04/11/2019 - 07:49

Giúp những giờ học thêm hứng thú 

“Bộ đồ dùng học tập” và “Bộ đồ dùng hữu ích” là 2 sáng kiến của giáo viên Trường Tiểu học Bình Thủy (quận Bình Thủy). Điều thú vị ở 2 sáng kiến này là tiện ích trong việc dạy và học, có tính tương tác cao và giúp học sinh hứng thú khi học.

Giáo viên và học sinh trong giờ học với “Bộ đồ dùng hữu ích”.

Giờ học của lớp 5A3, Trường Tiểu học Bình Thủy, sôi nổi với chủ đề an toàn giao thông. Lớp được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm chừng 6-7 học sinh. Giữa mỗi nhóm là một tấm bảng nhỏ rất đẹp, tiện ích, có treo một bức hình quang cảnh đường phố. Các em phân tích từ hình ảnh nhiều chi tiết hay và thiết thực: người đi qua đường như vậy đúng chưa, đèn đường đang báo tín hiệu gì, đâu là vỉa hè dành cho người đi bộ… Nhóm bàn tán rất rôm rả bằng “người thật việc thật” thể hiện trên hình. Em Phạm Minh Châu, học sinh lớp 5A3, nói: “Con rất thích những giờ học sử dụng tấm bảng tiện ích này. Nó giúp con dễ hiểu, với lại còn có nhiều hình ảnh đẹp và màu sắc”.

Đây là sáng kiến “Bộ đồ dùng hữu ích” của nhóm tác giả Nguyễn Tố Loan - Trần Thị Hiền - Cao Thị Mộng Tuyền - Nguyễn Thị Lệ Hoa, Trương Hoàng Oanh. Tấm bảng này rộng chừng 0,5m2, được trang trí đẹp. Khung giá đỡ bảng làm bằng ống điện nhỏ, có thể tận dụng từ phế liệu quanh nhà hoặc mua chỉ với vài nghìn đồng. Điểm độc đáo ở tấm bảng này là có thể xoay 2 mặt để người dùng dễ theo dõi. Phần bệ đỡ được làm thành những chiếc hộc nhỏ để đựng dụng cụ và bảng tên các đội, nhóm. Phần trên cùng của giá đỡ có gắn hai chiếc đèn xanh đỏ, dùng pin nên rất tiện dụng. Đèn dùng để học sinh xung phong trả lời (đèn xanh), cần đến sự trợ giúp của giáo viên (đèn đỏ) hoặc thi trắc nghiệm đúng - sai (chẳng hạn mặc định đúng bấm đèn đỏ, sai bấm đèn xanh). Cô Nguyễn Thị Lệ Hoa, đồng tác giả sáng kiến, nói: “Bộ đồ dùng này rất dễ làm, không tốn tiền và áp dụng cho nhiều môn học. Sau thời gian ứng dụng vào việc dạy học, học sinh rất thích, hào hứng trải nghiệm”.

Một sáng kiến khác cũng rất đẹp và tiện ích là “Bộ đồ dùng học tập” của nhóm tác giả Nguyễn Minh Thủy Tiên - Dương Mỹ Lan - Trần Thị Phương Loan - Phan Thị Tâm - Phan Thị Nguyệt. Cũng thiết kế tấm bảng bằng thiếc nhưng mặt sau bảng của sáng kiến này có dán nam châm lá. Phần mặt bảng được trang trí sẵn là nhụy hoa hoặc thân con ong, con bướm. Phần cánh hoa, cánh bướm, cánh ong là những mảnh thẻ được làm riêng, phía sau có gắn nam châm lá (để khi gắn lên bảng sẽ hít dính vì tác động với nam châm lá phía sau bảng).

Ví dụ, khi phần thân chú bướm giáo viên ghi đề bài: “Cảm nhận của em về truyện cổ tích Tấm Cám”, mỗi em sẽ cầm một thẻ hình cánh bướm và ghi lên đó cảm nghĩ của mình. 6 cảm nhận tương ứng 6 cánh bướm sẽ được lắp lên để thành chú bướm hoàn chỉnh, câu hỏi và câu trả lời cho bài tập cũng được hiển thị để giáo viên phân tích, học sinh thảo luận… Do bề mặt thân con vật và cánh con vật là kính bóng, lại viết bằng viết lông nên lau dễ dàng và sử dụng được rất nhiều lần, tăng tích tiện ích cho sáng kiến. Em Lâm Kim Phụng, học sinh lớp 4A1, cho biết: “Tấm bảng này giúp con năng động hơn khi học. Việc học và làm bài tập với chiếc bảng này rất thú vị”. Cô Nguyễn Minh Thủy Tiên, đồng tác giả sáng kiến, chia sẻ: “Sáng kiến này dễ thực hiện, không tốn nhiều thời gian lại nhỏ gọn nên dễ di chuyển, tiện ích cho giáo viên khi làm giáo cụ”.

Điểm chung của hai sáng kiến đến từ Trường Tiểu học Bình Thủy là mang đến sự tiện ích cho giáo viên, gợi mở sự sáng tạo, tư duy và tương tác cho người học. Những giờ học có sự góp mặt của bộ đồ dùng học tập ngộ nghĩnh này vì thế mà không nhàm chán. Đặc biệt, hai sáng kiến này có thể sử dụng ở tất cả các môn học và khối lớp bậc tiểu học. Theo các tác giả sáng kiến ước tính, mỗi mô hình hoàn thành có giá chưa đến 100.000 đồng, ai cũng có thể làm được nên khả năng ứng dụng rất cao. Điều làm các tác giả sáng kiến vui không chỉ ở giải thưởng mà thực sự giúp học sinh phát huy năng lực bản thân, khơi gợi hứng thú trong mỗi buổi học, tiết học.

Trường Tiểu học Bình Thủy nhiều năm qua có phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật rất mạnh. Hầu như năm nào nhà trường cũng có sản phẩm dự thi cấp thành phố và đạt giải. Theo lãnh đạo nhà trường, việc phát động giáo viên sáng tạo khoa học kỹ thuật được thực hiện cấp trường ngay từ đầu năm. Giáo viên được hỗ trợ từ kinh phí đến hội đồng chấm thi cấp trường để đánh giá, góp ý nhằm giúp sáng kiến hoàn thiện hơn. “Điểm đáng mừng là tất cả các sáng kiến có hiệu quả, ứng dụng và khả thi cao đều được sử dụng hằng ngày trên các lớp học của nhà trường” - cô Trần Thị Kim Quyên, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Thủy, thông tin.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

 

Chia sẻ bài viết