|
Bánh tét Trà Cuôn, đặc sản nổi tiếng của xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh).
Ảnh: CAO DƯƠNG |
Bước qua tháng Chạp, dân bạn hàng ở miền Tây rảo khắp miệt vườn hay tới dò la các xóm làng nghề đặt hàng mang lên các thành phố bán chợ Tết. Năm nay, hỏi thăm chuyện làm hàng Tết, họ cứ ậm ừ, vẻ thăm dò. Còn ở các làng nghề làm hàng đặc sản thì trông cậy vào việc đưa hàng về TP Hồ Chí Minh.
THĂM DÒ THỊ TRƯỜNG...
Xế trưa, chợ Mỹ Trà với địa thế trên bến dưới thuyền vừa mới xây rộng rãi, khang trang, vậy mà dân buôn bán chưa chịu vào nên vắng hoe. Nằm phía dưới bến sông, vài ghe hàng bông lên hàng trái cây. Dân bạn hàng nói xây chợ mà không tính trước nên nằm lỡ cỡ, lưng chừng giữa hai chợ TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) và chợ Mỹ Tho, bởi vậy ít ai chịu về “đóng đô” buôn bán. Anh Tư Thành, dân lái ghe hàng bông miệt Cầu Kè (Trà Vinh) chở gần chục tấn trái cây chọn bến chợ Mỹ Trà đưa hàng về bán ở chợ Cao Lãnh và các chợ nhỏ trong vùng. Anh nói: “Chợ này vắng nên không bán lẻ được, nhưng do tiện đường bộ lẫn dưới sông nên tôi mới ghé vào. Sau chuyến hàng này quay về lo làm hàng Tết. Lúc đó, chở hàng cơi, hàng tuyển lựa bán chợ Tết ở TP Hồ Chí Minh hay ra Hà Nội, hoặc chở trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc từ các chợ đầu mối lớn ở Mỹ Hiệp (Đồng Tháp) hay An Hữu, Cái Bè (Tiền Giang)”.
Hàng chục cần xé chất trái cây đầy ắp, nào là sapô căng da to tròn, bưởi Năm Roi, quít đường Lai Vung, quít hồng (Đồng Tháp), vú sữa Trà Vinh... nhà vườn đã đưa hàng ra chợ. Hàng trái cây tươi rói ngon lành nhưng giá rẻ. Hỏi sao vậy, anh Tư Thành cười gượng: “Coi ngon vậy chớ ít mối bán. Thời tiết thất thường, nhà vườn o bế tới có trái cực khổ mà bán ra giá chỉ bằng năm ngoái. Sapô loại 1 giá 3.000-4.000đ/kg, quít đường 10.000-13.000đ/kg...Tôi đang dò xem chợ Tết năm nay sẽ ăn hàng mạnh yếu ra sao, rồi mới dám về đặt hàng nhà vườn. Nhưng chợ cuối năm nay khó đoán quá. Mùa Tết Trung thu vừa rồi thấy dân ít mua bánh ăn nhiều như mọi năm. Bởi vậy mấy ghe lái hàng bông trái cây bán Tết tới lúc này chưa ai dám bạo gan đặt tiền cọc trước với nhà vườn”.
Về vùng trồng hoa Tân Qui Đông, thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp), hàng hoa kiểng hồng, cúc, sứ Thái Lan... đang đón gió giăng giăng đầy giàn. Trưa đứng bóng nắng gắt, anh Nguyễn Văn Thống, Giám đốc Công ty hoa kiểng Út Thống, ngồi quán cà phê tránh nắng, tính toán: “Tết này đất làng hoa Tân Qui Đông bị thu hẹp 52ha, vì nhường đất cho khu công nghiệp. Mất bớt đất, hoa Tết bị ảnh hưởng giảm đôi chút, nhưng bà con biết trước đã chạy dạt ra ngoài mấy xã lân cận thuê đất trồng hoa. Chúng tôi năm nào cũng đổ hàng bán dài từ Nam ra Bắc. Nhưng chỉ ở những thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và ra Hà Nội. Theo như Tết mấy năm qua, tôi thấy dân Hà Nội rất sành chơi hoa kiểng, không ngại đắt tiền. Mấy thứ hoa Tết như mào gà, vạn thọ thì nơi nào trồng cũng được chớ nên mang đi mà ôm hàng về. Hàng ra miền ngoài phải độc chiêu như mai vàng, cúc hay những loài kiểng quí. Độ chừng sắp đưa ông Táo là tôi và nhiều chủ trồng hoa kiểng ở các xã lân cận khác sẽ đưa hàng lên đường, ra mùng sau Tết mới về. Tuy nhiên, năm nay chưa biết trước sức mua sẽ như thế nào...”.
