23/05/2019 - 09:00

Gỡ khó cho khu vực kinh tế tập thể 

Qua 15 năm thực hiện đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, các ngân hàng cùng các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP Cần Thơ đã triển khai nhiều giải pháp đồng hành, hỗ trợ, đáp ứng vốn tín dụng cho khu vực kinh tế tập thể, phát triển mạng lưới tổ chức tín dụng hợp tác. Song, khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) vẫn khó tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, liên kết phát triển theo chuỗi giá trị; hiện tỷ lệ dư nợ cho vay đối với khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ.

 Hiện các HTX, nhất là HTX nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ rất cần trợ lực về vốn để mở rộng đầu tư sản xuất, liên kết bên vững với doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh thị trường. Trong ảnh: Thu hoạch lúa ở cánh đồng lớn huyện Vĩnh Thạnh.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ,  qua 15 năm thực hiện Nghị số 13-NQ/TW về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, đa phần các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố tạo điều kiện cho các khách hàng khu vực kinh tế tập thể tiếp cận vốn vay, triển khai các gói tín dụng ưu đãi, hỗ trợ tư vấn… Qua đó, đã có nhiều HTX tiếp cận vốn ngân hàng để đầu tư thêm trang thiết bị, phục vụ sản xuất, mở rộng quy mô hoạt động, tăng khả năng tích lũy và sức cạnh tranh thị trường, đem lại lợi ích tối ưu cho thành viên và nâng chất hoạt động cho HTX.

Dù hoạt động khu vực kinh tế tập thể, HTX có nhiều bước tiến đột phá, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố, nhưng việc tiếp cận vốn vay ưu đãi, phục vụ sản xuất kinh doanh của các HTX, nhất là HTX trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện, thành phố có 7 quỹ tín dụng nhân dân hoạt động tại 3 quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy và huyện Vĩnh Thạnh, với tổng nguồn vốn hoạt động trên 480,6 tỉ đồng. Tính đến hết 31-12-2018, dư nợ cho vay ở khu vực kinh tế tập thể của thành phố, chỉ đạt 44,98 tỉ đồng. Trong đó, vay ngắn hạn chiếm trên 92%; vay trung hạn chiếm 7,65%; dư nợ tín dụng bình quân của một HTX nông, lâm, ngư nghiệp là 400 triệu đồng/HTX; HTX xây dựng trên 4,3 tỉ đồng; HTX giao thông vận tải trên 1,16 tỉ đồng, HTX khác hơn 9,3 tỉ đồng.

Kết quả cho vay đối với khu vực kinh tế tập thể còn khiêm tốn là do năng lực nội tại của các mô hình kinh tế tập thể, nhất là năng lực tổ chức quản lý, điều hành của cán bộ ở nhiều HTX còn hạn chế. Nhiều HTX chưa đủ khả năng xây dựng phương án kinh doanh, dự án đầu tư khả thi và hiệu quả; sổ sách kế toán không rõ ràng, minh bạch nên chưa đáp ứng thủ tục, điều kiện vay vốn tín chấp từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Một số HTX nông nghiệp có chứng nhận quyền sử dụng đất, bất động sản, nhưng không đảm bảo tính pháp lý để các tổ chức tín dụng, hỗ trợ giải ngân cho vay… Từ đó, điểm nghẽn của các HTX là vốn ít, thiếu hoặc không có tài sản chung để thế chấp cho các khoản vay; cơ sở vật chất hạn chế nên khó tiếp cận được nguồn vốn từ tổ chức tín dụng để mở rộng các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ.

Ông Tô Thành Mông, HTX Thới Tân, huyện Thới Lai, cho biết: HTX Thới Tân hiện có 52 thành viên, với trên 82ha đất chuyên sản xuất lúa giống cùng lúa hàng hóa và đang triển khai một vài dịch vụ, như: sấy lúa, đầu tư kho lúa giống… phục vụ thành viên HTX, nhưng hiệu quả mang lại chưa đạt như kỳ vọng. Nguyên nhân do vốn điều lệ thấp, thiếu tài sản chung để vay vốn từ các tổ chức tín dụng nên HTX chưa thể triển khai đầy đủ các dịch vụ hậu cần trong sản xuất nông nghiệp, phục vụ nhu cầu sản xuất cho thành viên. Vì vậy, HTX mong muốn các ngành chức năng thành phố triển khai chính sách hỗ trợ cho HTX tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, từ đó giúp HTX có đủ điều kiện, tổ chức cho các thành viên mở rộng liên kết phát triển sản xuất theo hướng chuyên canh, quy mô hàng hóa lớn… đáp ứng nhu cầu thị trường và gia tăng hiệu quả liên kết hợp tác đầu tư với doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Đức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, trong bối cảnh cạnh tranh thị trường, vốn là một trong những nguồn lực cơ bản hỗ trợ phát triển cho kinh tế tập thể, nhưng nhiều HTX trên địa bàn thành phố vẫn chưa tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi, vốn vay thương mại, bởi vì không có tài sản thế chấp… Mặt khác, nhiều HTX chỉ trông cậy vào các quỹ hỗ trợ phát triển HTX của Trung ương và địa phương, nhưng nguồn vốn này vẫn còn quá ít, thậm chí nhiều địa phương, trong đó có TP Cần Thơ vẫn chưa hình thành được Quỹ hỗ trợ HTX… Để tháo gỡ những khó khăn về vốn, nâng cao chất lượng hoạt động cho khu vực kinh tế tập thể, các ngành chức năng cần tăng cường các giải pháp đổi mới, phát triển và nâng cao năng lực hoạt động cho các HTX; chú trọng công tác bồi dưỡng, kiến thức và năng lực quản lý của cán bộ HTX; phát huy vai hơn nữa vai trò hỗ trợ xúc tiến thương mại, thông tin thị trường, tư vấn và bảo lãnh tín dụng cho khu vực kinh tế tập thể.

Cùng với đó, các ngân hàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận vốn của các HTX nông nghiệp; các tổ chức tín dụng cần phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng phù hợp đối với HTX nông nghiệp; đổi mới quy trình cho vay, đơn giản hóa thủ tục vay vốn. Tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách, cho các HTX nông nghiệp, như: Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chương trình cho vay hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; chương trình cho vay khuyến khích phát triển ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch… Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, trợ lực cho các HTX nông nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Từ đó, giúp các HTX nâng cao năng lực, hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, góp phần gia tăng chuỗi giá trị hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố.

Bài, ảnh: M.Hoa

Chia sẻ bài viết