23/07/2020 - 08:26

Hài hòa lợi ích, phù hợp quy định pháp luật 

Từ đầu năm đến nay, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt đạt kết quả khá cao, hòa giải thành 12/13 vụ việc. Riêng ở Tổ hòa giải khu vực Qui Thạnh 2, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt hòa giải thành đạt 100%. Qua đó, giúp người dân trong khu vực giải quyết mâu thuẫn, hàn gắn tình nghĩa xóm làng, góp phần bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương…

Ông Nguyễn Công Điền, Tổ trưởng Tổ hòa giải khu vực Qui Thạnh 2 (bìa phải) trao đổi vụ việc với cán bộ Tư pháp phường.

Tổ hòa giải khu vực Qui Thạnh 2 có 6 thành viên hoạt động thường xuyên. Từ đầu năm đến nay, Tổ đã nhận và hòa giải thành cả 3 vụ việc khiếu nại tranh chấp liên quan đến hợp đồng thuê đất, cầm cố đất đai, vấn đề nước thải.

Bà Nguyễn Thị Hoa Sen, ngụ khu vực Qui Thạnh 2, chia sẻ: “Tôi có đất cho thuê mở quán bán nước giải khát với thời gian thuê là 5 năm. Sau khi cho thuê được 3 năm, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn nên muốn bán phần đất đang cho thuê để giải quyết khó khăn. Tuy nhiên, giữa tôi và bên thuê thương lượng không thành nên phát sinh tranh chấp. Bên thuê yêu cầu ra tòa án để giải quyết. Nếu vậy, sẽ mất thời gian và tốn chi phí đi lại, án phí... Ðược các thành viên trong Tổ hòa giải đứng ra giải quyết, chỉ trong vòng 2 tuần, tôi và bên thuê đã thỏa thuận xong. Bên thuê chấp nhận cho tôi trả dần phần tiền thuê còn lại cũng như tôi phải trả lại bên thuê khoản phí xây dựng. Nhờ vậy, hai bên không còn mâu thuẫn, vụ việc cũng đã được giải quyết êm thắm”. 

Theo các thành viên Tổ hòa giải, khi giải quyết tranh chấp tại địa phương, tập thể Tổ phải thực hiện nhanh chóng, nhằm hạn chế thiệt hại của các bên. Chẳng hạn, vụ việc một hộ nuôi cá ở khu vực xả nước ra kênh công cộng,  nước chảy nhiều gây lở đất của hộ dân gần đó. Sau khi nhận được đơn khiếu nại, Tổ hòa giải đã mời hai bên đến Nhà thông tin khu vực để hòa giải. Tại đây, Tổ đưa ra hướng giải quyết là bên xả nước phải tiến hành đặt cống đúng quy định, không làm ảnh hưởng đến đất của hộ dân khác; về phần lở đất, thương lượng hỗ trợ thiệt hại 2 triệu đồng. Kết quả, hai bên đã thống nhất. Vụ việc không phức tạp nhưng phải giải quyết ngay vì hộ xả nước đang nuôi cá, nếu kéo dài thời gian giải quyết, sẽ thiệt hại lớn cho chủ nuôi bởi không thể thải nước ra được. 

Ông Nguyễn Công Ðiền, Tổ trưởng Tổ hòa giải, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu vực Qui Thạnh 2, cho biết: “Trong quá trình giải quyết vụ việc, chúng tôi thực hiện theo quy trình nhất định. Trước hết là nhận đơn, rồi cử cán bộ trong Tổ xác minh vụ việc. Vụ việc được xác minh một cách khách quan, tìm hiểu tất cả các bên (người khiếu nại, người bị khiếu nại, những người có quyền và lợi ích liên quan, các hộ dân lân cận) để nắm rõ nội tình, đặc biệt là những vụ việc liên quan đến đất đai. Sau đó, Tổ sẽ tiến hành tổng hợp ý kiến xác minh. Các thành viên cùng trao đổi với nhau về tình tiết vụ việc, đưa ra phương án hòa giải hợp lý. Khi có phương án hòa giải, Tổ hòa giải sẽ mời các bên và một số người thân của các bên (những người có tiếng nói trong gia đình, dòng họ) cùng dự buổi giải quyết tranh chấp để có cái nhìn khách quan về vụ việc. Quan trọng là việc sắp xếp buổi hòa giải cho phù hợp để những người tham gia có cảm giác thoải mái, không nặng nề phán xét và mục đích chính là hóa giải mâu thuẫn”.

Khu vực Qui Thạnh 2 có diện tích rộng (địa bàn rộng nhất trong 5 khu vực của phường), dân số cũng đông nhất, trên 7.000 khẩu, nên quá trình hòa giải phải đi lại xa; các thành viên trong Tổ hòa giải thường xuyên thay đổi do nghỉ việc, chuyển đổi vị trí công tác nên việc tìm hiểu, nắm bắt các quy định pháp luật, tiếp xúc địa bàn còn hạn chế. Kinh phí hỗ trợ cho Tổ hòa giải còn ít (1 cuộc hòa giải thành được 200.000 đồng). Mặc dù vậy, các thành viên vẫn nhiệt tình tham gia chủ yếu vì mong muốn xóm làng yên bình, gắn kết là chính. Ông Nguyễn Văn Thảo, Cán bộ Tư pháp UBND phường Trung Kiên, cho biết: “Công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn phường đạt kết quả cao, phần lớn nhờ vào nỗ lực của thành viên các Tổ hòa giải không ngại khó trong công việc. Ða số các Tổ trưởng Tổ hòa giải ở các khu vực đều tốt nghiệp cử nhân luật, trung cấp luật nên kiến thức pháp luật khá tốt, việc tiếp cận các văn bản pháp luật cũng dễ dàng hơn. Phường thường xuyên kết hợp, trao đổi với các Tổ hòa giải về những vụ việc khó, vướng mắc để việc hòa giải vừa hài hòa lợi ích các bên, vừa đảm bảo đúng quy định pháp luật”.

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

Chia sẻ bài viết