07/10/2011 - 09:55

Hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão, lũ gây ra

* KIÊN GIANG-AN GIANG: Lũ nhấn chìm hàng trăm ha lúa và hoa màu

(CT)- Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ cho biết: Từ đầu mùa mưa đến nay, có 5 trường hợp trẻ em bị chết đuối. Hiện nay, tình hình mưa bão đang diễn biến phức tạp, nguy cơ này càng cao, do đó người dân cần cẩn trọng, quan sát và giữ trẻ tránh để xảy ra các trường hợp đáng tiếc. Biện pháp tốt nhất là gởi trẻ đến các điểm giữ trẻ mùa lũ. Toàn thành phố hiện có 39 điểm giữ trẻ mùa lũ với 720 cháu, được phân bổ ở nhiều nơi, tập trung nhiều ở khu vực bị ảnh hưởng lũ lụt và nông thôn.

Nhiều ngôi nhà huyện Giang Thành ngập sâu trong lũ. Ảnh: LÊ SEN

Hiện nay, nhiều khu vực dân cư trên toàn thành phố bị ngập sâu, nhất là vào các đợt triều cường, mưa lớn kéo dài. Nhiều hộ phải di dời đến nơi ở tạm. Nước lũ dâng cao, nguy cơ sạt lở bờ sông, lún nứt diễn ra nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân. Trước tình hình đó, các địa phương tích cực vận động người dân di dời đến nơi ở an toàn, tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người do sạt lở.

* Tại vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc địa bàn tỉnh Kiên Giang, nước lũ đang lên nhanh, có nơi lên cao tính từ chân ruộng 2,4 m đã nhấn chìm hàng trăm ha lúa thu đông, hoa màu, không thể cứu được. Ước tổng thiệt hại cho đến thời điểm này ở các huyện vùng Tứ giác Long Xuyên là gần 100 tỉ đồng.

Tại huyện Hòn Đất, với 3.720 ha lúa thu đông được gieo sạ, tập trung chủ yếu ở phía Bắc quốc lộ 80, do mưa lũ nên nông dân phải gặt lúa non hơn 1.500 ha, năng suất thấp; đã có 397 ha bị mất trắng. Hiện toàn huyện còn 1.240 ha trong vùng có đê bao, các trà lúa đang phát triển tốt. Nếu mực nước lũ lên thêm khoảng 50-60 cm nữa, nông dân sẽ phải gặt lúa non, thiệt hại có thể lên đến 1.000 ha. Trong khi đó, huyện Kiên Lương đã có 152 ha lúa hè thu muộn và 406 ha lúa thu đông đang bị nước lũ đe dọa. Đối phó với lũ, lực lượng bộ đội, dân quân hỗ trợ gặt 12 ha lúa hè thu thu hoạch muộn của 2 hộ nông dân. Đối với 140 ha lúa hè thu có đê bao nhưng còn yếu, bên trong lúa bắt đầu đang trổ đòng, trước mắt các chủ hộ chủ động dùng máy gặt đập liên hợp thu hoạch 100 ha.

Nằm trong vùng ngập sâu và ngay đầu nguồn lũ, huyện vùng biên giới Giang Thành đã có kế hoạch chủ động phòng, chống từ rất sớm. Huyện phối hợp Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 30 (Sư đoàn 4), Đại đội Bộ binh huyện Giang Thành, các đồn Biên phòng đóng trên địa bàn huy động gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ giúp dân đắp bờ bao đê, bơm tát, vận chuyển, thu gom hàng chục tấn lúa... Tuy 2 đập Tha La và Trà Sư đã được tỉnh An Giang đóng lại từ ngày 30-9, nhưng nước lũ vẫn tiếp tục lên do nước lũ thượng nguồn từ Campuchia tràn sang cùng với mưa, đã làm “mất trắng” 237,5 ha lúa thu đông trong tổng số 5.056,6 ha bị ngập; 306 ha hoa màu bị thiệt hại; 786 căn nhà cùng 50,270 km đường nông thôn, 950 đường vào khu hành chính huyện và nhiều vườn cây ăn trái, ao nuôi của người dân bị ngập.

Do lũ lớn, trên địa bàn tỉnh đã có 4 người chết, trong đó tại huyện Giang Thành có 2 người, huyện Hòn Đất 2 người. Thương tâm nhất là trường hợp hai chị em Mai Thị Kiều Oanh (4 tuổi) và Mai Thị Thanh Kiều (2 tuổi) ngụ tổ 5, ấp Phước Thái, xã Mỹ Phước (Hòn Đất) dắt nhau ra bờ kênh cách nhà khoảng 60 m chơi. Cháu Kiều bị sảy chân rơi xuống nước, cháu Oanh nhảy theo em và nước lũ chảy xiết đã cuốn trôi cả hai.

* Ở An Giang - địa phương đầu nguồn lũ, hiện nước lũ đang đổ mạnh về khu vực Tứ giác Long Xuyên bao gồm các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn và vùng hạ lưu Long Xuyên, Chợ Mới. Đáng lo ngại là mực nước đang ở mức cao: tại Núi Sập (Thoại Sơn) là 2,12 mét; Long Xuyên 2,47 mét; Lò gạch (Tri Tôn) 2,57 mét; Chợ Mới 3,29 mét..., cao hơn so đỉnh lũ năm 2000 từ 0,6 mét đến trên 0,9 mét.

Nước lũ đã đe dọa khoảng 70 ha vụ thu đông mới của thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên. Tại tiểu vùng Kênh cấp 3 và 4 xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn), mực nước chỉ còn cách mặt đê khoảng 0,2 - 0, 3 mét, đe dọa 120 ha lúa 75 ngày tuổi. Chính quyền địa phương đang huy động lực lượng quân đội và người dân áp dụng các biện pháp chống tràn trên đoạn đê dài khoảng 4,4 km. Tại tuyến đê Tây Kênh Nhà Lầu xã Bình Hòa (huyện Châu Thành), do đê yếu, bị thấm và rò rỉ trên 1 km, lực lượng Sư đoàn 330 và Lữ 6 Pháo Binh (Quân khu 9) tập trung khẩn trương gia cố suốt đêm để bảo vệ cho tuyến đê không bị vỡ. Ngoài ra tại các huyện đầu nguồn An Phú, Tân Châu và các huyện Chợ Mới, Long Xuyên nước vẫn còn duy trì ở mức cao. Nước lũ còn làm sạt lở 22.743m2 đất bờ sông; các tuyến giao thông nội tỉnh ngập sâu từ 0,3 mét đến 1,5 mét, khiến toàn tỉnh có 54 điểm trường với 6.554 học sinh phải đi học bằng xuồng, ghe; 1.364 học sinh phải tạm nghỉ học, 662 ao cá bị ngập..., tăng gấp 2 lần so với ngày 4-10.

DU MIÊN- NHÓM PV (TTXVN)

Chia sẻ bài viết