02/06/2019 - 11:25

Gỡ khó cho nông sản xuất khẩu

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cán cân thương mại hàng hóa trong 5 tháng đầu năm 2019 nhập siêu 548 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái xuất siêu 2,6 tỉ USD. Cụ thể trong 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp cả nước ước đạt 202,02 tỉ USD, trong đó xuất khẩu 100,74 tỉ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018, nhưng mức tăng này thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ của năm 2017 (tăng 19%).

Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực như: gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu giảm về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể cà phê đạt 1,3 tỉ USD, giảm 23% về giá trị (lượng giảm 13,1%); hạt điều 1,2 tỉ USD, giảm 14,1% (lượng tăng 8,8%); gạo đạt 1,2 tỉ USD, giảm 20% (lượng giảm 5,3%); hạt tiêu 374 triệu USD, giảm 2,1% (lượng tăng 32,3%); thủy sản đạt 3,2 tỉ USD, giảm 1%. Riêng rau quả đạt 1,8 tỉ USD, tăng 8,8%...

Trong 5 tháng đầu năm nay, một số thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam giảm mạnh như thị trường Trung Quốc kim ngạch đạt 13,4 tỉ USD, giảm 2,6%, trong đó thủy sản giảm 11,8% và gạo giảm tới 78,7%. Mặt hàng tôm và cá tra không gặp thuận lợi do vướng các rào cản chống bán phá giá, rào cản kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản lượng cá tra xuất khẩu vào các thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc giảm; xuất khẩu sang thị trường EU và ASEAN tăng nhưng không đáng kể.

Năm 2019, mặt hàng nông sản được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn về thị trường xuất khẩu, do các thị trường nhập khẩu siết chặt chất lượng, tăng rào cản kỹ thuật và áp lực cạnh tranh thương mại toàn cầu. Đơn cử như mặt hàng gạo, dù Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam, nhưng đánh thuế mặt hàng này lên đến 50% từ tháng 6-2018 đến nay; trong khi các thị trường lớn khác của gạo như Philippines, Indonesia hiện chưa có nhu cầu nhập khẩu thêm cũng làm ảnh hưởng mạnh đến kim ngạch xuất khẩu. Song song đó, mặt hàng cá tra cũng vướng rào cản chống bán phá giá từ Mỹ, các nước nhập khẩu khác quy định khắt khe tỷ lệ mạ băng, kiểm soát truy xuất nguồn gốc…

Giải quyết bài toán cho thị trường nông sản, nhiều ý kiến chuyên gia đã kiến nghị cần tái cơ cấu mùa vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm từ quy trình đầu vào đến đầu ra cần kiểm soát chặt. Trong đó, quy tắc xuất xứ hàng hóa và an toàn vệ sinh thực phẩm cần đặt lên hàng đầu, kế đến là xây dựng thương hiệu cho nông sản; đồng thời có chiến lược căn cơ hơn về xúc tiến thương mại, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Bởi chính sách nhập khẩu của Trung Quốc thay đổi liên tục, doanh nghiệp và cả nông dân sản xuất đều gặp khó. Song, đưa nông sản vào những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và Mỹ, thì cần đảm bảo rất nhiều tiêu chí và tuân thủ các quy tắc của nhà nhập khẩu.

Ngoài ra, công tác dự báo thị trường của các cơ quan chuyên môn cũng cần phải kịp thời và cảnh báo những quy định về rào cản thương mại, kỹ thuật của quốc gia nhập khẩu. Vấn đề khác nữa là ngoài xúc tiến mở rộng thị trường của ngành chức năng, thì việc liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân và có sự hỗ trợ từ ngành ngân hàng, nhà khoa học là rất cần thiết để phát triển bền vững thị trường xuất khẩu nông sản.

Gia Bảo

Chia sẻ bài viết