09/03/2022 - 12:50

Hành trình 15 năm của Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Cần Thơ 

Bài, ảnh: NGUYỄN MINH

Hôm 3-3 vừa qua, sân Bi sắt của Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia (HLTTQG) Cần Thơ sôi nổi với những cuộc tranh tài Giải Bi sắt truyền thống hữu nghị lần thứ 10 dành cho lãnh đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành ÐBSCL, do Trung tâm HLTTQG Cần Thơ tổ chức. Ngoài ý nghĩa tạo sân chơi giao lưu, giải đấu còn tạo sự gắn kết, hợp tác trong phát triển thể thao giữa các địa phương trong khu vực, với Trung tâm HLTTQG Cần Thơ là cầu nối.

Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm HLTTQG Cần Thơ  và các sở, trung tâm thể thao các tỉnh, thành ĐBSCL chụp hình nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Trung tâm HLTTQG Cần Thơ. 

Giải đấu năm nay có 48 VÐV được phân cặp ngẫu nhiên theo danh sách đăng ký của 10 đơn vị tham gia tranh tài. VÐV là cán bộ quản lý cấp phòng trở lên của các sở văn hóa, thể thao và du lịch, trung tâm thể dục thể thao (TDTT), trường năng khiếu thể thao… Các VÐV tranh tài 2 nội dung: bộ đôi và bộ ba. Dù thắng hay thua, kết quả thi đấu đều làm hài lòng những người tham gia, bởi điều đó không quan trọng bằng việc các thành viên có dịp thắt chặt tinh thần đoàn kết, cùng nhau trao đổi về hướng phát triển thể thao. Sự kiện năm nay càng ý nghĩa hơn khi diễn ra nhân dịp Trung tâm HLTTQG Cần Thơ tròn 15 tuổi.

Nhớ lại giai đoạn đầu thành lập, ông Trần Chí Quân, Giám đốc Trung tâm HLTTQG Cần Thơ, cho biết: Ngày 6-3-2007, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban TDTT đã ban hành Quyết định số 405/QÐ-UBTDTT thành lập Trung tâm HLTTQG Cần Thơ và chính thức đi vào hoạt động kể từ tháng 9-2007. Trong thời gian mới thành lập, Trung tâm đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức, thiếu cán bộ, thuê mướn văn phòng làm việc và cơ sở tập luyện. Lúc đó, trung tâm chỉ có 3 người. Qua 4 lần thi tuyển viên chức đến nay, trung tâm có 29 người trong đó có 23 viên chức và 6 hợp đồng. Từ khi trung tâm đi vào hoạt động, được sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện của lãnh đạo Ủy ban TDTT (nay là Tổng cục TDTT), trung tâm đã dần xây dựng ổn định bộ máy và kế hoạch hoạt động.

Trong những ngày đầu khó khăn, trung tâm đã linh động, liên kết chặt chẽ với các đơn vị, địa phương có truyền thống, thế mạnh và có điều kiện phù hợp để tổ chức tập huấn VÐV. Trải qua quá trình sàng lọc, trung tâm đã không còn đào tạo một số môn không hiệu quả và xác định tập trung vào những môn trọng điểm trong hệ thống Olympic. Hiện trung tâm quản lý 6 đội tuyển (Bơi, Canoeing, Cử tạ, Bóng chuyền bãi biển nam, Bóng chuyền bãi biển nữ, Ðiền kinh), 15 đội tuyển trẻ với 2 chuyên gia, 42 HLV, 191 VÐV.

Có thể nói, khó khăn lớn nhất của trung tâm chính là việc chưa có đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ các đội tuyển tập luyện. Tính đến thời điểm hiện tại, 2/5 đội tuyển mà trung tâm tiếp quản chỉ có 2 môn Cử tạ và Bóng chuyền bãi biển (nam và nữ) là đang tập luyện tại trung tâm. Còn các đội tuyển khác như Bơi, Xe đạp, Canoeing, Ðiền kinh đang phải tập huấn tại các cơ sở liên kết như Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang và Hải Phòng. Việc tập luyện rải rác khiến trung tâm không thực sự thuận lợi trong việc quản lý các đội tuyển.

Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng trải qua hơn 15 năm phát triển, trung tâm dần khẳng định là một trong những nơi cung cấp VÐV mạnh của cả nước (hằng năm có từ 20 đến 25 VÐV cho các đội tuyển quốc gia). Sắp tới, Trung tâm HLTTQG Cần Thơ sẽ triển khai giai đoạn 2, xây dựng hồ bơi trong nhà và mở rộng khuôn viên, tạo nền tảng phát triển hơn nữa, xứng đáng là cái nôi đào tạo VÐV của khu vực ÐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

Chia sẻ bài viết