04/05/2012 - 21:44

Gỡ khó về vốn đầu tư phát triển cho ĐBSCL

Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, nỗ lực của các địa phương trong vùng, đóng góp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã giúp cho diện mạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhiều thay đổi. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, khó huy động vốn đầu tư phát triển là những “rào cản” lớn đối với sự phát triển vùng ĐBSCL. Cần có giải pháp tháo gỡ về vốn đưa ĐBSCL phát triển bền vững…

Khó huy động vốn đầu tư

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, trước năm 2000, vốn đầu tư vào vùng ĐBSCL khá ít (trong cuộc điều tra về vốn đầu tư toàn xã hội năm 1999-2000 thì đầu tư vào vùng ĐBSCL chỉ chiếm khoảng 16% trong tổng đầu tư chung cả nước). Từ sau năm 2000 đến nay, Trung ương đã tăng cường đầu tư vào ĐBSCL, với nhiều công trình quan trọng về kinh tế, cơ sở hạ tầng được đưa vào sử dụng, tạo sự thay đổi đáng kể về kết cấu hạ tầng cho vùng. Giai đoạn 2000-2010, tổng đầu tư vào vùng ĐBSCL khoảng 625 ngàn tỉ đồng. So với GDP của vùng của 10 năm qua thì số đầu tư trên chiếm khoảng 32%.

Ký kết hợp đồng tín dụng giữa BIDV và doanh nghiệp tại hội nghị xúc tiến đầu tư ĐBSCL ngày 27-4-2012. 

Trên thực tế, quá trình phát triển của ĐBSCL chủ yếu dựa vào khai thác tiềm năng sẵn có, do dòng vốn đầu tư vào khu vực hạn chế, làm giảm khả năng cạnh tranh của vùng. Có rất nhiều đề xuất về cơ chế hợp tác, cần một cơ chế thu hút đầu tư đặc thù cho vùng, nhưng đến nay, chưa ban hành một cơ chế riêng nào. Và ĐBSCL vẫn loay hoay tìm hướng phát triển. Là vùng thu hút dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sớm nhất cả nước, nhưng từ năm 1988-2010, toàn vùng chỉ thu hút 565 dự án FDI, vốn đăng ký 9,5 tỉ USD. Năm 2011, ĐBSCL thu hút được 96 dự án với 402 triệu USD, chỉ bằng 3,5% so với tổng FDI cả nước trong năm 2011...

Theo cảnh báo của nhiều chuyên gia kinh tế, ĐBSCL đang tụt hậu so với các vùng miền khác trên cả nước. Xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp (gạo, cá tra, tôm) của ĐBSCL luôn tăng trưởng dương, nhưng đời sống của những người nông dân trực tiếp làm ra những sản phẩm này lại không tăng tương xứng. Hạ tầng cơ sở, nhất là hạ tầng giao thông vận tải dù được quan tâm đầu tư, nhưng chưa đồng bộ cả 3 hệ thống giao thông thủy, không và bộ, làm cho chi phí của doanh nghiệp khi tham gia đầu tư, xuất khẩu tại vùng tăng. Môi trường đầu tư của ĐBSCL chưa thật sự hấp dẫn doanh nghiệp, ngoài cơ sở hạ tầng hạn chế, thủ tục hành chính của nhiều địa phương trong vùng vẫn còn phiền hà cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp còn gặp khó trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay và tiêu thụ sản phẩm... Do vậy, muốn giải quyết những yếu kém này, các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách cho rằng ĐBSCL cần phải liên kết lại để tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn hơn.

Liên kết, huy động các nguồn lực đầu tư

Gỡ khó cho thu hút đầu tư vào ĐBSCL, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư vào vùng ĐBSCL trình Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL cũng đã đề xuất, tập hợp được 178 dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư, tạo thuận lợi trong việc mời gọi, thu hút đầu tư vào vùng ĐBSCL giai đoạn 2012-2015. Trong đó, tỉnh An Giang 26 dự án, Đồng Tháp 15 dự án, Bến Tre 12 dự án, Kiên Giang 12 dự án, Sóc Trăng 14 dự án, Tiền Giang 15 dự án, Trà Vinh 14 dự án, Vĩnh Long 15 dự án, TP Cần Thơ 10 dự án... Các dự án kêu gọi đầu tư trên tập trung trên các lĩnh vực như: hạ tầng giao thông, khu đô thị-dân cư, công nghiệp, thương mại-dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, môi trường... Tổng mức đầu tư các dự án tại mỗi địa phương với nhu cầu vốn rất lớn từ vài ngàn đến vài chục ngàn tỉ đồng, tùy theo địa phương...

Xác định nguồn vốn đầu tư từ Trung ương và ngân sách địa phương còn hạn chế, để đẩy nhanh tốc độ phát triển cho vùng, hiện các địa phương ở ĐBSCL đang tăng cường xã hội hóa mời gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất kinh doanh. Theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), thời gian qua môi trường kinh doanh tại ĐBSCL đã không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên năm 2011, phần lớn các tỉnh thành ĐBSCL bị rớt hạng trên bảng xếp hạng PCI, có 10/13 tỉnh, thành tụt hạng, chỉ có 3 tỉnh thăng hạng (Long An, Sóc Trăng và Cà Mau)... Theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, trở ngại chính trong thu hút FDI là do cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực, công tác quảng bá hình ảnh ĐBSCL chưa thật sự tích cực. Ngoài ra, cấu trúc kinh tế của vùng nghiêng nhiều về nông nghiệp cũng chưa thực sự hấp dẫn đầu tư từ bên ngoài...

Còn theo các doanh nghiệp, để thu hút đầu tư phát triển vùng ĐBSCL, bên cạnh việc tạo môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, doanh nghiệp, người dân trong vùng phải thuận lợi trong tiếp cận các nguồn vốn vay. Nếu làm được điều đó, không chỉ giúp nông dân trong vùng có điều kiện phát triển sản xuất mà còn giúp cho doanh nghiệp đến làm ăn trong vùng thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Quang Phúc, Giám đốc chiến lược phát triển khu vực châu Âu, Công ty TNHH Tân Thế Giới, cho rằng: “Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ ngành nghề khai thác đánh bắt xa bờ như: hỗ trợ đóng tàu, hỗ trợ phương tiện liên lạc, bảo quản sau thu hoạch, hỗ trợ dầu. Tuy nhiên, chưa có chính sách hỗ trợ cho ngư dân vay vốn mua lưới đánh bắt cá. Trong khi mua một tay lưới cho một tàu cá đại dương có giá trị không thua một tàu cá”...

Tại hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL tổ chức ở TP Cần Thơ mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh khẳng định: Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội để ĐBSCL có điều kiện phát triển. Thực hiện các chính sách, pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến làm ăn cũng như bảo vệ lợi ích hợp pháp và bình đẳng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các địa phương trong vùng phải tiếp tục quan tâm nhiều đến việc cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thông thoáng để thu hút các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Mặt khác, cần đẩy mạnh liên kết vùng và liên kết với các vùng miền khác trong nước để không triệt tiêu động lực phát triển của nhau mà giúp phát huy được tiềm năng lợi thế chung và tiềm năng lợi thế riêng của từng địa phương...

VĂN CỘNG - ANH KHOA

Chia sẻ bài viết