05/11/2012 - 21:23

XÂY ĐẬP THỦY ĐIỆN TRÊN SÔNG MEKONG

Hạ nguồn lo thiếu nước

Nếu các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong được xây dựng, ĐBSCL có nguy cơ thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Trong ảnh: Nuôi cá bè trên sông Hậu.

Theo các nhà khoa học, khi các đập thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mekong được thi công và đưa vào vận hành, các quốc gia trong lưu vực sông, đặc biệt là vùng ĐBSCL của Việt Nam phải gánh chịu nhiều tổn thất. Vì vậy, việc nghiên cứu, đánh giá tác động của các bậc thang thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mekong đến dòng chảy, môi trường, kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL và đề xuất giải pháp giảm thiểu bất lợi đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của các địa phương trong vùng.

Xây đập thủy điện: Được và mất

Theo kết quả nghiên cứu "Đánh giá môi trường chiến lược về thủy điện dòng chính sông Mekong" của Trung tâm Quốc tế về quản lý môi trường (ICEM) – Úc, các đập thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mekong đem lại lợi ích kinh tế rất quan trọng cho ngành năng lượng của các quốc gia trong lưu vực. 70% lợi ích đó thuộc về Lào với doanh thu từ xuất khẩu thủy điện 2,6 tỉ USD/năm; Campuchia nhận được 30% lợi ích, tương đương 1,2 tỉ USD/năm. Nếu được quản lý đúng đắn, nguồn thu quốc gia từ thủy điện dòng chính hạ lưu sông Mekong có thể đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế của các nước sở tại. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, những công trình thủy điện dòng chính hạ lưu sông Mekong không có ý nghĩa quyết định cho việc đảm bảo tăng trưởng cho ngành năng lượng của các quốc gia trong lưu vực. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Võ Đức Trí, Trưởng phòng Đào tạo và Hợp tác quốc tế, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, cho biết: "Theo ICEM, ước tính đến năm 2030, nếu 11 đập thủy điện trên dòng chính được xây dựng thì tổng tổn thất nguồn lợi thủy sản sẽ là 550.000-880.000 tấn, tăng 26-42% so với năm 2000. Song song đó, biến đổi khí hậu sẽ có ảnh hưởng cộng năng với việc thi công vận hành các đập thủy điện, gây ra những rủi ro, tổn thất đến các hệ sinh thái trên cạn và dưới nước, làm suy giảm năng suất thủy sản, nông nghiệp và đe dọa an ninh lương thực...".

Đối với ĐBSCL, hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng đánh bắt thủy sản đều dựa vào nguồn tài nguyên nước của sông Mekong, khi các đập thủy điện vận hành, việc tích nước vào mùa khô và xả lũ vào mùa mưa sẽ làm thay đổi các chế độ thủy văn và dòng chảy. Các nghiên cứu của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho thấy, vào năm kiệt nước, dòng chảy về hạ lưu có thể giảm đột ngột khoảng 1-2 tháng. Điều đó có thể làm gia tăng xâm nhập mặn vào mùa khô ở ĐBSCL, ảnh hưởng đến các diện tích lúa sắp thu hoạch vụ đông xuân và các diện tích gieo cấy sớm của vụ hè thu. Từ đó làm thay đổi cơ cấu mùa vụ và gia tăng chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp của nông dân. Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho biết: "Trong mùa kiệt, nếu khu vực thượng lưu tích nước để phát điện thì hạ lưu sẽ cạn kiệt nguồn nước phục vụ sản xuất. Đơn cử như vào năm 2010, lũ không về ĐBSCL đã gây xói lở trầm trọng ở Cà Mau và uy hiếp hệ thống đê biển. Trong tương lai, nếu các thủy điện trên dòng chính Mekong thi công và vận hành thì vùng Bán đảo Cà Mau sẽ thiếu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt; kèm theo đó là các nguy cơ về khô hạn, cháy rừng". Ông Lê Thanh Tòng, Trưởng phòng Tài nguyên nước Khí tượng thủy văn của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu, nói: "Bạc Liêu không tránh khỏi những tác hại của nước biển dâng, xói lở, xâm nhập mặn vào các vùng canh tác nông nghiệp, vùng nuôi thủy sản. Với hơn 100.000ha đất lúa của Bạc Liêu lấy nước canh tác từ sông Hậu, một khi ĐBSCL thiếu nước, các tỉnh cuối nguồn như Bạc Liêu, Cà Mau sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ".

Vì an ninh nguồn nước

Theo các nhà khoa học, tác động của việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mekong chưa được đánh giá đầy đủ tổng quát trong ngắn hạn mà phải qua quá trình kiểm chứng, nghiên cứu lâu dài, phải hài hòa lợi ích giữa các quốc gia. Sông Mekong là 1 trong 9 con sông lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, vấn đề quản lý tổng thể giữa các quốc gia trong lưu vực sông Mekong đang từng bước được xây dựng chứ chưa bài bản như các lưu vực sông lớn khác. Khi đưa vào thi công và vận hành, các dự án phát triển thủy điện có khả năng gây ra những tác động xuyên biên giới và các căng thẳng quốc tế trong vùng hạ lưu sông Mekong.

Theo ICEM, các đập thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mekong có tiềm năng đóng góp đáng kể cho sản xuất năng lượng toàn vùng hạ lưu sông Mekong. Bao gồm 23% tiềm năng thủy điện kỹ thuật ở 4 nước hạ lưu sông Mekong và sẽ đạt 11% công suất lắp đặt vào năm 2025. Tuy nhiên, nếu các dự án thủy điện trên dòng chính được triển khai sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến sinh kế của ít nhất 2,1 triệu người sinh sống ven sông.

Tại hội thảo mở đầu đề tài "Nghiên cứu, đánh giá tác động của bậc thang thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mekong đến dòng chảy, môi trường, kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL và đề xuất giải pháp giảm thiểu bất lợi" do Viện Khoa học thủy lợi miền Nam vừa tổ chức tại TP Cần Thơ, các nhà quản lý đến từ các địa phương ĐBSCL và các viện, trường, cho rằng: Sự hiểu biết về lưu vực sông Mekong ở thời điểm này vẫn chưa thỏa đáng để có thể đưa ra thông tin và các quyết định có trách nhiệm về các đập thủy điện trên dòng chính. Vì vậy, các địa phương trong vùng ĐBSCL và các nhà khoa học thống nhất quan điểm đề xuất Ủy hội sông Mekong quốc tế kiến nghị với các quốc gia hoãn việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính để tiếp tục nghiên cứu về lâu dài các tác động đến dòng chảy, môi trường, kinh tế- xã hội của ĐBSCL.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Tăng Đức Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, đến nay, các nghiên cứu của đề tài chỉ mới ở bước khởi đầu. Vì vậy, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam sẽ tiếp tục cập nhật thông tin từ các địa phương trong vùng ĐBSCL về tình hình thực tế của địa phương trước những tác động việc phát triển thủy điện, gia tăng sử dụng nước ở thượng nguồn Mekong. Các ý kiến tham vấn của địa phương sẽ giúp đề tài đi đúng hướng và đưa ra những giải pháp giảm thiểu bất lợi phù hợp, phục vụ tốt cho các địa phương trong tương lai. Đồng thời, kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ cung cấp thêm các cơ sở khoa học tin cậy cho Ủy ban sông Mekong Việt Nam làm căn cứ thảo luận với các nước ở thượng nguồn về vấn đề khai thác tài nguyên nước trên sông Mekong vì quyền lợi chung của các quốc gia trong lưu vực.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết