TRÍ VĂN
Chính quyền thủ đô Seoul vừa tổ chức lễ hội ẩm thực mang tên “Hương vị Seoul”. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát thì đây là sự kiện ẩm thực với quy mô toàn thành phố đầu tiên được Hàn Quốc tổ chức nhằm mục đích “làm sống lại” mối quan tâm của người dân địa phương và toàn cầu đối với văn hóa ẩm thực xứ kim chi.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong, “Hương vị Seoul” được tổ chức nhằm quảng bá “sự đa dạng và khác biệt của văn hóa ẩm thực Seoul”. Ðể làm nổi bật văn hóa đồ ăn và thức uống Hàn Quốc, các nhà hàng đạt Michelin, giải thưởng danh giá trong làng ẩm thực thế giới, đã tổ chức các sự kiện song song, gồm Tuần lễ Nhà hàng Seoul, Khu chợ ẩm thực Seoul, Rạp chiếu phim ẩm thực Seoul và Lớp học Seoul Sool.

Một món ăn truyền thống được trưng bày tại lễ hội ẩm thực “Hương vị Seoul”. Ảnh: SCMP
Choi Kyeng-ju, giám đốc Sở Du lịch và Thể thao Seoul cho biết: “Chính quyền Seoul đang tìm cách khám phá sự khác biệt độc đáo của thành phố trong ẩm thực và quảng bá sự khác biệt đó ở cả trong và ngoài nước. Chúng tôi muốn trở thành một thành phố dành cho thực khách toàn cầu và không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh về du lịch ẩm thực”.
Sự kiện ẩm thực nói trên có thể được coi là một phần của kế hoạch phô trương sức mạnh mềm của Hàn Quốc trong bối cảnh quốc gia Ðông Á này tìm cách thúc đẩy sự phổ biến của K-pop, K-cinema, K-drama và giờ đây là K-food. Theo Choi Jung-yoon, bếp trưởng trung tâm nghiên cứu ẩm thực lên men Sempio, trong thập niên qua, ẩm thực cao cấp của Hàn Quốc đã gia tăng sự phổ biến trong và ngoài Seoul. Bà Choi cho hay, nền ẩm thực hiện đại của Hàn Quốc thành công rực rỡ chính là nhờ những đầu bếp lành nghề, gồm những đầu bếp tại các nhà hàng đạt giải thưởng Michelin. “Các đầu bếp như Kang Min-goo hay Yim Jung-sik đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành công nghiệp ẩm thực cao cấp của Hàn Quốc ở Seoul” - bà Choi nói về các đầu bếp đứng sau sự thành công của 2 nhà hàng đạt giải thưởng Michelin là Mingles và Jungsik.
Theo bà Choi, ngành công nghiệp ẩm thực cao cấp ở Seoul thiên về “sự trẻ trung và năng động”, tập trung vào các món ăn truyền thống cũng như món omakase Hàn Quốc. “Các đầu bếp trẻ tuổi của Hàn Quốc ngày càng trở nên quan tâm đến tính chân thực của ẩm thực truyền thống. Họ cũng đang khám phá ngành ẩm thực chay cũng như các kỹ thuật lên men” - bà Choi cho biết thêm.
Cho Eun-hee, bếp trưởng nhà hàng truyền thống đạt giải thưởng Michelin Onjium, cũng đồng ý như vậy. Người có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ẩm thực truyền thống của Hàn Quốc này cho hay hiện vẫn còn rất ít món ăn truyền thống của Hàn Quốc ở Seoul nhưng bà tin rằng con số đó sẽ tăng nhanh nhờ sự quan tâm và yêu thích món ăn truyền thống từ giới trẻ. “Tôi nghĩ rằng tầng lớp trẻ đang đón nhận các món ăn truyền thống của Hàn Quốc. Ðối với họ, nó là một cái gì đó mới và lạ và vì vậy nó sẽ trở nên hợp thời” - bà Cho nhận định.
Ðược biết, Onjium là một trong 7 nhà hàng giành chiến thắng ở hạng mục ẩm thực Hàn Quốc trong lễ hội ẩm thực “Hương vị Seoul”. Cách đây 9 năm, cô Cho đã mở phòng ăn Onjium, chuyên phục vụ các món ăn truyền thống của Hàn Quốc và dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu và chia sẻ di sản văn hóa Hàn Quốc. Cho và đầu bếp Park Sung-bae đã đi khắp nước trong 2 năm trước khi Onjium được ra mắt để nghiên cứu chuyên sâu các món ăn Hàn Quốc. Ðến năm 2018, Onjium được mở rộng thành studio ẩm thực có thể chứa 25 người và đang dần trở thành một phần của tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận nhằm bảo tồn các truyền thống của Hàn Quốc.
Nhờ sự quan tâm đối với ẩm thực thuần chay ngày càng gia tăng, các món ăn chay truyền thống của Hàn Quốc cũng đang ngày càng trở nên phổ biến. Park Ju-eun, cựu bếp trưởng của nhà hàng Hansikgonggan, cho hay văn hóa ăn chay của Hàn Quốc đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới nhờ sự nổi tiếng ngày càng tăng của Jeong Kwan, một nữ tu Phật giáo dòng Seon và là đầu bếp ẩm thực Hàn Quốc.