27/06/2019 - 09:32

Gỡ khó để phát triển chợ đầu mối chuyên doanh 

Nhằm phát huy vai trò trung tâm thương mại, tổng đại lý phân phối hàng hóa của vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ đã và đang đầu tư xây dựng các chợ đầu mối chuyên doanh nhằm đáp ứng nhu cầu phân phối, cung ứng hàng hóa, đặc biệt là nông sản cho các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trong vùng. Tuy nhiên, quá trình thu hút đầu tư, triển khai thực hiện các dự án về chợ đầu mối gặp nhiều khó khăn, cần sự hợp lực cùng tháo gỡ từ cấp Trung ương đến địa phương.

Bên cạnh hệ thống chợ hiện hữu, TP Cần Thơ đã và đang đầu tư xây dựng các chợ đầu mối chuyên doanh để phát huy vai trò cung ứng, phân phối hàng hóa cho các địa phương trong vùng. Trong ảnh: Tiểu thương mua bán tại chợ Cái Răng.

Bên cạnh hệ thống chợ hiện hữu, TP Cần Thơ đã và đang đầu tư xây dựng các chợ đầu mối chuyên doanh để phát huy vai trò cung ứng, phân phối hàng hóa cho các địa phương trong vùng. Trong ảnh: Tiểu thương mua bán tại chợ Cái Răng.

Hiện nay trên địa bàn TP Cần Thơ có 102 chợ (bao gồm cả chợ tạm, chợ tự phát) với 5 chợ hạng 1, 10 chợ hạng 2, 43 chợ hạng 3 và còn lại là chợ chưa phân hạng. Trong đó có 61 chợ do Nhà nước quản lý thông qua UBND các quận, huyện hoặc UBND các xã, phường. Ông Huỳnh Trung Trứ, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, đánh giá: “Hệ thống chợ trên địa bàn thành phố có lượng hàng hóa buôn bán khá, dồi dào, phong phú, có khả năng phục vụ và đáp ứng nhu cầu của người dân; góp phần phát triển hệ thống bán buôn, bán lẻ; đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, ổn định thị trường và tăng nguồn thu cho ngân sách. Ngoài ra, thành phố cũng có một số chợ như: chợ Tân An, quận Ninh Kiều và một số chợ truyền thống ở huyện Thới Lai, Cờ Đỏ và quận Ô Môn tuy không phải là chợ chuyên doanh nhưng vẫn đảm nhiệm khá tốt vai trò phân phối hàng hóa nông sản cho các chợ lân cận”.

Năm 2010, nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung; thúc đẩy tiêu thụ, cung ứng hàng hóa đặc biệt là hàng nông sản cho nhu cầu của thành phố và các tỉnh trong vùng ĐBSCL, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 2657/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn TP Cần Thơ đến năm 2020. Theo đó, thành phố quy hoạch phát triển mới 4 chợ đầu mối chuyên doanh. Trong đó, chợ cá trên địa bàn phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều và phường Lê Bình, quận Cái Răng; chợ nông sản thực phẩm thuộc phường Lê Bình, quận Cái Răng; chợ lúa gạo ở phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện quy hoạch gặp một số khó khăn cần nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ.

Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ đầu mối khá cao (khoảng 40 tỉ đồng) trong khi nguồn từ ngân sách nhà nước còn hạn chế; cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, nhất là đối với chợ đầu mối còn hạn chế; chưa có chính sách ưu đãi về thuế, đất đai… nên khó kêu gọi, thu hút đầu tư. Ngoài ra, thành phố chưa có quỹ đất sạch để xây dựng chợ, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn; việc xây dựng và hỗ trợ tái định cư chưa hợp lý… Năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2013/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2007/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương. Trong đó, quy định việc hỗ trợ cho vay đối với đầu tư xây dựng chợ không vượt quá 80% tổng vốn đầu tư của dự án. Tuy nhiên, điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay này khá rườm rà và đòi hỏi nhà đầu tư phải có tài sản thế chấp, có năng lực, kinh nghiệm…

Hiện nay, ngoài Chợ gạo Thốt Nốt do Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2014, các dự án chợ đầu mối còn lại đều vướng nhiều cản ngại. Đơn cử, chợ cá tại phường Ba Láng, quận Cái Răng đến nay vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư. Đối với chợ cá đầu mối ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều có diện tích quy hoạch 2.772m2 là không đảm bảo đủ diện tích theo quy định hiện hành (hơn 6.115m2). Ngoài ra, chợ nông sản thực phẩm phường Lê Bình, quận Cái Răng đã thu hút được Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng thương mại địa ốc T.SS đầu tư. Tuy nhiên, công ty này cho rằng chợ nông sản thực phẩm nằm trên địa bàn phường Lê Bình là không khả thi và đề xuất vị trí mới tại phường Ba Láng, quận Cái Răng.

Từ thực tế này, thành phố kiến nghị Bộ Công thương có chính sách ưu đãi cho thương nhân và nhà đầu tư xây dựng chợ đầu mối; Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển chợ thuộc ngân sách nhà nước hằng năm để thành phố hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng chợ đầu mối tiêu thụ nông sản. Theo ông Huỳnh Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, để có thể phát huy tối đa các chức năng của chợ đầu mối chuyên doanh, trước hết phải chọn vị trí phù hợp. Chẳng hạn, ngay trên địa bàn phường Lê Bình (gần khu vực chợ nổi Cái Răng) cần có 1 chợ chuyên về trái cây. Bởi vị trí này thuận lợi giao thông cả đường bộ lẫn đường thủy; gần chợ An Bình và chợ Cái Răng hiện hữu; nằm kề bên vùng chuyên canh trái cây của huyện Phong Điền và Cái Răng. Mặt khác, khi chợ này hoạt động có thể tạo sức mạnh cộng hưởng trong việc bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng.

Trong buổi làm việc với các sở ngành hữu quan mới đây về tình hình phát triển chợ đầu mối chuyên doanh trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam cho rằng, chợ đầu mối nông sản phải đáp ứng các tiêu chí: gần vùng nguyên liệu, thuận lợi giao thông thủy bộ, tạo sinh kế cho người dân địa phương, phát triển du lịch. Do đó, Sở Công thương làm đầu mối phối hợp với các bên có liên quan chọn một số ngành hàng có lợi thế của thành phố để tập trung đầu tư, phát triển có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, thực hiện rà soát vị trí, quy mô, nhu cầu thực tiễn của người dân địa phương để có thông tin cụ thể, xác đáng kiến nghị các bộ, ngành hỗ trợ thành phố thực hiện.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết