05/06/2010 - 21:05

Hiện thực đất rừng U Minh qua truyện kể Bác Ba Phi

 

Người dân vùng sông nước Cửu Long có câu thành ngữ “Con cháu Ba Phi” để chỉ những người có tài chọc cười người khác bằng những câu chuyện bịa, khuếch đại, “một tấc tới trời”. Mấy mươi năm qua vẫn lưu truyền tên tuổi, nơi vùng đất cuối cùng của Tổ quốc, gắn với những câu chuyện vui truyền tụng là một nhân vật có thật: bác Ba Phi.

Theo quyển “Truyện kể Ba Phi – Một sản phẩm đặc sắc vùng ĐBSCL” của Hà Châu (NXB Mũi Cà Mau, 1999) và thư mục chuyên đề “Bác Ba Phi” (Thư viện Cà Mau, 2003), bác Ba Phi tên thật là Nguyễn Long Phi, sinh năm 1884, trong một gia đình nông dân nghèo miệt Đồng Tháp Mười, theo cha mẹ về sống ở rừng U Minh từ lúc còn bé. Lớn lên, bác Ba Phi làm tá điền cho Hương quản Tế và được vợ chồng Hương quản yêu mến gả con gái là cô Ba Lữ. Song vì không thể có con nên cô Ba Lữ đã chính tay mang cau trầu đi cưới vợ hai cho chồng. Người vợ hai sinh được một người con trai tên là Nguyễn Tứ Hải. Khi Tứ Hải lên ba thì không biết nguyên cớ gì mà bà vợ hai gửi con cho chồng rồi về quê Mỹ Tho ở hẳn đến lúc qua đời. Sau này Nguyễn Tứ Hải lấy vợ sinh ra cho bác Ba một đứa cháu trai đích tôn tên là Nguyễn Quốc Trị, tên thường gọi là Đậu – nhân vật có mặt hầu hết trong các câu truyện kể của bác Ba Phi. Bác Ba Phi còn cưới thêm một bà vợ tên Chăm, dân tộc Khmer, và có với bà hai người con gái. Bác Ba Phi qua đời ngày 3-11-1964 tại vùng rừng U Minh Hạ, nay là ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Phần mộ hiện nay của bác Ba nằm giữa mộ hai người vợ là bà Ba Lữ và bà Chăm, bên cạnh nền nhà cũ.

Nằm trong dòng lịch sử vùng đất ĐBSCL nói chung và vùng rừng Cà Mau nói riêng, thì bác Ba Phi là hậu duệ của lớp tiền nhân “khai hoang lập ấp”. Vào thời mưu sinh của cư dân còn nhiều khó khăn do còn nhiều rừng rú, lau sậy và thú dữ phá hoại. Bàng bạc trong các truyện cười của bác Ba Phi là không gian thiên nhiên và sản vật rừng U Minh ở giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Thế giới truyện kể Ba Phi phản ánh tiềm năng của một vùng đất trù phú “cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn”. Hiện thực khách quan của cuộc sống đã được bác Ba Phi “hình dung hóa” thành những câu chuyện phóng đại bằng cái nhìn hài hước, trào lộng nhưng rất hào sảng, mang tính cách đặc trưng của người Nam bộ.

* * *

Cho đến nay, chưa có một tài liệu nào ghi chép lại các câu chuyện theo kiểu “vừa kể vừa ghi” được lưu truyền bằng cách kể cho nhau nghe nên không tránh khỏi sai lệch. Nhiều người đời sau trong lúc hứng chí cũng kể những chuyện cười theo cách riêng của bác Ba Phi gây nên sự pha tạp, lẫn lộn với dòng truyện chính thống. Theo thống kê của chúng tôi trong một số tài liệu và tuyển tập truyện cười Ba Phi thì chỉ có trên 50 truyện được các nhà nghiên cứu coi là “nguyên mẫu” nhất. Trong quyển “Kho tàng văn học dân gian Việt Nam - Truyện nói Trạng”, phần “Truyện Bác Ba Phi” với 41 truyện kể do Nguyễn Giao Cư sưu tầm, biên soạn (NXB Đà Nẵng, 2003).

Ba mảng nội dung lớn trong truyện cười Bác Ba Phi là: Thiên nhiên phong phú, giàu có của rừng U Minh; bác Ba Phi săn bắt động vật rừng U Minh và khai thác sức mạnh của thiên nhiên, sản vật để làm lợi cho con người và bác Ba Phi đánh giặc.

Kinh Lung Tràm, đường vào nhà bác Ba Phi.
Ảnh: baoanhdatmui.vn
Ảnh chn dung bc Ba Phi được thờ tại nh. Ảnh: baoanhdatmui.vn
 

Mảng nội dung thiên nhiên phong phú, giàu có của rừng U Minh trong truyện bác Ba Phi thể hiện rất rõ nét và như sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các câu chuyện. Vùng Lung Tràm – quê của bác Bác Ba - vốn được biết đến qua câu ca:

“Ở đâu bằng xứ Lung Tràm

Chim kêu như hát bội, cá lội vàng

như mắm nêm”

Nhưng bác Ba giới thiệu hài hước, dí dỏm: “Mỗi buổi sáng, giấc hừng đông thì lũ giang sen, gà dãy, lông ô, khoan cổ, chàng bè ra tập “thể dục” rần rần. Con nhỏ đứng trước, con lớn đứng sau chẳng khác nào cuộc duyệt binh, thiên binh vạn mã...”. Chim chóc rừng U Minh thuở trước dạn dĩ như con vật trong nhà: “Lũ chim chóc ngày đó dạn khì, chúng sống lẫn lộn với bầy gia súc. Chàng bè rề rề theo đổ trống vịt Xiêm, vịt đẻ, khi trứng nở ra, con nào con nấy cái mỏ nhọn thon như mũi kéo”, hay vì con cúm núm lai với gà nhà nên cúm núm trống ngoài đồng thì có hai “cái cựa nhọn lểu” còn gà trong nhà thì đêm đêm gáy “ò ó o... cúm! ò ó o... núm!” (Truyện “Vài nét về rừng U Minh thuở trước”, sđd, trang 390). Truyện “Chim chuột ở U Minh” kể rằng: Bác ba đội thúng lúa giống ra ruộng để gieo mạ, khi nhấc thúng lúa xuống thì không còn hột lúa nào. Thì ra là “Chim bay nghe rần rần mát trời, làm tui tưởng mây kéo, gió thổi chuyển mưa tới” và ăn sạch thúng lúa giống. Rút kinh nghiệm, lần sau, bác Ba bẻ nhánh chà vừa đi vừa quơ phía trên đầu cho chim đừng xáp lại. Bác Ba sạ xong, quay lại thì không có một hột giống rớt xuống đất. Mà toàn là chuột: chuột tơ, chuột già, chuột nái... “ba chân chạy còn một tay đưa lên hứng những hột lúa giống của mình từ trên vãi xuống mà bỏ vô miệng nhai lép nhép” (sđd, trang 393). Thấy con trâu giãy chết mà lại “muốn cất mình bay”, bác Ba trai với bác Ba gái lấy rơm nhét chỗ “đít con trâu bị lủng một lỗ” và hì hục kéo con trâu về. Lấy dao làm thịt, dè đâu bầy quạ đã khoét đít chui vào ăn hết lục phủ ngũ tạng. Kết quả là “Tui với bả bắt ra được ba trăm hai mươi sáu con quạ vừa lớn vừa nhỏ”! (truyện “Sân quạ”, sđd, trang 398). Giống nếp Cò Hương của bác Ba có lẽ là dẻo đến “hiếm thấy”: bác Ba mời bạn ăn bánh ít thử nếp dẻo cỡ nào. Vừa bỏ vô miệng thì bạn bác Ba chỉ biết gật đầu vì hai hàm răng đã bị bột nếp dính cứng ngắt. Còn bác Ba vừa mở vỏ bánh đã dính chặt vào bàn tay, tức quá, bác Ba rảy một cái thế là cái bánh ít dính trên xiên nhà. Con chó của bác Ba thấy tiếc nhảy lên “hưởng sái” thì bị treo tòn ten trên cây xiên nhà. (“Nếp dẻo”, sđd, trang 466).

Có thể khẳng định rằng qua các câu chuyện kể, chứng tỏ bác Ba Phi là người rất am tường, gắn bó và hơn hết là một tình yêu với vùng đất cuối phương Nam nên mới có thể miêu tả đầy hào hứng và có phần trào lộng như thế. Muốn biết đích xác sự thật thì “Không tin thì hỏi bác Ba gái mày thử coi!”!!!

Mảng nội dung phong phú nhất trong hệ thống truyện cười bác Ba Phi là chuyện săn bắt động vật rừng U Minh và khai thác sức mạnh của thiên nhiên, sản vật. Một số truyện tiêu biểu và quen thuộc: “Chiếc tàu rùa”, “Bắt cá kèo”, “Cọp xay lúa”, “Gác kèo ong mật”, “Ếch đờn vọng cổ”, “Heo đi cày”... Mảng nội dung này thường có một nhân vật song song với bác Ba Phi là “thằng Đậu” - cháu đích tôn của bác Ba, rất thông minh, lém lỉnh. Điều đáng chú ý là các con vật: ếch, rắn, rùa, heo, cọp, khỉ, cá trê... trong truyện Ba Phi đều được nhân cách hóa, lắm khi chúng còn biết “chơi khăm” lại ông cháu bác Ba Phi. Trong truyện “Ếch đờn vọng cổ”, trước khi ăn con vịt mồi mập ú của bác Ba, con ếch “ngó dáo dác, mặt mày hớn hở, gật gật đầu mấy cái. Con ếch khỏa bèo, hớp nước súc miệng sào sạc, phun ra cái phèo...”. Con ếch mà bác Ba kể cũng thuộc loại khổng lồ – bác Ba gọi là “ếch bà”: bác Ba giăng bằng 6 sợi dây chì nhập một, lưỡi câu là sợi dây thép quai thùng dầu hôi thế mà khi bị mắc câu, con ếch giãy giụa làm cho “Sáu sợi dây bật ra những tiếng kêu bổng trầm “tằng tăng, tùng tẳng” khác nhau. Tui ngồi nghe. Sao có chỗ vô sang, ra hò mùi quá!”. “Tức cảnh sinh tình”, bác Ba ca sáu câu vọng cổ mà “ăn đờn” hết chỗ chê! Lần khác, rừng U Minh bị cháy, bác Ba Phi với thằng Đậu vội vã lấy ghe tam bản trọng tải hơn chục tấn chống vô rừng. Động vật trong rừng chạy bán sống bán chết tìm nơi an toàn. Có một bầy rùa nhiều không kể xiết: nào rùa vàng, rùa quạ, rùa nắp, rùa hôi, rùa đém... đang chậm chạp bò xuống mé kinh Đường Ranh. Bác Ba Phi bắt tấm đòn dày từ bờ kinh xuống ghe. Thế là bầy rùa lũ lượt “quá giang” ghe của ông cháu thằng Đậu. Thấy rùa “chất lượng không đồng đều”, thằng Đậu còn nói với ông nội lấy sào gạt mấy con rùa nhỏ xuống kinh. Chỉ trong chốc lát mà chiếc ghe tam bản đã khẳm mẹp, phía ngoài, rùa bám hai bên ghe chật nứt. Vừa tháo dây mũi, chiếc tàu rùa lướt sóng kinh Đường Ranh mà thẳng tiến, đến nỗi xuồng chở lúa của bà con sắp chìm vì sóng quá dữ dội. Bác Ba Phi không biết làm sao giảm tốc độ đành bãi buôi: “Tàu rùa! Tàu không có gắn máy. Tàu rùa, tốp máy không được!” (“Chiếc tàu không động cơ” – Anh Động sưu tầm, biên soạn, NXB Thanh niên, 2006). Ở một số truyện khác, bác Ba Phi khiến cọp phải xay lúa sáng đêm hết cả bồ lúa hơn hai chục giạ của nhà bác Ba hay rắn hổ mây “ngoan ngoãn” tát đìa cho ông cháu bác Ba bắt cá...

Mảng nội dung bác Ba Phi đánh giặc, tuy số lượng không nhiều nhưng đã minh chứng tấm lòng của Bác Ba Phi với quê hương xứ sở. Cũng giống như những người dân vùng rừng Cà Mau, bác Ba Phi cũng căm thù giặc, ý thức chống giặc ngoại xâm. Những tình huống tưởng gay go nhưng trong truyện bác Ba Phi thì “dễ ợt” với cái nhìn lạc quan. Chiếc đầm già từ hướng Cà Mau bay vào cứ đảo vòng vòng Lung Tràm, Kinh Ngang. Bác Ba thấy “chướng mắt” vì “Tụi Mỹ, Diệm không đi coi chỗ đóng bót thì cũng vẽ họa đồ để lấn đất”. Thấy bác Ba xách phảng, mặt hầm hầm, “chiếc đầm già bị lệch tay lái, húc vô ngọn dừa gãy lòi củ hũ”. Bác Ba giơ phảng định chém thì tên lính Mỹ lái đi mất. Bữa sau, giặc lái trực thăng, “cồng cộc”, “cán gáo”, phản lực... vô trả thù bác Ba. Bác Ba Phi lấy phảng ra chém lia lịa làm chúng hoảng hồn cất ngược lên trời. Một chiếc “cán gáo” chạy không kịp đã bị bác Ba chém mất khúc đuôi, cắm đầu xuống kinh Lung Tràm (truyện “Chém trực thăng”). Hay tên quận trưởng Nhung bị Ba Phi “dợt tơi bời” trong truyện “Nói dóc có sách”.

* * *

Không gian trong truyện kể bác Ba Phi hoàn toàn khu biệt trong địa giới rừng U Minh với những “nhân vật” vốn là đặc sản của khu rừng này như: lúa gạo, trăn, rắn, rùa, mật ong... Tuy nhiên, đặc sản, sản vật trong truyện của bác Ba Phi cái gì cũng to, cũng lạ, cũng khác thường và “rất Ba Phi”. Nét độc đáo trong truyện này là cảm hứng nhận thức thế giới và quá trình tư duy, xác lập mối quan hệ giữa hiện thực và hư cấu nhằm hợp lý hóa trong quá trình vận động của dòng truyện kể. Lẽ dĩ nhiên, bác Ba Phi là người có khiếu kể chuyện vừa thu hút, ấn tượng và khiến cho người nghe tưởng là thật với khuôn mặt “tỉnh bơ”. Ngôn ngữ trong truyện thường là ngôn ngữ nói, ngôn ngữ kể chuyện với lớp ngôn từ “rặt ri Nam bộ”, mang những nét văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây. Một điều dị biệt trong truyện Bác Ba Phi và có ý nghĩa triết lý nhất là dù phải đối mặt với biết bao nguy hiểm, thử thách của thiên nhiên, thổ nhưỡng rừng U Minh nhưng bác Ba vẫn thắng tất cả bằng tinh thần lạc quan, ý thức chiếm lĩnh hiện thực tự nhiên của con người. Nhưng trước hết, truyện kể bác Ba Phi có chức năng chính là giải trí, chọc cười cho vui. Nghệ thuật căn bản là trào lộng, phóng đại sự việc. Điều thú vị và gây ấn tượng mạnh với người nghe là khi kết thúc các câu chuyện, bác Ba đều “vớt” thêm một câu: “Không tin thì hỏi bác Ba gái mày thử coi!”.

Tiếng cười của bác Ba Phi không cay cú, hằn học, không cạnh khóe, soi mói mà đồng điệu với thiên nhiên. Về Cà Mau, về với những cánh rừng thoang thoảng hương tràm, những vạt đước ăn sâu vào lòng đất, về để nghe truyện Ba Phi. Cười “cùng bác Ba Phi” để rồi mỗi người thêm yêu và nâng niu mảnh đất cuối cùng Tổ quốc này cùng những thành quả mà tiền nhân đã dày công gầy dựng. Gần đây, những cuộc hội thoại khoa học về “Truyện kể Bác Ba Phi” được tổ chức với những tham luận của các nhà nghiên cứu văn hóa, văn học dân gian Việt Nam. Bác Ba Phi được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” vào năm 2002. Hiện nay, khu nhà và mộ phần của bác Ba Phi đã được tỉnh Cà Mau xây dựng thành tuyến du lịch – văn hóa.

Đặng Duy Khôi

Chia sẻ bài viết