Nghĩa cho biết: “Đối với các trường đã có website, Ban Thường vụ Thành đoàn Cần Thơ sẽ chia sẻ những kinh nghiệm trong việc quản lý website thông qua các lớp tập huấn cán bộ Đoàn, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các website, phục vụ phong trào Đoàn tại các trường học”.
Bài, ảnh: PHẠM TRUNG