Vốn chỉ quen làm nông nghiệp, quanh năm gắn bó với ruộng vườn nhưng giờ đây, nhiều nông dân quận Thốt Nốt đã bước đầu chuyển đổi sang làm du lịch. Mô hình kinh tế theo hướng kết hợp nông nghiệp và dịch vụ du lịch được đánh giá cao, tạo động lực phát triển kinh tế tại địa phương. Ðồng hành cùng bà con, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (HND) quận Thốt Nốt đã tích cực triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ vốn vay và đào tạo nghề du lịch cho hội viên trên địa bàn.
Lãnh đạo HND quận Thốt Nốt đến thăm các mô hình làm du lịch của hội viên nông dân trên địa bàn.
Nhiều năm qua, vùng đất cù lao Tân Lộc đã được đưa vào khai thác du lịch. Song, cứ mỗi dịp được trở lại thăm mảnh đất này, du khách luôn cảm thấy hào hứng bởi những mô hình du lịch sinh thái mới được xuất hiện, đúng chất “made by nông dân”. Ðưa chúng tôi tham quan ao nuôi cá, ven bờ là hàng dâu xanh đang độ cho trái trĩu cành cùng vườn mận cũng vào mùa chín đỏ, ông Nguyễn Thanh Hoàng, khu vực Ðông Bình, phường Tân Lộc, nói: “Tại gia đình tôi, mô hình làm du lịch nông nghiệp chủ lực dựa trên tài nguyên nông nghiệp sẵn có. Tôi có 1,2ha đất, trước đây trồng quýt hồng và nhiều loại cây trồng khác nhau nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2003, tôi chuyển sang trồng mận An Phước. Vườn của tôi hiện đang trồng 500 gốc mận An Phước, hơn 30 gốc dâu xanh và 120 gốc bưởi da xanh. Vào thời điểm trúng mùa, được giá, bình quân mỗi năm, vườn cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng”.
Kết hợp với mô hình nông nghiệp, ông Hoàng vừa mở thêm dịch vụ du lịch tại nhà cho khách đến tham quan, ăn uống, hái trái cây và tận hưởng không khí trong lành nơi đây. Chỉ mới mở cửa cho khách du lịch đợt đầu tiên, ông Hoàng đã thu được hơn 50 triệu đồng. Sắp tới đây, ông Hoàng dự tính sẽ đầu tư phát triển mô hình du lịch, xây dựng các tiểu cảnh đẹp mắt, mở thêm dịch vụ phục vụ ăn uống dân dã… để thu hút khách đến tham quan. Theo ông Hoàng, có được kết quả này chính nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, HND phường Tân Lộc và HND quận Thốt Nốt. Nhờ được tham gia học tập các lớp đào tạo nghề du lịch ngắn hạn và dài hạn đã trang bị cho ông có kỹ năng, kiến thức cần thiết, giúp ông mạnh dạn đầu tư làm du lịch. Ông Hoàng là một trong số 7 thành viên tổ hội làm vườn chuyên trồng mận tại khu vực Ðông Bình, phường Tân Lộc. Không riêng ông Hoàng, từ khi tham gia tổ hội, ông và các thành viên trong tổ đã được tham gia các lớp đào tạo nghề du lịch. Từ những người nông dân chưa biết gì về du lịch, sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề, các thành viên của tổ hội làm vườn đã có kỹ năng, kiến thức ứng xử trong giao tiếp với du khách. Ngoài ra, các thành viên còn được HND phường xét hỗ trợ vay từ các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất.
Không riêng địa bàn phường Tân Lộc, mô hình kinh tế theo hướng kết hợp nông nghiệp và dịch vụ du lịch ngày càng lan tỏa ở nhiều nơi. Tại phường Trung Kiên, mô hình trồng mận của bà Lương Thị Giếng, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng mận khu vực Qui Thạnh 2, được nhiều du khách biết đến. Trước đây, gia đình bà Giếng chỉ trồng lúa. 4 năm qua, bà Giếng đã chuyển đổi sang mô hình trồng mận An Phước. Vừa trồng mận, bà Giếng còn mạnh dạn mở dịch vụ du lịch tại vườn, thu hút hàng trăm lượt khách đến tham quan, nhất là vào các dịp lễ, Tết.
Theo ông Nguyễn Chí Hướng, Phó Chủ tịch HND quận Thốt Nốt, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch là một hướng đi mới, có nhiều triển vọng cho bà con nông dân nơi đây. Thời gian qua, HND quận Thốt Nốt đã có nhiều động thái trong việc hỗ trợ nông dân nhằm tạo cú hích cho sự phát triển nông nghiệp trên địa bàn. Hằng năm, Ban Thường vụ HND quận đều ký kết liên tịch với các đơn vị có liên quan để xây dựng kế hoạch, rà soát nhu cầu của hội viên nông dân để mở các lớp nghề phù hợp. Không riêng các lớp đào tạo nghề làm du lịch, mỗi năm, Hội đều phối hợp tổ chức 12-14 lớp nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho hội viên nông dân. Ðồng thời, các cấp Hội còn thường xuyên phối hợp, tạo điều kiện hỗ trợ về vốn vay, cây, con giống… Tính đến thời điểm này, từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, HND quận đã hỗ trợ cho trên 3.700 hội viên vay vốn với số tiền trên 106 tỉ đồng để phát triển các mô hình kinh tế… Ngoài ra, việc xây dựng mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp cũng được các cấp HND quận quan tâm triển khai, tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã. Từ đó, tạo thêm nhiều việc làm, giúp nông dân nâng cao thu nhập.
Theo lãnh đạo HND quận Thốt Nốt, thời gian tới, HND quận tiếp tục rà soát nhu cầu học nghề của lao động trên địa bàn, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền, tư vấn việc làm, hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho hội viên phát triển kinh tế nói chung và phát triển mô hình kinh tế theo hướng kết hợp nông nghiệp và dịch vụ du lịch nói riêng. Qua đó, góp phần tạo đòn bẩy đưa kinh tế - xã hội quận ngày càng phát triển.
Bài, ảnh: Kiến Quốc