TUYỂN HÀNG ĐẶC SẢN
Một chuyển động khác từ các làng nghề trông có vẻ xôm tụ ở miền Tây là lo làm hàng đặc sản bán cho dân nhà khá giả thành đạt. Hàng đặc sản phải đáp ứng yêu cầu hương vị tự nhiên, qui trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phải có nhãn hiệu hàng hóa đàng hoàng. Ở miền Tây tuy còn nhiều lò bánh tét nhưng ít mấy nơi có nhãn hàng tin cậy. Bởi thế, chỉ một vài cơ sở nâng cao được giá trị sản phẩm hàng bán ra nhờ có thương hiệu. Trong số đó, lo nhất hiện thời là mấy lò bánh tét có thương hiệu như bánh tét Chín Cẩm ở TP Cần Thơ hay bánh Tét Trà Cuôn nổi tiếng ở Trà Vinh. Năm nay, “Bánh Tét IX Cẩm” nhờ có thêm lợi thế sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu độc quyền nên đã xây lò nâng năng lực sản xuất lên gấp đôi, theo dự kiến từ 21 tháng Chạp lò bánh Chín Cẩm sẽ đưa 5.000 đòn bánh tét theo đặt hàng gói bằng dây lác (chứ không dùng dây nylon) về khu Hội chợ đặc sản Phú Mỹ Hưng (TP Hồ Chí Minh).
Nếu như bánh tét lá cẩm có màu nếp chín tím nhạt hấp dẫn thì bánh tét Trà Cuôn dùng loại nếp sáp thơm dẻo, nấu chín với màu nếp xanh nhạt của nước lá bò ngót đặc trưng trứ danh ở Trà Vinh cũng đưa hàng về hội chợ này. Chị Loan, chủ lò bánh Hải Lý, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) cho biết sẽ không ngại đầu tư máy hút chân không để bảo quản vệ sinh an toàn cho sản phẩm.
Ở Tiền Giang, nguồn hàng đặc sản miền Tây mạnh nhất về sản lượng và khả năng cung ứng là trái cây. Ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Vú sữa Lò Rèn, cho biết còn đang mùa vú sữa nên các xã viên đã chuẩn bị khoảng 400 tấn hàng bán Tết ở thành phố. Còn ở các HTX xoài Hòa Lộc, HTX Thanh Long Chợ Gạo, Công ty cổ phần Gentraco... đều chuẩn bị hàng sẵn sàng. Tuy nhiên, hàng bán ở hội chợ khu Phú Mỹ Hưng không thể có hàng sa cạ, trùng lắp nhau. Sóc Trăng có củ hành tím, nay có thêm gạo ST đỏ ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Gạo đỏ được siêu thị đặt hàng 1.500 gói (2kg/gói) vì là độc chiêu dành để tiêu dùng như một loại thực phẩm chức năng. Trong khi đó, ở Châu Đốc (An Giang), chủ một cơ sở chế biến mắm, khô có tiếng dự tính trước: Tết nhứt tới thịt cá không thiếu nên mắm khô sẽ là thực phẩm ngon miệng, ít ngán. Vì thế từ hồi đón mùa cá trong năm cách đây 6-7 tháng là phải lo dự trù để làm đủ lượng hàng kịp bán trong tháng Chạp này.
Ông Lê Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành (Đồng Tháp), là người sốt sắng lo bán hàng Tết cho nông dân. Ông cho rằng, lợi thế của mấy nhà vườn Cái Tàu-Nha Mân (Đồng Tháp) là cam sành, nhãn Edo, nhãn xuồng cơm vàng, ổi không hạt... Phải làm sao đưa những mặt hàng này vô siêu thị và nhất là bán chợ Tết. Huyện Châu Thành còn hàng chục ngàn héc-ta nông dân đang làm lúa nay đang nhắm nối kết với DN. Bên cạnh việc tổ chức sản xuất, làm thế nào tìm cách hỗ trợ nông dân bán hàng, làm hàng theo nhu cầu thị trường. Như vừa qua nông dân huyện Châu Thành ký hợp tác với Công ty Gentraco sản xuất 6.000ha lúa chất lượng cao trong vụ đông xuân này. Còn trái cây bán mùa Tết này, ông Nghiệp cho biết cách làm là sẽ bàn với các xã lựa ra những HTX mạnh nhất để tính toán khả năng cung ứng lượng hàng có chất lượng tốt, thử nghiệm trước tiên là đưa về Hội chợ đặc sản Phú Mỹ Hưng bán Tết năm nay.
HỮU ĐỨC