 |
Giờ học của cô trò Trường Mầm non
Thạnh Phú 1. |
Sau hơn 4 năm thực hiện phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", diện mạo trường, lớp trên địa bàn huyện Cờ Đỏ đã thay đổi rõ nét, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Song, trong quá trình thực hiện, ngành giáo dục huyện vẫn còn nhiều khó khăn bởi thiếu trường lớp
* Mang lại hiệu quả giáo dục
Đường vào sân Trường Mầm non (MN) Thạnh Phú 1, huyện Cờ Đỏ, rợp bóng mát. Khuôn viên trường rộng, thoáng mát, có nhiều cây xanh và các cụm hoa rực rỡ khoe sắc
Một số học sinh được cô giáo hướng dẫn sinh hoạt ngoài trời; một số học sinh ê a đọc bài. Một học sinh lớp Lá 1 nói: "Con rất thích đi học, vì trường lớp đẹp, có nhiều đồ chơi". Theo cô Dương Thị Hồng Sáu, Hiệu trưởng Trường MN Thạnh Phú 1, từ khi thực hiện phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phát động (năm 2008), trường đã huy động sức mạnh tập thể, Hội Phụ huynh học sinh, ban ngành địa phương để xây dựng môi trường thân thiện, an toàn. Do đặc thù vùng nông thôn, kinh tế còn khó khăn nên nhiều phụ huynh còn tâm lý không muốn cho con đi học mầm non. Vì thế, ngoài việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường còn mời phụ huynh tham gia các phong trào của trường; phủ xanh khuôn viên trường, tạo cảnh quan đẹp, bắt mắt đối với học sinh và giúp phụ huynh hiểu được vai trò quan trọng cho trẻ học mẫu giáo.
Không chỉ tạo môi trường thông thoáng, sạch đẹp mà Trường MN Thạnh Phú 1 còn đẩy mạnh các hoạt động khác, như: hằng năm, trường đều tổ chức các trò chơi dân gian; lễ hội mùa xuân và tổ chức cho các bé tham quan mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc (Đồng Tháp); tham quan doanh trại tuyển quân ở Cờ Đỏ
Cô Sáu nói: "Trong tiêu chí xây dựng phong trào, có tiêu chí về giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Các hoạt động trên, vừa tạo sân chơi, vừa giáo dục truyền thống yêu nước cho trẻ. Như lần tổ chức thăm mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc, tuy các cô vất vả để chăm sóc các bé nhưng rất vui vì thấy các cháu dạn dĩ, hiểu biết nhiều hơn". Trường hiện có 7 nhóm lớp, với 162 cháu (39 cháu nhà trẻ và 123 cháu mẫu giáo); 22 cán bộ, giáo viên. 100% giáo viên đạt chuẩn, trong đó, 63% trên chuẩn. Trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2003 và đang chuẩn bị các điều kiện để tái công nhận chuẩn vào năm 2013. Năm học 2010-2011, trường vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba.
Tương tự, 4 năm qua, Trường Tiểu học Đông Hiệp 1 (ấp Thới Hữu, xã Đông Hiệp) cũng thực hiện khá hiệu quả phong trào này trong điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp hết sức khó khăn. Thầy Trần Việt Triều, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Hiệp 1, nói: "Phong trào này không chỉ tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp cho trường, mà còn giúp học sinh rèn luyện kỹ năng sống tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục". Năm học 2011-2012, các chỉ tiêu về chất lượng giáo dục của trường đạt 98% trở lên.
* Rào cản về cơ sở vật chất
Theo đánh giá của ngành giáo dục huyện Cờ Đỏ, sau 4 năm thực hiện phong trào, toàn ngành có nhiều chuyển biến tích cực, như: 100% trường học ở huyện đều hưởng ứng phong trào, 43/46 trường đều có trồng cây, hoa, kiểng trong nhà trường; môi trường giáo dục ngày càng được cải thiện, trường lớp ngày càng khang trang, xanh - sạch - đẹp, tạo hứng thú cho học sinh đến trường. Học sinh học tập chủ động, sáng tạo hơn và biết vận dụng kiến thức trong khi làm bài, kiểm tra, thi cử; phát triển kỹ năng sống ngày càng hoàn thiện
Thầy Nguyễn Phú Phi, chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Phong trào đã làm thay đổi trong nhận thức và hành động đối với toàn thể nhân dân trong toàn ngành, từ đó chất lượng dạy và học không ngừng được tăng lên, học sinh bỏ học giảm dần theo từng năm học".
Phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở các trường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại nhiều mặt; trong đó rào cản vẫn là cơ sở vật chất, trường lớp còn thiếu thốn, xuống cấp. Toàn huyện Cờ Đỏ hiện có 46 trường mầm non, tiểu học, THCS nhưng chỉ có 9 trường đạt chuẩn quốc gia. Ở các bậc học, trường lớp đều lâm vào cảnh thiếu phòng lớp học, phải học nhờ, học gửi. Như bậc mầm non có 16 trường (trong đó có 10 trường mẫu giáo) thì phần lớn đều có nhiều điểm lẻ hoặc học nhờ tại các trường tiểu học, nhà dân... Thầy Trần Việt Triều cho biết: Trường Tiểu học Đông Hiệp 1 có 563 học sinh, với 19 lớp; trong đó có 44 học sinh học tại điểm lẻ Đông Thạnh (cách điểm học chính khoảng 2 km). Hai năm qua, ngành giáo dục huyện đã đầu tư xây dựng phòng học mới, nâng nền sân trường tại điểm học chính
Tuy nhiên, do nằm trong khu qui hoạch chợ Đông Hiệp nên trường chỉ sửa chữa nhỏ. Thầy Triều nói: "Trường vẫn còn thiếu các phòng chức năng, phòng học nên chưa thể mở lớp dạy 2 buổi/ ngày, khuôn viên trường nhỏ nên các hoạt động sinh hoạt hết sức khó khăn, ảnh hưởng đến việc dạy và học".
Khía cạnh khác là tiêu chí về giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh- hầu hết các trường đều khó đạt toàn diện. Cô Nguyễn Thị Huệ, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cờ Đỏ, nói: "Đặc thù của địa phương có khá ít di tích lịch sử nên các trường muốn tổ chức học sinh tham quan các khu di tích cũng có phần hạn chế. Vì thế, tiêu chí này các trường lồng ghép vào các bài học, giới thiệu địa danh cho học sinh qua hình ảnh trực quan
". Còn theo thầy Trần Việt Triều thì do điều kiện kinh tế gia đình học sinh ở vùng nông thôn còn khó khăn, kinh phí của trường hạn hẹp nên dù trường rất muốn tổ chức cho học sinh tham quan các điểm di tích lịch sử trong thành phố cũng khó thực hiện...
***
Có thể nói, cùng với các cuộc vận động "Hai không", "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" do Bộ GD&ĐT phát động đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo ở các trường. Thế nhưng, theo lãnh đạo ngành giáo dục huyện Cờ Đỏ, ngoài việc các trường cần linh động tạo môi trường sư phạm tốt, bản thân mỗi giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy thì thành phố cũng nên hỗ trợ trong việc đầu tư xây dựng và sửa chữa các trường, nhất là các điểm trường theo hướng đạt chuẩn, đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học... để nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào.
Bài, ảnh: B.Kiên