|
Người dân phơi lúa hè thu 2009 ở xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Ảnh: THU HÀ |
Giá lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gần đây đã có biến động giảm làm nhiều nhà nông lo lắng. Để gỡ khó cho nông dân, vừa qua Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã chỉ đạo các thành viên mua 400.000 tấn gạo dự trữ ngay trong tháng 8-2009 để bình ổn giá lúa gạo trong nước. Động thái này đã nhanh chóng tác động giúp giá lúa gạo có xu hướng bình ổn trở lại, không còn giảm thêm...
Giá giảm do tác động của thời tiết
Những ngày đầu tháng 8, mưa kéo dài, kết hợp với triều cường và lũ đầu nguồn lên sớm đã đe dọa hàng ngàn héc-ta lúa hè thu của vùng ĐBSCL đang đến kỳ thu hoạch. Tại tỉnh Long An, giá công cắt lúa đã tăng gấp 3 lần, lúa bị ngã tiền công cắt 3 triệu đồng/ha, lúa không ngã 1,2 triệu đồng/ha, nhưng việc tìm nhân công cũng không dễ dàng. Hiện giá lúa ở ĐBSCL đã giảm khoảng 400-500 đồng/kg so với cuối tháng 7-2009; lúa thường tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh ĐBSCL phổ biến ở mức 3.800-3.900 đồng/kg, gạo lức nguyên liệu xuất khẩu được nhiều doanh nghiệp (DN) mua 5.100-5.200 đồng/kg, gạo trắng thành phẩm 6.150-6.400 đồng/kg... Do mưa liên tục làm người dân không phơi được lúa, các lò sấy không đáp ứng đủ nhu cầu sấy lúa trong vùng làm cho chất lượng gạo giảm đáng kể. Trong khi đó, các giống lúa thu hoạch trong vụ hè thu phần lớn cho gạo cấp thấp và cấp trung (gạo 25% tấm và gạo 15% tấm), tỷ lệ lúa xay đạt gạo 5% tấm ít. Điều này cũng làm cho giới kinh doanh lúa gạo thận trọng hơn trong mua hàng, đồng thời giảm giá thu mua xuống để tránh rủi ro.
Ông Nguyễn Văn Long, tiểu thương kinh doanh lúa gạo ở xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Hiện nay, lúa bán trong dân có rất nhiều giống với chất lượng khác nhau. Dù đã có nhiều kinh nghiệm thu mua, nhưng gần đây, tôi đã bị lỗ một số chuyến do tỷ lệ thu hồi gạo không cao khi đem lúa đi xay tại nhà máy, gạo lại bị gãy, bạc bụng nhiều. Tôi không dám chủ quan nữa mà phải lựa chọn mua các loại lúa sao cho đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý để đảm bảo có lời”. Ông Phạm Minh Xo, Trưởng trạm kinh doanh lương thực Cái Răng (Công ty Lương thực Sông Hậu), nhận xét: “Hiện nay, cứ 10 ghe của tiểu thương đem gạo đến đây bán thì chỉ có 1 vài ghe đạt gạo 5% tấm, còn lại chủ yếu gạo 25% tấm và 15% tấm. Gạo đạt chuẩn gạo nguyện liệu 25% tấm và 15% tấm, tuy giá thấp hơn gạo 5% tấm nhưng vẫn xuất khẩu tốt. Đáng ngại là do ảnh hưởng của thời tiết, nên có nhiều loại gạo bị gãy và bạc bụng, hoặc chuyển sang màu vàng, không đạt chuẩn xuất khẩu, chỉ có thể bán gạo chợ. Khi gặp các loại gạo thế này, nếu các DN xuất khẩu mua sẽ khó tiêu thụ vì không xuất khẩu được, còn không mua thì khó cho các tiểu thương và nhà nông”...
Tại TP Cần Thơ, trong 7 tháng đầu năm, các DN trên địa bàn đã xuất khẩu 389.000 tấn (đạt 73,5% kế hoạch) và tăng gần 50% so cùng kỳ, nhưng giá trị chỉ đạt 160 triệu USD (tăng 16% so cùng kỳ) và chiếm 37% tổng kim ngạch toàn thành phố. Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: “Tình hình xuất khẩu gạo 7 tháng khá thuận lợi, song chưa thực sự ổn định, sản lượng và kim ngạch đều tăng so cùng kỳ, nhưng giá gạo xuất khẩu giảm mạnh, bình quân khoảng 34USD/tấn. Nhất là trung tuần tháng 4 đến nay, giá gạo xuất đã giảm 50-60 USD/tấn, gạo 5% đang dưới mức 400 USD/tấn”. Theo ông Nguyễn Ngọc Minh, cùng với khó khăn chung, ngành công thương TP Cần Thơ dự đoán những tháng cuối năm 2009, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Do vậy, kế hoạch cả năm 2009, xuất khẩu khoảng 632.000 tấn gạo, tăng 50% so với năm trước với giá trị 261 triệu USD (tăng 10,7%) và chiếm tỷ trọng 32,2% tổng kim ngạch thành phố. Hiện nay, thành phố đang tập trung thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại và đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, thành cả nước, nhằm tạo điều kiện cho DN trao đổi hàng hóa, kinh nghiệm cùng vượt qua khủng hoảng.
