13/02/2022 - 14:11

Hiệp Thiên Cung Thạnh Mỹ 

Trần Kiều Quang

Hiệp Thiên Cung Thạnh Mỹ (ảnh) là một trong những ngôi chùa ở Cần Thơ có niên đại hàng trăm năm. Hiện chùa tọa lạc tại khóm I, khu vực Thạnh Mỹ, phường Lê Bình, quận Cái Răng.

Chùa được xây cất vào những ngày đầu cộng đồng người Hoa đặt chân đến vùng Cần Thơ lập nghiệp. Lúc đầu, chùa được xây dựng trên nền đất, vách lá. Ngôi chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu mới được khang trang như ngày nay. Trước sân chùa là tượng Phật Quan Âm cao khoảng 1m, mặt hướng ra sông; dưới tượng Phật là tượng Hồng Hài Nhi cao khoảng 0,2m.

Phía sau tượng là bàn thờ Thiên Quan Tứ Phước - tức Ngọc Hoàng hay Ông Trời trong quan niệm của người Hoa ở Cần Thơ. "Theo Ðạo giáo, Thiên Quan cùng với Ðịa Quan và Thủy Quan được gọi Tam Quan Ðại đế, là chư thần chủ tể việc họa phúc của nhân gian... Tín ngưỡng Tam Quan bắt nguồn từ tín ngưỡng sùng kính Trời, Ðất và Nước vốn rất được phổ biến ở xứ ta nên dễ được tích hợp vào tập tục tín ngưỡng dân gian, đặc biệt là lệ cúng ba ngày rằm lớn trong năm: Thượng nguyên (rằm tháng Giêng), Trung nguyên (rằm tháng Bảy) và Hạ nguyên (rằm tháng Mười)"(1).

Chùa được cất mái bằng, phía trước có một mái nhỏ hơi nhô lên. Mái chùa lợp ngói ống và ngói hình vảy cá. Trên nóc mái có tượng lưỡng long tranh châu. Xung quanh mái nóc còn có tượng thần Nhật - Nguyệt, mỗi vị đứng một bên. Ngày trước cửa chùa có hai hàng cột cao dùng để đỡ mái nóc nhô lên, thân cột có đắp nổi hình hai con rồng uốn lượn quanh cột. Phía trên đầu rồng là một biển hiệu sơn màu đỏ thẫm, trên đó có đắp nổi ba chữ Hán: Hiệp Thiên Cung, phía trên ở góc phải còn có hai chữ nhỏ Thạnh Mỹ. Trên cửa chùa cũng có một tấm bảng đề tương tự, nhưng phía dưới có vẽ kỳ lân ở hai bên, còn phía trên tấm bảng là hình vẽ một chiếc thuyền rồng trên đó có chở tám người, mô phỏng sự tích Bát Tiên quá hải. Hai bên vách phía trước là vô số hình vẽ được các nghệ nhân xưa tô điểm cho ngôi chùa, với các sự tích, câu chuyện Nhị thập tứ hiếu. Cửa chùa được làm bằng danh mộc với kiểu đóng gài cây chắn ngang. Trên cửa có hình vẽ hai vị Môn Thần.

Phía trước gian chính điện là Thiên tỉnh dùng để lấy ánh sáng cho chùa. Hai bên là cửa vào đông lang và tây lang. Gian chính điện được chia làm ba gian. Gian giữa thờ Quan Công - vị thần biểu tượng của tinh thần trọng nhân nghĩa, trung tín, hoạn nạn có nhau, bần cùng không biến tâm, giàu sang không đổi chí, trong mọi hoàn cảnh vẫn một dạ chẳng hai lòng… Thờ Quan Thánh hiểu cho sâu xa không phải chỉ là sùng bái cá nhân Quan Vũ thời Tam Quốc. Nét nổi bật là thờ Quan Công để nhắc nhở việc kết nghĩa, hoạn nạn giúp nhau(2). Tượng Quan Công cao khoảng 0,2m được đặt giữa khánh thờ. Hai bên Quan Công là tượng của Quan Bình và Châu Xương. Gian bên trái (nhìn từ ngoài vào) là bàn thờ của Tài Bạch Tinh Quân - vị thần tài của người Hoa. Bên phải là bàn thờ của Thiên Hậu Thánh Mẫu - xưa nay được xem như một vị thần biển có công giúp đỡ ngư dân, thương buôn trong cuộc mưu sinh. Tượng của Tài Bạch Tinh Quân và Thiên Hậu Thánh Mẫu cũng được để trong khánh thờ, chiều cao mỗi tượng khoảng 0,2m. Trước gian chính điện còn có các hoành phi, câu đối như: Khí tráng sơn hà; Ðan tâm quán nhật; Vạn cổ lưu phương…

Hằng năm, Hiệp Thiên Cung Thạnh Mỹ có các ngày cúng tế vào rằm tháng Giêng, lễ vía Bà Thiên Hậu ngày 23 tháng 3 âm lịch, lễ vía Quan Công ngày 26 tháng 4 âm lịch, lễ vía Quan Bình ngày 13 tháng 5 âm lịch, lễ Vu Lan ngày rằm tháng 7 âm lịch, rằm tháng 10. Trong lễ vía Bà hay lễ vía Quan Công chùa có mời rất nhiều quan khách đến dự cũng như người dân đến chùa rất đông. Lễ hội hằng năm ở Hiệp Thiên Cung Thạnh Mỹ là ngày hội của người dân địa phương, nhằm thắt chặt tình đoàn kết xóm làng, thể hiện tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng.

-------------

(1) Huỳnh Ngọc Trảng - Nguyễn Đại Phúc (2013), Đặc khảo về tín ngưỡng thờ gia thần, NXB Văn hóa văn nghệ, tr.161-162.

(2) Lê Anh Dũng (1995), Quan Thánh xưa và nay, NXB Văn hóa Thông tin, tr.129-130.

Chia sẻ bài viết