29/07/2017 - 16:11

Hiệp Thiên Cung- Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia 

Ngày 31-7, Hiệp Thiên Cung (quận Cái Răng) sẽ chính thức đón nhận Bằng Xếp hạng Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Trải qua hơn 160 năm thành lập, Hiệp Thiên Cung vẫn giữ được nét uy nghi, cổ kính, với những nét kiến trúc đặc trưng độc đáo. Nằm ngay trong lòng phố thị Cái Răng, Hiệp Thiên Cung từ lâu đã trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của cư dân người Hoa nơi đây.

Mặt chính của Hiệp Thiên Cung.

Theo các bậc cao niên trong Ban Quản trị Hiệp Thiên Cung, từ đầu thế kỷ XIX, một số người Hoa di dân từ Trung Quốc đã chọn Cái Răng là nơi lập nghiệp, sinh sống. Bà con người Hoa chủ yếu sống bằng nghề buôn bán.

Trong tín ngưỡng của người Hoa, Quan Thánh Đế Quân- Quan Công và Thiên Hậu Thánh mẫu là hai vị thần phù hộ, gia trì công đức, tài lộc, bình an cho họ.

Vì vậy, cộng đồng người Hoa ở Cái Răng từ xa xưa đã lập ngôi miếu nhỏ thờ Quan Thánh Đế Quân ngay trong lòng chợ Cái Răng, vừa là nơi tín ngưỡng, vừa là nơi gặp gỡ, giao lưu của cộng đồng. Năm 1856, bà con đã tu sửa, tôn tạo ngôi miếu lớn hơn và gọi là Quan Đế Miếu.

Ngoài Quan Công, miếu còn thờ Phúc Đức Chính Thần và Thiên Hậu Thánh Mẫu nên gọi là Hiệp Thiên Cung. Tên gọi ấy được gìn giữ đến ngày hôm nay.

Cuối tháng 6-2015, Ban Quản trị Hiệp Thiên Cung đã long trọng tổ chức Kỷ niệm 160 kiến miếu với nhiều nghi lễ theo nghi thức truyền thống và hát Tiều, phát quà cho bà con trong vùng.

160 năm- đó là khoảng thời gian đủ dài để khẳng định vai trò, nét đẹp kiến trúc của Hiệp Thiên Cung trong đời sống văn hóa- tinh thần của cộng đồng người Hoa ở Cái Răng.

Trải qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ xâm lược và bao biến thiên, bào mòn của phong sương tuế nguyệt, đến nay, Hiệp Thiên Cung vẫn giữ được nét cổ kính vốn có.

Hiệp Thiên Cung có kiến trúc hình chữ “Quốc” với bốn dãy nhà khép vuông với nhau, chính giữa là không gian lấy ánh sáng tự nhiên- gọi là giếng trời hay thiên tỉnh.

Điểm nhấn ngoài sân Hiệp Thiên Cung là cây cột cờ cao hơn 10m, có tuổi đời hơn 100 năm, hiện đã xuống cấp, Ban Quản trị đã cho thay mới cột cờ này.

Nóc Hiệp Thiên Cung có biểu tượng lưỡng long tranh châu, có đặt tượng ông Nhật- bà Nguyệt rất độc đáo.

Bà con thắp nhang tại Hiệp Thiên Cung nhân Lễ Vía Ông năm Đinh Dậu 2017. 

Gian chính của Hiệp Thiên Cung thờ Quan Thánh Đế Quân, gian bên phải thờ Phúc Đức Chính Thần, gian bên trái thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. 

Từ chánh môn bước vào, dãy nhà bên trái là Đông lang, bên phải là Tây lang, được dùng làm nơi hội họp, sinh hoạt của Ban Quản trị.

Do Tây lang và Đông lang của Hiệp Thiên Cung xuống cấp nên Ban Quản trị đã vận động xã hội hóa gần 2 tỉ đồng để xây mới, tạo nét khang trang cho Hiệp Thiên Cung.

Bộ cột chính trong Hiệp Thiên Cung có cây làm bằng gỗ quý, có cây làm bằng đá xanh, chạm trổ tinh xảo. Mái miếu lợp ngói âm dương, mỗi đầu dôi dằn mái ngói và hệ thống xuyên đều được chạm hình đầu rồng.

Vách tường ngoài Hiệp Thiên Cung, có nhiều bức họa thể hiện những tích truyện kinh điển; nổi bật nhất là hình ảnh ông Thiện- ông Ác trên hai cánh cửa lớn rất uy nghi- như là sự trấn giữ, bảo vệ điều thiện, tiêu trừ điều xấu.

Đặc biệt, vừa bước vào cổng chính, ngoái đầu nhìn lên, khách sẽ gặp bảng gỗ viết bằng mực vàng óng ánh. Đây là bảng vàng ghi nhận công đức của những người có công với Hiệp Thiên Cung, có hơn 160 năm tuổi.

Hệ thống hoành phi, liễn đối trong Hiệp Thiên Cung cũng rất độc đáo, với nội dung mong ước về một cuộc sống thạnh vượng, sung túc; ca ngợi công đức của các vị Thần, Thánh. Tiêu biểu như: “Nghĩa Bỉnh Càn Khôn”, “Khí Tráng Sơn Hà”, “Thiên Cổ Nhất Nhân”…

Hằng năm, Hiệp Thiên Cung diễn ra rất nhiều lễ hội, nghi thức tín ngưỡng. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến Nguyên Tiêu (Rằm tháng Giêng, âm lịch), đại lễ Vu Lan (Rằm tháng Bảy, âm lịch), Vía Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu (23-3, âm lịch) và Vía Ông Quan Thánh Đế (12-14/5, âm lịch)...

Mỗi dịp đại lễ Vu Lan, hàng ngàn bà con tề tựu về Hiệp Thiên Cung chung niềm cung kính tế lễ và hân hoan chung vui ngày hội.

Ngoài phần cầu an cho ông bà cha mẹ đã khuất, đông đảo và náo nhiệt nhất vẫn là nghi thức phóng tiêu, thí giàn, phát thẻ: thẻ gạo, thẻ muối… Qua đó, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ người nghèo khó của cộng đồng người Hoa Cái Răng.

Mỗi kỳ Vu Lan như thế, Hiệp Thiên Cung đều phát hàng chục tấn gạo cho bà con nghèo. Ngoài ra, Ban quản trị và mạnh thường quân của Hiệp Thiên Cung thực hiện khá mạnh công tác thiện nguyện, an sinh xã hội với hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Vào mùa lễ Vía Ông năm Đinh Dậu 2017, sau lễ Vía Ông trọng thể là phần ra mắt Ban Quản trị Hiệp Thiên Cung Cái Răng khóa VIII, nhiệm kỳ 2017 – 2022 với 15 vị, ông Lâm Quế Thạnh tiếp tục được bầu làm Trưởng Ban.

Nhiều năm qua, Ban Quản trị luôn làm tốt công tác bảo quản di tích, tổ chức các kỳ lễ đúng truyền thống, quy tụ được đông đảo người dân chung lòng chiêm bái, góp phần gìn giữ một di sản quý báu của Cần Thơ.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết