02/02/2013 - 09:13

Hiến kế để giáo dục và đào tạo phát triển

Làm gì để thực hiện hiệu quả chiến lược giáo dục đến năm 2020 là vấn đề mà nhiều đại biểu quan tâm khi tham dự Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020, do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức vừa qua. Báo Cần Thơ ghi nhận ý kiến hiến kế.

* ÔNG NGUYỄN THANH PHƯƠNG, PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ: Cần xác định những vấn đề trọng tâm để ưu tiên thực hiện

- Trong chiến lược phát triển GD-ĐT từ năm 2011 đến 2020, có 11 điểm mới nhưng phải thực hiện trong 8 năm sẽ khó khả thi, vì thời gian quá ngắn. Do đó, Bộ GD&ĐT cần xác định lại những việc nào trọng tâm để ưu tiên thực hiện. Để GD-ĐT phát triển, cần xác định lại những vùng cần ưu tiên đầu tư. Chẳng hạn như ưu tiên đầu tư cho 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, để sau 8 năm, 3 vùng này thực sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

 Đại biểu ở Cần Thơ phát biểu tại Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020. Ảnh: B.NG

Vấn đề kế tiếp là đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Hiện nay, các trường ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung đào tạo một số ngành trùng lắp. sinh viên có xu hướng chọn học những ngành "hot" (kinh tế, y dược…). Trong khi đó, một số ngành phục vụ đắc lực cho công cuộc CNH, HĐH đất nước thì thí sinh chưa "mặn mà" như nông nghiệp, kỹ thuật - công nghệ. Do vậy, Bộ, ngành trung ương cần có chính sách khuyến khích (học bổng, miễn giảm học phí…) để thu hút thí sinh vào học những ngành cần nhưng khó tuyển. Giống như ngành sư phạm, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã có chính sách miễn giảm học phí. Đi đôi với chính sách thu hút, Bộ GD&ĐT cần có cơ chế phân luồng học sinh hiệu quả hơn, đào tạo theo hướng mà xã hội đang cần, từ đó, đảm bảo cân bằng trong đào tạo nguồn nhân lực.

* ÔNG TRẦN TRỌNG KHIẾM, GIÁM ĐỐC SỞ GD&ĐT TP CẦN THƠ: Nên thống nhất một đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục

- Trong chiến lược phát triển GD-ĐT từ năm 2011 đến 2020, có nhiều chỉ tiêu khó có thể đạt. Theo tôi, Bộ nên thống nhất một đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục và thực hiện đồng bộ, bởi như hiện nay, việc luân chuyển giáo viên từ nơi này sang nơi khác hết sức khó khăn. Hiện nay, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội quản lý các trung tâm dạy nghề, Bộ GD&ĐT thì quản lý các trung tâm giáo dục thường xuyên. Trong khi đó, trung tâm giáo dục thường xuyên có dạy văn hóa và nghề. Ở mỗi quận, huyện, 2 đơn vị này hoạt động song song, chức năng gần như khá giống nhau, cho thấy sự lãng phí nguồn lực.

Về giáo dục bậc đại học, hiện nay, các trường hầu như siết chặt đầu vào nhưng buông lỏng đầu ra, vì thế chất lượng đào tạo khó đáp ứng nhu cầu xã hội. Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng chính qui hằng năm được tổ chức khá nghiêm ngặt, thí sinh phải ôn luyện cật lực. Thế nhưng, chất lượng kỳ thi tốt nghiệp ra trường thì chưa được quan tâm tương xứng. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cần xem lại một số chỉ tiêu giáo dục phổ thông. Chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020, cả nước phải có 30% học sinh THCS vào học nghề, e rằng sẽ khó đạt, bởi tâm lý xã hội vẫn còn nặng về khoa bảng. Muốn thay đổi tâm lý này, cần có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị.

* ÔNG NINH THÀNH VIÊN, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ GD&ĐT TỈNH KIÊN GIANG: Lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông, cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên

- Trong Kết luận số 51-KL/TW ngày 29-10-2012 của Ban Chấp hành Trung ương về Đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" khẳng định, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, GD&ĐT đã đạt nhiều thành tựu, góp phần đưa đất nước phát triển. Tuy nhiên, hiện nay, GD&ĐT ở nước ta vẫn chưa thật sự là động lực quan trọng nhất cho phát triển. Nhiều mặt hạn chế, yếu kém của GD&ĐT đã nêu từ Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII vẫn chưa được khắc phục cơ bản. Theo tôi, cần phải nêu cụ thể hơn hạn chế, yếu kém, bởi 4 yếu kém trong giáo dục mà Kết luận 51 đề cập như: chất lượng hiệu quả còn thấp; biểu hiện tiêu cực, thiếu kỷ cương có chiều hướng gia tăng; chưa thực hiện tốt công bằng xã hội và đội ngũ giáo viên còn thiếu, yếu. Trong đó, hai yếu kém đầu tiên chưa được khắc phục cơ bản. Hai yếu kém còn lại đã cơ bản thực hiện tương đối hiệu quả.

Đối với các giải pháp thực hiện Kết luận 51, cần phải nhìn nhận và đánh giá đúng; các giải pháp đầy đủ nhưng nên xem lại lộ trình thực hiện. Chẳng hạn, nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện lộ trình thay đổi chương trình phổ thông là quy trình ngược, bởi ban hành sách giáo khoa xong, rồi mới tổ chức tập huấn thay sách cho giáo viên. Chương trình phổ thông mới, phương pháp đổi mới nhưng giáo viên cũ nên hiệu quả chưa cao. Theo tôi, trước khi Bộ GD&ĐT thay đổi chương trình phổ thông, cần quan tâm bồi dưỡng và đào tạo căn bản cho giáo viên, sau đó mới triển khai thực hiện đổi mới chương trình.

Một thực trạng giáo dục ở ĐBSCL, cụ thể là tỉnh Kiên Giang có tình hình học sinh giảm - trường lớp tăng - giáo viên dư. Đây là mâu thuẫn, nhất là vấn đề giáo viên thừa- thiếu cục bộ. Đã có trường thừa - trường thiếu giáo viên nhưng điều động không được, giáo viên các bộ môn đào tạo ra nhưng không cân đối. Nhiều năm qua, do thừa giáo viên THCS nên Trường Cao đẳng sư phạm Kiên Giang đã ngưng đào tạo. Do vậy, Chính phủ cần có cơ chế chính sách trong điều chỉnh cơ cấu giáo viên, có phụ cấp thâm niên… để hạn chế thực trạng này.

BÍCH KIÊN (Thực hiện)

Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 (gọi tắt là Chiến lược) là một căn cứ quan trọng để Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của BCH Trung ương Đảng khóa XI và chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, nhân lực Việt Nam… nhằm đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đưa giáo dục nước ta trở thành một nước có nền giáo dục tiên tiến. Chiến lược ưu tiên nâng cao chất lượng giáo dục, lấy người học là trung tâm, hướng tới phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học, bảo đảm công bằng trong giáo dục, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân, góp phần từng bước xây dựng xã hội học tập. Những mục tiêu của từng cấp học cũng được xác định cụ thể, như thu hút 80% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp; 70% trẻ khuyết tật được đi học, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp và ĐH đạt khoảng 70%; 98% số người từ 15 tuổi trở lên biết chữ…

Chia sẻ bài viết