15/07/2020 - 06:08

Hiểm họa do tài xế ngủ gật khi lái xe 

Tài xế lái xe trong trạng thái cơ thể quá mệt mỏi, buồn ngủ được xem là nguy cơ gây tai nạn giao thông (TNGT) không kém gì so với việc tài xế lái xe sau khi uống rượu, bia hay sử dụng ma túy. Còn nhớ, trong tháng 3-2020, Hội đồng xét xử -Tòa án Nhân dân huyện Vĩnh Thạnh đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án bị cáo Vũ Đức Toàn (30 tuổi), ngụ huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, mà nguyên nhân chính là do bị cáo ngủ gật trong lúc lái xe, gây tai nạn chết người. Theo hồ sơ vụ án, khoảng 5 giờ ngày 1-1-2020, Toàn điều khiển xe khách chạy trên quốc lộ 80, hướng từ huyện Tân Hiệp đến quận Thốt Nốt. Khi đến đoạn đường thuộc ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh thì xảy ra va chạm với xe gắn máy chạy cùng chiều do anh M điều khiển chở theo con trai (SN 2014). Cú va chạm mạnh khiến xe máy ngã xuống đường, con anh M tử vong tại chỗ do chấn thương sọ não, anh M bị thương nhẹ. Quá trình điều tra, Toàn khai nhận, tại thời điểm gây tai nạn, vì quá mệt nên Toàn có ngủ gật trong lúc lái xe, không phát hiện xe chạy cùng chiều phía trước. Đến khi xảy ra va chạm, tiếng động mạnh làm Toàn giật mình tỉnh lại, bị cáo mới đạp thắng và điều khiển xe tấp vào lề phải.

Khi qua các giao lộ phức tạp, nếu tài xế không đủ tỉnh táo để xử lý tình huống sẽ cực kỳ nguy hiểm.

Chỉ vì một lúc ngủ gật, bị cáo Toàn đã gây tai nạn thương tâm, cướp đi mạng sống của cháu bé. Ngoài trách nhiệm bồi thường cho gia đình bị hại trên 100 triệu đồng theo thỏa thuận, bị cáo còn bị tước giấy phép lái xe trong quá trình chấp hành án 2 năm và thêm 1 năm phạt bổ sung.

Không chỉ tài xế lái ô tô mà tất cả những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong trạng thái mệt mỏi, ngủ gật đều gây nguy hiểm cho bản thân và người đang lưu thông trên đường cùng thời điểm. Tuy nhiên, đây là lỗi chủ quan, tài xế hoàn toàn có thể tránh được. Quá trình điều khiển xe, nếu thấy mệt mỏi, tài xế có thể tìm nơi dừng đỗ đúng quy định, nghỉ ngơi cho đến khi đảm bảo sức khỏe để tham gia giao thông trở lại. Bên cạnh đó, tài xế lái xe đường dài cần chú tâm tìm hiểu và nghiên cứu các trạm dừng chân trên tuyến đường vận chuyển để có kế hoạch dừng chân nghỉ ngơi hợp lý, đảm bảo sức khỏe và sự tỉnh táo trong khi lái xe trên suốt tuyến. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở các tài xế về vấn đề này; người sử dụng lao động (nhà xe thuê tài xế) cũng cần quan tâm nhắc nhở các tài xế quan tâm tình trạng sức khỏe của bản thân, không chủ quan để tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Bài, ảnh: MỸ TÚ

Chia sẻ bài viết