07/02/2010 - 15:43

Việt Nam và thế giới chống biến đổi khí hậu

Hành động khẩn trương trước khi quá muộn

THANH TRÚC (Tổng hợp)

Biến đổi khí hậu đang trở thành thảm họa lớn nhất của nhân loại. Hàng chục triệu người đã và đang lâm vào cảnh đói nghèo, vô gia cư hoặc đối mặt với thiên tai, dịch bệnh nghiêm trọng. Con số này sẽ còn tăng cao hơn nếu thế giới không chung tay tìm kiếm những giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ con người và môi sinh.

Cuộc chiến toàn cầu

Biến đổi khí hậu gây lụt lội ở nhiều nơi trên thế giới. Ảnh: manenews 

Biến đổi khí hậu là sự thay đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thạch quyển do các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo. Thế nhưng, nghiên cứu khoa học cho thấy 90% nguyên nhân làm khí hậu thay đổi là do con người gây ra, thông qua việc gia tăng các hoạt động tạo ra khí CO2 cũng như việc khai thác quá mức các bể chứa khí nhà kính tự nhiên như rừng, hệ sinh thái biển và đất liền...

Báo cáo của LHQ cho biết biến đổi khí hậu tác động đến mọi mặt của đời sống, đe dọa cả sự tồn tại của Trái đất. Minh chứng rõ nét nhất là thiên tai xảy ra liên tiếp trong năm qua như động đất tại Indonesia, sóng thần ở quần đảo Samoa; bão Ketsana và bão Parma hoành hành tại Philippines, Việt Nam, Lào và Campuchia khiến hàng ngàn người thiệt mạng, hàng triệu người lâm vào cảnh tan nhà nát cửa và gây tổn thất lớn về vật chất. Các chuyên gia môi trường cảnh báo nếu nhiệt độ Trái đất tăng thêm từ 0,8oC hiện nay lên 2oC, các đảo quốc trên Thái Bình Dương sẽ bị diệt vong.

Nhận thức được những tác động của biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang hành động bằng những chính sách cụ thể với hy vọng giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, từ đó ngăn chặn những thảm họa liên quan đến tình trạng Trái đất ấm lên và nước biển dâng. Một trong những phương án tốt nhất đang được nhiều nước sử dụng là phát triển các nguồn năng lượng tái sinh từ nắng, gió, sóng biển... Một nguồn năng lượng không thải khí CO2 khác cũng đang thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, đó là điện hạt nhân. Dự kiến đến năm 2050, các nhà máy điện hạt nhân sẽ tạo ra 1 tỉ MW điện đồng thời giúp Trái đất cắt giảm từ 0,8-1,8 tỉ tấn CO2 mỗi năm.

Theo các chuyên gia, để nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2oC vào năm 2100 nhằm tránh thảm họa cho loài người, các nước công nghiệp phải cắt giảm 40% lượng khí CO2 từ nay đến năm 2020. Tuy nhiên, tại hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu diễn ra tại Copenhagen (Đan Mạch) hồi cuối năm qua, mục tiêu được chờ đợi sau hơn hai năm đàm phán này vẫn chưa được cụ thể hóa. Thay vào đó là những cam kết riêng lẻ không có tính ràng buộc pháp lý như việc Mỹ hứa cắt giảm 17%, EU 20%, Ấn Độ 20-25% và Trung Quốc 40-45% lượng khí thải vào năm 2020 so với năm 1990. Việc các nước phát triển đề xuất 30 tỉ USD viện trợ trong ba năm tới giúp các nước đang phát triển giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính và thiết lập dự án 2020 với 100 tỉ USD đối phó biến đổi khí hậu cho các nước nghèo cũng quá ít ỏi so với con số cần thiết ước tính khoảng 400 tỉ USD. Các chuyên gia LHQ cảnh báo với mức cắt giảm khí thải nhà kính như các nước cam kết, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng lên trung bình 30 C vào cuối thế kỷ này. Điều này có nghĩa, 170 triệu người sẽ phải chịu lũ lụt nghiêm trọng do nước biển dâng, hơn 550 triệu người đối mặt nguy cơ thiếu đói do hạn hán, thời tiết bất thường và 50% số loài sẽ tuyệt chủng.

Nỗ lực của Việt Nam

Trái đất đang nóng dần lên. Ảnh: linfield.edu 

Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng do Bộ Tài nguyên-Môi trường nước ta xây dựng, với sự tham vấn của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, khí hậu trên tất cả các vùng, miền Việt Nam sẽ có nhiều biến đổi. Vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ ở nước ta có thể tăng 2,3oC, mực nước biển có thể dâng thêm khoảng 75 cm so với trung bình giai đoạn 1980-1999. Với mức tăng này, Đồng bằng sông Cửu Long – khu vực chiếm 22% dân số cả nước và đóng góp 27% GDP quốc gia, có nguy cơ ngập 20% diện tích. Trong khi đó tại Cần Thơ - nơi được cho là an toàn nhất trước thiên tai ở Đồng bằng sông Cửu Long, Trung tâm quan trắc môi trường, Sở Tài nguyên-Môi trường thành phố cũng dự báo đỉnh triều cường sông Hậu tại Cần Thơ có thể cao thêm từ 0,8-1 m vào năm 2030 và cả thành phố sẽ ngập chìm trong nước.

Trước nguy cơ đó, bà Hoonae Kim, Giám đốc Chương trình phát triển bền vững của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết cơ quan này đang hỗ trợ 25 nghiên cứu chính ở Việt Nam về khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu ở các góc độ kinh tế, môi trường đô thị, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và phát triển nông thôn. Riêng đối với “vựa lúa” của cả nước, Ngân hàng Thế giới đang triển khai nhiều dự án nhằm giúp vùng này tăng cường khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu như Dự án Phát triển nông nghiệp tổng hợp ở Đồng bằng sông Cửu Long, Dự án Giảm nhẹ rủi ro thiên tai, Dự án Giao thông và Chống lũ lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long...

Ngoài ra, để đánh giá đầy đủ nguy cơ và tổn thất do hiện tượng Trái đất ấm lên gây ra tại Cần Thơ, Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ cũng đã tiến hành dự án nghiên cứu “Tác động của biến đổi khí hậu và đánh giá tính tổn thương cho thành phố Cần Thơ”. Đây là một phần trong chương trình Mạng lưới các thành phố châu Á (gồm Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và Indonesia) có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu (ACCCRN) do Quỹ Rockefeller (Mỹ) tài trợ. Mục tiêu của chương trình này là xây dựng các công cụ và biện pháp thực tế để ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nghèo và quản lý tốc độ đô thị hóa đang gia tăng.

Chúng ta đã thấy rõ biến đổi khí hậu đang đẩy “vựa lúa” của chúng ta tới nguy cơ giảm sản lượng, thậm chí mất trắng do thường xuyên bị lũ lụt, hạn hán, ngập mặn hoặc mất phù sa. Thảm họa đó, một khi xảy ra, không chỉ ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia mà còn tác động đến nguồn cung lương thực của thế giới. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của các ngành chức năng, bản thân mỗi người dân cũng cần nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường. Những việc làm dù nhỏ (ví dụ: hạn chế dùng bao ni-lông, ưu tiên sử dụng hàng hóa được sản xuất bằng công nghệ thải ít CO2) hay lớn hơn (như vận động mọi người bảo vệ rừng, tài nguyên đất, nguồn nước...) đều là động thái tích cực góp phần giúp giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu.

Chia sẻ bài viết