30/07/2009 - 20:56

Hết lòng vì sự nghiệp trồng người

Ông Phùng Thanh Hùng

Trong thời buổi “tấc đất tấc vàng”, tích lũy ruộng đất được xem là một trong những cách thức để làm giàu hiệu quả. Thế nhưng, có một nông dân tình nguyện hiến tặng 23.000m2 đất, trị giá cả tỉ đồng cho Nhà nước xây trường học. Đó là ông Phùng Thanh Hùng, ở xã Phong Thạnh Đông A, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.

Trước đây, khi còn là xã Phong Thạnh Đông cũ, Trường THCS Phong Phú tọa lạc ngay trung tâm và cũng là trường điểm của huyện. Vậy mà diện tích chưa tới 4.000m2, chỉ có 6 phòng học, trong khi đó số học sinh của trường lên đến gần 500 học sinh. Trường xây dựng từ năm 1984, qua hơn 20 năm sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.

Ông Trần Văn Bạc, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Phong Thạnh Đông A, cho biết: “Ngôi trường cũ xuống cấp nhiều năm, chính quyền địa phương có kế hoạch xây dựng trường mới. Nhưng ngặt nỗi quỹ đất công của xã không còn, trong khi đó nếu phải giải tỏa đền bù, thu hồi đất thì không đủ kinh phí. Nên nhiều năm liền kế hoạch xây dựng trường bị ách lại”.

Là đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Giá Rai, bà Long Thị Chí Huệ (vợ ông Phùng Thanh Hùng) khi tiếp xúc cử tri đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh về tình trạng Trường THCS Phong Phú (cũ) xuống cấp. Về nhà, bà Huệ tâm sự với ông Hùng. Nghe vợ nói thế, ông Hùng đề xuất: “Hay vợ chồng mình hiến đất cho Nhà nước xây trường học nghen bà! Chớ thấy cảnh thầy trò vừa dạy, học vừa lo tránh nắng, tránh mưa, tội nghiệp quá”. Lao động cực nhọc, tích góp nhiều năm mới có được gần 30 công đất. Là nông dân thì phải bám đất, bám vườn, hiến tặng rồi thì gia đình phải sinh sống ra sao?!- lúc đầu các thành viên trong gia đình băn khoăn. Ông Hùng nói: “Có đất ai mà không muốn giữ để làm giàu, nhưng tôi thấy mình hiến tặng đất xây trường học còn giàu hơn. Cái giàu đó không phải là lợi ích vật chất mà là giúp con em địa phương có điều kiện học hành tốt”. Bà Huệ đồng ý với ông Hùng nhưng bà ra điều kiện: “Khi hiến tặng đất ông nói với lãnh đạo huyện là phải nhanh chóng bắt tay vào việc xây trường để mấy cháu học sinh sớm có nơi học mới”.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Giá Rai, nhớ lại: “Nghe địa phương báo cáo ông Phùng Thanh Hùng hiến tặng 15.000m2 tôi gọi điện về xã hỏi nhiều lần vì sợ báo cáo nhầm. Không lâu sau, ông Hùng xuống huyện đưa sổ đỏ, lúc đó tôi mới tin là sự thật”.

Trường THCS Phong Phú.

Có được mặt bằng, huyện Giá Rai tiến hành thi công công trình Trường THCS Phong Phú mới. Chỉ trong thời gian ngắn, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm học 2008-2009. Trong quá trình thi công, đoạn đường từ hương lộ xã Phong Thạnh Đông A đến trường bị vướng một phần căn nhà của ông Năm Be. Chính quyền địa phương vận động hoài nhưng ông Năm Be vẫn kiên quyết đòi bồi hoàn mới chịu di dời nhà. Hay tin, ông Hùng nói với lãnh đạo UBND xã: “Mấy chú cứ an tâm, ngày mai ông Năm Be dời nhà liền”. Chiều hôm đó, ông Hùng đến gặp ông Năm Be, vận động: “Đất đai, tiền bạc ai không ham, nhưng có thứ quý giá còn hơn tiền bạc. Đó là tri thức văn hóa, không có tri thức văn hóa thì không đưa xã nghèo của mình phát triển được. Tụi mình làm nông dân gần cả đời mà vẫn thiếu trước hụt sau, chăm lo sự nghiệp giáo dục, đâu chỉ có riêng Nhà nước mà mọi người cũng phải chung tay góp sức”. Chỉ vài câu nói chân tình của ông Hùng đã làm ông Năm Be thay đổi ý, tự nguyện di dời nhà, rồi tặng luôn diện tích đất chiều ngang 1m dài hơn 40m cho Nhà nước.

Trường THCS Phong Phú vừa mới xây xong không được bao lâu lại bị quá tải, do lượng học sinh ngày càng đông. Huyện Giá Rai phải tính đến việc xây dựng thêm dãy phòng học mới. Hơn nữa, xã Phong Thạnh Đông A là một xã vùng sâu, cách xa trung tâm huyện, khi học hết lớp 9, nhiều học sinh phải chuyển đến trung tâm huyện học tiếp. Nhưng do quãng đường đi quá xa, không ít trường hợp học sinh phải nghỉ học giữa chừng. Do đó, ngoài việc lên kế hoạch xây dựng thêm dãy phòng học mới, huyện cũng có kế hoạch xây Trường THPT tại xã Phong Thạnh Đông A. Nhưng diện tích đất chỉ có 15.000m2, không đủ mặt bằng xây dựng. Vậy là, một lần nữa, ông Hùng tình nguyện hiến tặng thêm 8.000m2 đất.

Trao đổi chúng tôi, ông Hùng cho biết: “Tôi có 2 người con đã trưởng thành có việc làm ổn định. Hiến bao nhiêu đất đó cho Nhà nước xây trường học, còn lại ít công ruộng, vợ chồng tôi trồng lúa, nuôi cá cuộc sống cũng không đến nỗi tệ”.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Giá Rai, cho biết thêm: “Vị trí đất ông Hùng hiến tặng rất thích hợp cho việc xây dựng trường học. Hiện nay, tiến độ thi công dãy phòng học mới đang tiến triển rất tốt. Còn kế hoạch xây dựng Trường THPT dự kiến vào năm 2010 sẽ thực hiện. Trường THCS Phong Phú mới xây dựng theo chuẩn quốc gia, đây là điều kiện thuận lợi để thầy và trò nhà trường dạy tốt, học tốt”.

Có trường lớp mới, chất lượng dạy và học của thầy, trò Trường THCS Phong Phú nâng lên rõ rệt. Ông Dương Văn Thành, Hiệu trưởng Trường THCS Phong Phú, cho biết: “Hiện Trường THCS Phong Phú có 24 lớp với gần 900 học sinh, có hơn 30 thầy cô giáo tham gia giảng dạy. Năm học vừa qua, số lượng học sinh khá, giỏi tăng cao, nhiều thầy cô giáo của trường đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi. Đặc biệt năm học 2008-2009, lần đầu tiên trường có học sinh đạt một giải nhì môn hóa học và một giải ba môn hóa học và một giải khuyến khích môn địa lý cấp tỉnh”. Em Nguyễn Tuấn Khanh, học sinh đạt giải nhì môn hóa học toàn tỉnh bộc bạch: “Em sẽ phấn đấu học thật tốt để sau này trở thành thầy giáo, giảng dạy ở chính ngôi trường này”.

Bài, ảnh: Vân Lâm

Chia sẻ bài viết