04/03/2024 - 17:11

Hải quân Mỹ chạy đua năng lực đóng tàu với Trung Quốc 

Nhằm bắt kịp tốc độ đóng tàu của Trung Quốc và chuẩn bị cho viễn cảnh xung đột, Mỹ đang kêu gọi đầu tư từ các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc để mở lại các xưởng trong nước đã đóng cửa hoặc không còn hoạt động.

Bộ trưởng Del Toro đến thăm xưởng đóng tàu của Hanwha Ocean trên đảo Geoje của Hàn Quốc. Ảnh: Hanwha

Tuần rồi, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Carlos Del Toro đã đến thăm các xưởng đóng tàu trực thuộc tập đoàn HD Hyundai cùng Hanwha Ocean của Hàn Quốc. Mục tiêu là khám phá năng lực đóng tàu quân sự của quốc gia Đông Bắc Á, từ đó tính toán khả năng thiết lập dịch vụ hỗ trợ toàn diện cho các hạm đội, đảm bảo tăng cường sự hiện diện của Hải quân Mỹ tại châu Á. Bộ trưởng Del Toro sau đó đến thăm nhà máy tương tự của Tập đoàn Công nghiệp nặng Nhật Bản Mitsubishi ở Yokohama. Theo Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanue, ngoài kiểm tra tiến trình sửa chữa tàu tiếp dầu USNS Big Horn, chuyến thăm còn đánh giá sự quan tâm của công ty Nhật Bản đối với lời kêu gọi đầu tư vào nhà máy Mỹ đã đóng cửa và hợp tác trong các dự án đóng tàu hải quân, cảnh sát biển và thương mại.

Tuyên bố trên cho thấy Mỹ đang “thăm dò” việc thay đổi các quy định pháp lý liên quan việc đóng và sửa chữa tàu chiến, giới quan sát nhận định. Theo luật hiện nay, Washington cấm tàu của hải quân tiến hành đại tu, sửa chữa hoặc bảo trì toàn diện tại xưởng bên ngoài nước Mỹ. Ngay cả việc đóng mới hoặc mua tàu chiến từ đồng minh cũng bị chặn vì lý do bảo vệ ngành công nghiệp nội địa và lo ngại rò rỉ bí mật công nghệ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc Washington suy nghĩ lại luật này nếu muốn tiếp tục chiếm ưu thế trên biển. Hiện tàu của Hải quân Mỹ được đóng bởi 7 nhà thầu tư nhân, trong đó có 2 công ty đa quốc gia là Fincantieri Marinette Marine của Ý và Austal USA của Úc. Các nhà phân tích coi đây là tiền lệ để những công ty châu Á cân nhắc nếu muốn gia nhập.

Đối với ý kiến này, Đại sứ Emanuel rất ủng hộ việc sử dụng các xưởng đóng tàu tư nhân của Nhật Bản để tiến hành bảo trì, sửa chữa và đại tu tàu chiến Mỹ. Kế hoạch ban đầu có thể áp dụng với tàu được triển khai tới đây, sau sẽ cân nhắc mở rộng sang các tàu tại Mỹ. Như vậy nó vừa giúp tiết kiệm thời gian di chuyển, vừa giảm bớt áp lực cho các nhà máy trên đất Mỹ. Về đề xuất khôi phục các nhà máy đóng tàu ở Mỹ bằng nguồn đầu tư quốc tế, giới chuyên môn nói rằng kế hoạch có thể thực hiện nhanh hơn do không vướng yêu cầu pháp lý. Trong những tuần tới, Bộ trưởng Del Toro cho biết sẽ gặp và thảo luận thêm vấn đề này với các lãnh đạo doanh nghiệp Hàn Quốc tại Lầu Năm Góc.

Việc Mỹ nâng cao năng lực đóng tàu được chú ý khi nước này bị cho không đuổi kịp tốc độ mở rộng đội tàu liên tục của Trung Quốc. Với vị thế dẫn đầu ngành công nghiệp đóng tàu trên toàn cầu, Trung Quốc dự kiến mở rộng lực lượng chiến đấu gồm hơn 370 tàu mặt nước và tàu ngầm hiện nay lên 400 chiếc vào năm 2025 và 440 chiếc vào năm 2030. Trong khi đó, quy mô hiện tại của Hải quân Mỹ chỉ dưới 300 tàu và có thể nâng lên khoảng 380 chiếc nhưng tốc độ chậm hơn nhiều. Trước đây, Mỹ có 13 xưởng đóng tàu hải quân nhưng 9 trong số đó hiện không còn hoạt động. Một số cơ sở còn chuyển thành công viên quốc gia, bến container hoặc trạm không quân hải quân. Kể cả những xưởng còn hoạt động cũng đang đối mặt nhiều vấn đề, đặc biệt là thiếu nhân công do khó cạnh tranh về lương so với các ngành công nghiệp khác.

So với Trung Quốc, một trong những lợi thế lớn nhất của Mỹ hiện nay là khả năng xây dựng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, các cơ sở chế tạo tàu ngầm hiện chỉ có thể sản xuất với tốc độ khoảng 1,2 đến 1,3 chiếc mỗi năm so với yêu cầu 2 chiếc/năm. Tương tự, tốc độ sản xuất tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke chỉ đạt 1,5 đến 2 tàu/năm trong khi yêu cầu phải ít nhất 2 chiếc/năm. Vì vậy, đối với ý tưởng bắt tay với các đồng minh có thế mạnh như Hàn Quốc và Nhật Bản, giới phân tích tin mối quan hệ hợp tác này có thể thúc đẩy nỗ lực cải thiện năng lực đóng tàu và giải quyết vấn đề cố hữu của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết