17/03/2012 - 18:21

Góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại

Tại hội thảo “Báo Đảng và nhiệm vụ góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại” do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức vào ngày 17-3, có nhiều tham luận, bàn thảo, phân tích, đề xuất và kiến nghị để thực hiện các chính sách về quản lý đô thị, về đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng. Từ đó xây dựng các đô thị lớn xứng tầm theo định hướng nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020. Báo Cần Thơ xin lược ghi một số ý kiến của đại diện Ban Biên tập Báo Đảng 5 thành phố lớn từ Hội thảo.

ĐỒNG CHÍ LÊ TIỀN TUYẾN, PHÓ TỔNG BIÊN TẬP BÁO SÀI GÒN GIẢI PHÓNG:
Cần đổi mới thể chế điều hành tại các đô thị lớn

Lâu nay, việc tổ chức quản lý các đô thị lớn ở nước ta không gì khác với địa bàn nông thôn (với cấp hành chính tương đương) trong khi đó về quy mô dân số, kinh tế, yêu cầu hưởng thụ văn hóa, cuộc sống, tinh thần của thị dân rất khác. Việc quản lý đô thị ở các khu đô thị lớn còn luôn phải giải quyết các vấn nạn như: thiếu nhà ở, đường sá xuống cấp, bùng nổ dân số nhập cư, thất nghiệp, tệ nạn xã hội... Trước thực trạng như vậy, công tác quản lý đô thị cần có cơ chế đặc thù riêng, phù hợp là cần xây dựng chính quyền đô thị.

Thực tế tại các thành phố lớn trực thuộc Trung ương hiện nay, rất cần mô hình chính quyền đô thị để tổ chức, quản lý theo hướng tập trung thống nhất mang tính hiệu lực, hiệu quả cao, giảm bớt tầng nấc, có sự phân cấp rành mạch giữa ngành và cấp ở đô thị. Do chưa có mô hình chính quyền đô thị nên đã xảy ra tình trạng trì trệ trong tiến trình phát triển. Điển hình như: TP Hồ Chí Minh được nhìn nhận là trung tâm tài chính của cả nước nhưng bị phụ thuộc rất nhiều bởi cơ chế hiện nay. Các ngân hàng thương mại, sở giao dịch chứng khoán... đặt tại TP Hồ Chí Minh nhưng hoạt động theo chỉ đạo của ngành dọc Trung ương, rất khó bứt phá phát triển nhanh. Dù TP Hồ Chí Minh những năm qua đóng góp 20% GDP chung của cả nước, đóng góp tổng ngân sách nhà nước chiếm 30% nhưng chi ngân sách chỉ chiếm 5% trong tổng chi của cả nước, thiếu vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội...

TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... đều muốn thực hiện mô hình chính quyền đô thị, được tổ chức bộ máy quản lý hành chính phù hợp với điều kiện và đặc thù phát triển của mình nhưng chưa được giải quyết. Chính vì vậy, các đề nghị về tăng thẩm quyền tài chính ngân sách, tổ chức bộ máy biên chế, thẩm quyền xử phạt hành chính, hạn chế nhập cư vào nội thị... đều không được giải quyết hoặc bị “thổi còi” do trái luật. Tôi cho rằng đây là những vấn đề nóng cần được phân tích, mổ xẻ để kiến nghị Nhà nước thay đổi cơ chế cho phù hợp...

ĐỒNG CHÍ TÔ QUANG PHÁN, TỔNG BIÊN TẬP BÁO HÀ NỘI MỚI:
Đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng thủ đô văn minh, hiện đại

Báo Hà Nội Mới đã định hướng tuyên truyền, xác định rõ quan điểm hoàn toàn ủng hộ định hướng lớn về phát triển Thủ đô, những giải pháp cơ bản của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo TP Hà Nội đã thông qua. Từ đó, Báo Hà Nội mới đã đẩy mạnh tuyên truyền những biện pháp tổ chức thực hiện và cổ vũ, động viên những việc làm đem lại lợi ích cho cộng đồng, trực tiếp góp phần tạo hiệu quả quản lý đô thị; nêu tiếng nói phản biện mang tính xây dựng với hành vi gây bất lợi cho sự phát triển bền vững của Thủ đô. Trong quá trình thông tin tuyên truyền, với những vấn đề nóng về quản lý đô thị hiện nay, như: hạn chế về tổ chức giao thông đô thị, quản lý đất đai, cải cách hành chính công, bảo đảm môi trường, xây dựng nếp sống... Báo Hà Nội Mới đã và đang thực hiện nhiều loạt bài, đưa ra cái nhìn tương đối toàn diện về vấn đề dư luận quan tâm, gợi ý cách thức giải quyết vấn đề.

Báo Hà Nội Mới đã tổ chức những chiến dịch truyền thông với sự tham gia của các phóng viên và cộng tác viên là những học giả, nhà báo có tên tuổi chuyên viết về các lĩnh vực khác nhau trong phát triển đô thị. Những chiến dịch tuyên truyền như vậy đã mang lại hiệu quả nhất định trên phương diện tuyên truyền, định hướng dư luận. Bên cạnh những bài viết khuyến khích, động viên những nhân tố mới trong quá trình xây dựng phát triển Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại, Báo Hà Nội Mới cũng tăng cường đăng những bài viết phê phán, đấu tranh với những biểu hiện mòn cũ về tư duy, ngăn cản sự phát triển; đặc biệt là đấu tranh với thói quen cũ của một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng, kể cả những cán bộ, công chức. Báo Hà Nội Mới cũng đã tranh luận, đấu tranh gay gắt với những cá nhân, cơ quan nhà nước các cấp trong việc bảo vệ quan điểm mới về xây dựng, quản lý đô thị và Báo Hà Nội mới đã thành công trong cuộc đấu tranh đó. Sự thành công đó của Báo Hà Nội Mới là có sự ủng hộ của lãnh đạo thành phố. Lãnh đạo TP Hà Nội cũng coi Báo Hà Nội Mới là một kênh thông tin quan trọng trong công tác quản lý, điều hành xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.

ĐỒNG CHÍ MAI ĐỨC LỘC, TỔNG BIÊN TẬP BÁO ĐÀ NẴNG:
Phát triển đô thị mới đòi hỏi sự quản lý mới

Thực tế 15 năm của Đà Nẵng sau khi trực thuộc trung ương là một quá trình nỗ lực bền bỉ nhằm tạo ra sự tăng trưởng. Nhưng không phải chỉ là sự thay đổi về mặt số lượng các chỉ số kinh tế, mà quan trọng hơn là góp phần tạo ra sự đồng thuận trong Đảng, trong nhân dân về các chủ trương, cách làm của thành phố. Cái khó nhất, có lẽ không phải là việc chỉnh trang đô thị, dù đó là công việc khổng lồ mà là việc hình thành nếp sống thị dân, văn minh. Nhiều chủ trương đã được ban hành, nhiều biện pháp đã được triển khai để có sự ngăn nắp, trật tự. Ở đây cần nhấn mạnh rằng, vấn đề quan trọng là phải có ý tưởng mới, nhưng để tạo sự chuyển biến trong thực tế thì biện pháp tổ chức thực hiện có ý nghĩa quyết định. Có rất nhiều chủ trương, biện pháp nhằm hình thành nếp sống văn minh đô thị, như: nghiêm cấm bán hàng rong trên một số tuyến phố du lịch, nghiêm cấm nạn ăn xin và ăn xin biến tướng; giúp người dân làm nghề nhặt rác chuyển đổi ngành nghề... Và ít ai biết rằng, trong các hàng ăn trên địa bàn đều có câu “Xin quí khách bỏ rác vào giỏ” là một chủ trương trong Nghị quyết của HĐND thành phố. Tất cả nỗ lực của chính quyền và người dân đều không nằm ngoài việc xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.

Để có một đô thị văn minh, báo chí cần thiết phải có các phản ánh và phân tích thuyết phục, nhất là những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình phát triển. Để có được một thành phố hướng đến văn minh, không thể chỉ bắt đầu từ những câu khẩu hiệu hoặc cách làm sáo mòn. Quan trọng không chỉ là có ý tưởng mới mà còn là tìm ra được cách làm mới, phải có quyết tâm chính trị. Nhiều khi chỉ là một việc làm tưởng chừng nhỏ nhưng nếu không kiên trì thì sẽ rơi vào im lặng. Ai cũng biết mức sống quyết định lối sống, nhưng lối sống văn minh là kết quả tổng hòa của rất nhiều yếu tố, trong đó chính quyền phải có các biện pháp cụ thể, quyết liệt, có ý tưởng mới nhưng phải được sự hưởng ứng của người dân, và người dân chỉ đồng tình khi họ bảo đảm được quyền lợi chính đáng trước các biện pháp của chính quyền. Đã đến lúc cần nghiêm túc trả lời những câu hỏi của thực tế bức bách về quản lý đô thị, nhất là các biện pháp mới nhằm xây dựng một thành phố văn minh. Thực tế phát triển đô thị mới đòi hỏi sự quản lý mới.

ĐỒNG CHÍ HUỲNH QUỐC HOÀNG, TỔNG BIÊN TẬP BÁO CẦN THƠ:
“Trật tự, kỷ cương đô thị” được lồng ghép trong tất cả các trang, mục của Báo Cần Thơ

Tuyên truyền chủ trương “trật tự, kỷ cương đô thị” của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, trên Báo Cần Thơ thường xuyên có những tác phẩm tuyên truyền, nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình trong xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, bảo vệ môi trường, cảnh quan đô thị, an toàn giao thông đô thị...; mô hình “phường sạch rác”, “phường không có trường hợp xây dựng trái phép”, “chợ văn minh”, “trường học, cơ quan xanh, sạch, đẹp”... Báo Cần Thơ cũng có những bài viết phê phán những hành vi kém văn minh, vi phạm trật tự kỷ cương đô thị, như: xây dựng không phép, trái phép, nhà siêu mỏng; lấn chiếm vỉa hè, lòng đường kinh doanh mua bán; các hành vi làm mất vệ sinh đường phố, cảnh quan môi trường... Những nội dung trên được lồng ghép trong tất cả các trang, mục của báo, như trang: Văn hóa cơ sở, Dân chủ cơ sở, Giám sát và Phản biện xã hội, An toàn giao thông, Xã hội...; các mục như “Sự kiện và lời bình”, “Mắt thấy tai nghe”, “Ảnh chộp”...

Để báo Đảng địa phương góp phần quan trọng và hiệu quả hơn nữa trong nhiệm vụ tuyên truyền, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, chúng tôi kiến nghị: Cần nghiên cứu, chuẩn hóa mô hình chính quyền đô thị, nhằm nâng cao chất lượng quản lý và phục vụ của chính quyền trong môi trường đô thị ngày càng phát triển. Hiện nay, chính cung cách quản lý chưa khoa học, dễ dãi, thủ tục hành chính còn rườm rà, ý thức phục vụ nhân dân của một bộ phận cán bộ công chức ở cơ sở chưa cao... là những cản ngại trong quá trình xây dựng thành phố văn minh, hiện đại. Bên cạnh đó, cần nâng cao hơn nữa vai trò báo Đảng địa phương, nhất là việc hỗ trợ đưa báo Đảng về cơ sở, để nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền. Hiện nay, thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 28-12-1996 của Bộ Chính trị về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng, báo Đảng địa phương đã được đưa đến tận các chi bộ. Nhưng nhiều ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở, tổ dân phố, khu dân cư... chưa có báo Đảng địa phương để đọc, do “vướng” về kinh phí. Nếu có chính sách hỗ trợ để đưa báo Đảng địa phương về cơ sở nhiều hơn thì hiệu quả tuyên truyền sẽ cao hơn. Các ngành hữu quan cần quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho nhà báo nói chung và đội ngũ nhà báo viết về đô thị nói riêng...

ĐỒNG CHÍ HOÀNG ĐÌNH THI, PHÓ TỔNG BIÊN TẬP BÁO HẢI PHÒNG:
Quyết tâm cùng chính quyền góp phần xây dựng đô thị Hải Phòng văn minh, hiện đại

Những năm gần đây, Hải Phòng chú trọng xây dựng một thành phố có bản sắc riêng, mang đặc trưng của một đô thị lớn trên đường phát triển. Năm 2012, thành phố chọn chủ đề năm là “Đô thị an toàn giao thông” nhằm tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc của đô thị Hải Phòng. Trong đó, vấn đề được thành phố đặc biệt quan tâm là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong công tác quản lý và phát triển đô thị loại I, đô thị trung tâm cấp quốc gia, có môi trường xanh, sạch, đẹp, thực hiện nếp sống văn minh đô thị...

Với quyết tâm cao, sau khi HĐND thành phố ra Nghị quyết về chủ đề năm 2012, ngay từ đầu năm, UBND thành phố ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết HĐND thành phố về chủ đề năm “Đô thị an toàn giao thông” với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, sát với thực tế, nhằm đưa vào thực hiện đạt kết quả cao. Đặc biệt, trước đó, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố có Nghị quyết về phát triển và quản lý đô thị Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Những điều này, thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố hướng tới một đô thị phát triển bền vững. Từ đó, các ngành, các cấp, các địa phương đều xây dựng chương trình hành động với các mục tiêu, giải pháp triển khai đồng bộ, thể hiện sự quyết tâm, sự đồng thuận của ngành, địa phương và các tầng lớp nhân dân.

Tuyên truyền các chủ trương trên, Báo Hải Phòng mở chuyên mục “Đô thị và an toàn giao thông”, trung bình 4-5 trang/tháng. Đây là những trang tuyên truyền tập trung phản ánh kịp thời những nỗ lực của các ngành, các địa phương, đơn vị trong triển khai chủ đề năm; những khó khăn, vướng mắc và đề xuất những giải pháp, cơ chế để thực hiện có hiệu quả mục tiêu đề ra. Các vấn đề được phản ánh trong các trang tập trung vào trật tự đường, hè phố, trật tự xây dựng, quy hoạch, kiến trúc, phát triển hạ tầng đô thị gồm cấp nước, thoát nước, cây xanh, giao thông... Các bài viết phản ảnh những mặt được, mặt chưa được, những vấn đề bức xúc được đông đảo người dân quan tâm, những mô hình mới, cách làm hay... cùng chính quyền góp phần xây dựng một đô thị Hải Phòng văn minh, hiện đại.

THANH LONG - ANH DŨNG (lược ghi)

Chia sẻ bài viết