Theo Sở Công thương tỉnh Long An, trong 7 tháng đầu năm, các DN kinh doanh lương thực trên địa bàn đã thu mua 482.925 tấn lúa trong dân, tăng 15,3% so cùng kỳ; xuất khẩu 164.756 tấn gạo, đạt gần 55% kế hoạch năm và tăng 37,6% so cùng kỳ. Tháng 7, giá thu mua lúa dao động ở mức 4.200-4.500 đồng/kg, tăng 100-300 đồng/kg so với tháng 6-2009. Tuy nhiên, bước qua đầu tháng 8, giá lúa đã giảm trở lại và ở dưới mức 4.000 đồng/kg. Hiện nay, tỉnh đang tập trung rà soát năng lực chế biến và kho dự trữ của DN trên địa bàn để kiến nghị về Trung ương xem xét hỗ trợ, nâng cao năng lực dự trữ cho DN, góp phần bình ổn giá lúa gạo thị trường trong nước.
Tăng dự trữ- bình ổn giá
Một số nước châu Á và châu Phi đang có nhu cầu nhập khẩu gạo, nhưng chủ yếu là mua gạo cấp cao để phục vụ cho việc dự trữ. Trong khi vụ lúa hè thu, phẩm chất hạt gạo không cao, nhiều DN cân nhắc việc thu mua, do năng lực lưu kho và bảo quản của DN xuất khẩu gạo Việt Nam rất hạn chế, thời gian bảo quản khó kéo dài như Thái Lan. Thêm vào đó, giá lúa gạo thế giới đang giảm do nguồn cung ở một số nước châu Á đang tăng như: Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia. Theo một số DN xuất khẩu gạo ở TP Cần Thơ, đầu tháng 8, giá gạo 5% tấm khách hàng trả dưới 400USD/tấn, nên DN chưa đàm phán ký thêm hợp đồng mới mà đang chờ giá nhích lên.
Nhằm bình ổn thị trường lúa gạo trong nước, VFA đã chỉ đạo các thành viên mua 400.000 tấn gạo ngay trong tháng 8, với mức giá tối thiểu là 3.800 đồng/kg, nhưng thực tế giá bán của nông dân không đạt đến mức này, do qua nhiều trung gian và việc thu mua lúa gạo trong dân chủ yếu do thương lái thực hiện. Hiện các DN xuất khẩu đang đẩy mạnh thu mua dự trữ và khoảng 1 tuần nay, giá lúa gạo tại ĐBSCL có xu hướng bình ổn trở lại, nhiều dự đoán cho rằng giá lúa gạo sẽ không giảm thêm nữa. Tuy nhiên, mức giá này vẫn còn thấp so với đầu vụ và chưa có dấu hiệu tăng trở lại.
Theo VFA, xuất khẩu gạo cả nước đến ngày 7-8-2009 đạt trên 4,16 triệu tấn (trị giá hơn 1,7 tỉ USD). Gạo xuất khẩu của Việt Nam đa phần 15% và 25% tấm, chủ yếu ở thị trường nhu cầu gạo cấp thấp, còn gạo phẩm cấp cao rất ít. Đến thời điểm này, hợp đồng đăng ký xuất khẩu của DN đã trên 5,3 triệu tấn gạo và lượng gạo trong kho của DN còn khá lớn. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết: “Thông tin Thái Lan sẽ tung gạo dự trữ bán trong thời gian tới sẽ tạo sức ép lớn cho DN xuất khẩu gạo Việt Nam. Do vậy, các DN cần lưu ý và thống nhất giá xuất, tuân thủ nghiêm ngặt các qui định về xuất khẩu gạo, để tránh tổn thất không cần thiết”. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, Chính phủ có chủ trương hỗ trợ DN xây dựng kho tàng trữ gạo, các địa phương cần kiến nghị cụ thể để xây dựng kho và tạo điều kiện để DN tiếp cận quỹ đất thuận lợi. Hiện Tổng Công ty Lương miền Nam đang xây dựng hệ thống kho trữ lúa gạo đạt 1 triệu tấn dự trữ thường xuyên tại ĐBSCL, đến năm 2010 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Nếu có đủ kho dự trữ, cùng công nghệ bảo quản tốt để chờ giá tăng sẽ đảm bảo lợi nhuận cho cả nông dân và DN.
GIA BẢO - VĂN CÔNG