04/02/2016 - 16:18

Hành trình trao cơ hội lạc nghiệp

Mỹ Tú

5 năm là quãng thời gian không quá dài để thành phố thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động, nhưng với sự nỗ lực của các cấp, ngành trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, đã có hàng ngàn hộ dân được trao cơ hội lạc nghiệp. Những lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần thiết thực vào công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, giúp người dân nâng cao thu nhập, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

"Quả ngọt"

Anh Đỗ Văn Đạt Lợi với niềm vui bên cây kiểng được tạo dáng thành phẩm chuẩn bị phục vụ Tết.  Ảnh: MỸ TÚ 

Chúng tôi đến thăm cơ sở sửa xe gắn máy Toàn của anh Nguyễn Thanh Tồn, ở khu vực 1, phường Ba Láng, quận Cái Răng vào những ngày cuối năm, ghi nhận không khí lao động khá tất bật. Nhiều khách hàng ngồi chờ, nhiều khách hàng đặt hẹn, nào sửa xe, sơn xe, thay mới phụ tùng, tân trang xe… đón Tết. Nhìn anh cắm cúi lao động với đôi tay đầy dầu nhớt, bao ký ức đẹp về anh thợ sửa xe với danh hiệu Cờ-lê Vàng trong tôi lại ùa về. Biết đến nghề sửa xe gắn máy từ năm 15 tuổi nhưng chỉ theo kinh nghiệm truyền nghề của người đi trước, anh Tồn không giành được thành công sau nhiều lần tham gia cuộc thi Cùng BP Vistra chinh phục Cờ-lê Vàng từ năm 2008 đến 2010. Vậy mà, chỉ sau lớp đào tạo nghề theo Đề án 1956 (thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg về Phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 - gọi tắt là Đề án 1956) do Đoàn Thanh niên phường Ba Láng phối hợp tổ chức vào tháng 5-2011, anh Tồn tự tin đi thi và xuất sắc đạt danh hiệu Cờ-lê Vàng năm 2011 (khu vực phía Nam) với giải thưởng 30 triệu đồng. Giải thưởng đã giúp anh gầy dựng thêm niềm tin với khách hàng, từ đó tiệm sửa xe ngày càng ăn nên làm ra. Anh Tồn chia sẻ: "Lớp đào tạo nghề chỉ gói gọn trong 3 tháng nhưng với sự chỉ dạy tận tình của thầy giáo đến từ Trung tâm Dạy nghề Tây Đô, đã đem lại cho tôi rất nhiều kiến thức mới, hay và thiết thực. Tất cả những giáo trình từ lớp đào tạo nghề này đến nay tôi vẫn giữ, đồng thời tái hiện lại các mô hình hoạt động của động cơ xe máy, mô hình hệ thống phun xăng điện tử như lớp đào tạo nghề đã áp dụng để thường xuyên nghiên cứu và dạy lại cho các thế hệ đàn em". Anh Tồn vui vẻ "bật mí", hiện nay anh đang thu nhận 7 học trò vừa học vừa làm tại tiệm sửa xe của anh. Trong đó, anh đang rèn tay nghề cho một thợ trẻ, chuẩn bị tham dự cuộc thi Cùng BP Vistra chinh phục Cờ- lê Vàng năm 2016.

Trong không khí làm việc ráo riết cho kịp đơn hàng xuất khẩu cuối năm, nhiều chị em công nhân từng là học viên lớp đào tạo nghề theo Đề án 1956 được Công ty TNHH may Phước Thới II, tọa lạc tại thị trấn Phong Điền tuyển vào làm hết sức phấn khởi, vì Tết này thu nhập sẽ khá hơn. Trong số các chị, có người trước đây chỉ là nội trợ hoặc phải tìm việc làm ở xa, nay được học nghề, tạo việc làm gần nhà với thu nhập ổn định, ai cũng vui. Ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Phong Điền, cho biết: "Nhờ UBND huyện quan tâm, tạo điều kiện thu hút đầu tư doanh nghiệp, qua đó giúp tạo việc làm cho những học viên các lớp may công nghiệp. Tính đến nay, Công ty TNHH may Phước Thới II đã tuyển dụng khoảng 70 lao động từ các lớp đào tạo nghề theo Đề án 1956, với mức lương từ 2,7 triệu đồng đến trên 3 triệu đồng/tháng".

Niềm vui được học nghề và sống được với nghề của anh Tồn và nhiều chị em công nhân ở Công ty TNHH may Phước Thới II cũng là niềm vui chung của các thành viên Hợp tác xã giống nông nghiệp và Câu lạc bộ hoa kiểng xã Trung An (huyện Cờ Đỏ). Qua lớp đào tạo nghề sản xuất lúa giống chất lượng cao, Hợp tác xã giống nông nghiệp Trung An áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào canh tác, nâng cấp lúa giống sản xuất từ cấp xác nhận lên cấp nguyên chủng. Nhiều thành viên tham dự lớp đào tạo nghề mạnh dạn mở rộng diện tích sản xuất lúa giống, giúp Hợp tác xã tăng sản lượng lúa hàng năm, đáp ứng nhu cầu sản xuất của bà con nông dân trong vùng. Từ chỗ chỉ cung ứng vài chục tấn lúa giống/năm, đến nay, Hợp tác xã cung ứng khoảng 140 tấn lúa giống đạt chuẩn/năm, giúp tăng thu nhập cho các thành viên sản xuất lúa giống. Còn với anh Đỗ Văn Đạt Lợi, ngụ ấp Thạnh Lợi 2, xã Trung An, qua lớp đào tạo nghề tạo dáng và chăm sóc cây cảnh được tổ chức vào năm 2014, giúp anh nhiều kiến thức bổ ích về cách lên chậu, tính tỷ lệ, lấy chi trên kiểng bon sai, vun đắp cho anh thêm niềm tin và tình yêu với nghề chăm sóc cây kiểng. Áp dụng kiến thức đã học cùng sự chia sẻ kinh nghiệm từ những người bạn trong nghề, anh Lợi tham gia sửa kiểng thuê cho khách và trực tiếp tạo dáng kiểng bon sai trên vườn kiểng nhà mình. Anh vui vẻ cho biết, Tết này anh đã tạo dáng thành phẩm 2 cây kiểng bon sai được khách trả giá cao. Ngoài ra, còn vài gốc kiểng khác sắp thành phẩm cũng có giá hàng chục triệu đồng. Với anh Lợi, được ngắm thành quả do chính tay nghề mình tạo ra là món quà đầu năm vô cùng quý giá.

Chung tay đào tạo nghề, giải quyết việc làm

Ngày 27-11-2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 1956). Đến ngày 24-11-2010, UBND TP Cần Thơ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 với mục tiêu dạy nghề cho khoảng 57.500 lao động. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố, cả hệ thống chính trị, xã hội được huy động triển khai thực hiện. Kết quả, 5 năm qua (2011-2015), thành phố tổ chức 686 lớp nghề sơ cấp và dưới 3 tháng, đào tạo 23.052 học viên, gồm: 149 lớp nghề thuộc nhóm nghề nông nghiệp; 537 lớp nghề thuộc phi nông nghiệp. Qua đó, xây dựng được 54 mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm thuộc 2 nhóm nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, với 1.755 lao động tham gia. Theo ông Hồ Thanh Hải, Quyền Trưởng phòng Quản lý đào tạo nghề Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Cần Thơ, một trong những thành công lớn mà công tác đào tạo nghề lao động nông thôn mang lại, là đem quyền lợi được học nghề đến nhiều đối tượng thụ hưởng, đặc biệt là người khuyết tật, dân tộc thiểu số, người bị thu hồi đất có hoàn cảnh khó khăn,... Bên cạnh đó, những lớp nghề phát huy hiệu quả vai trò "chiếc cần câu" giúp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, đóng góp vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Để đạt được những hiệu quả này, ngoài sự cố gắng vươn lên của người lao động tham gia học nghề, không thể không kể đến sự nỗ lực từ các cấp, các ngành, các hội, đoàn thể và nhiều đơn vị doanh nghiệp tham gia dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động.

Nhờ học nghề theo Đề án 1956, nhiều chị em ở huyện Phong Điền tìm được  việc làm ở Công ty TNHH May Phước Thới II, với thu nhập ổn định.   Ảnh: MỸ TÚ

Nổi bật trong các mô hình đào tạo nghề gắn giải quyết việc làm, với sự hỗ trợ của Hội LH Phụ nữ, có thể kể đến mô hình đan lục bình ở thị trấn Cờ Đỏ. Từ tổ đầu tiên được thành lập tại ấp Thới Hòa B, thị trấn Cờ Đỏ, với vài chục tổ viên, đến nay, tổ đã nhân rộng ra các xã lân cận như: Thới Xuân, Thới Hưng, Đông Thắng, Đông Hiệp, thu hút 155 lao động, đa phần là phụ nữ dân tộc Khmer, thu nhập bình quân từ 1,6-2 triệu đồng/tháng. Không chỉ dừng lại ở việc phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề, Hội LH Phụ nữ TP Cần Thơ còn tranh thủ nguồn kinh phí của Trung ương Hội, hỗ trợ 140 triệu đồng cho Tổ đan lục bình có vốn xoay vòng, chủ động mua nguyên liệu và chi trả tiền công cho tổ viên. Một trong những mô hình đạt hiệu quả giải quyết việc làm sau đào tạo nghề, với sự hỗ trợ của Hội Cựu chiến binh, chính là tổ hợp tác đan giỏ trồng hoa kiểng ở xã Tân Thới, huyện Phong Điền. Để nhân rộng mô hình, đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thu nhập cho người lao động, đầu tháng 8-2015, tổ vinh dự được đồng chí Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ vận động trao kinh phí mua thêm 2 máy vót nan với số tiền 20 triệu đồng... Bên cạnh đó, Cơ sở may gia công Cẩm Loan (ở quận Ô Môn), Công ty TNHH May Phước Thới (ở quận Ô Môn và huyện Phong Điền), ưu tiên nhận lao động là học viên các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trung tâm Dạy nghề Hội LH Phụ nữ quận Ninh Kiều luôn đảm bảo tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo nghề đạt 100%; Tập đoàn dệt may Việt Nam tham gia đào tạo nghề và ưu tiên tuyển dụng 1.500 công nhân là học viên vào làm việc tại nhà máy may ở huyện Vĩnh Thạnh từ tháng 2-2016... góp phần nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

***

Còn rất nhiều những mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm hiệu quả được các quận, huyện phát triển trên cơ sở triển khai Đề án 1956 trong 5 năm qua. Có thể nói, kết quả này đã góp phần tô điểm nên bức tranh kinh tế - xã hội với những gam màu tươi sáng, đầy hy vọng cho thành phố Cần Thơ năng động, sáng tạo, giàu tiềm năng phát triển. Tin rằng, với sự chung tay nỗ lực từ các cấp ngành, người lao động, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn tiếp theo sẽ gặt hái nhiều thành công hơn nữa, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, đưa thành phố phát triển xứng tầm đô thị trực thuộc Trung ương.

Chia sẻ bài viết