25/12/2018 - 18:33

Giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe 

Năm 2018, Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được đẩy mạnh thực hiện, thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Đó là thành công của ngành dân số thành phố trong năm qua, cùng với các mô hình, đề án khác, góp phần duy trì cơ cấu dân số ổn định, nâng cao chất lượng giống nòi.

Tình nguyện viên thăm khám sức khỏe người cao tuổi tại nhà. 

Từ năm 2011, nước ta bước vào giai đoạn già hóa dân số, tạo thách thức mới cho ngành chức năng và các cấp về chiến lược phát triển dân số phù hợp cũng như các chương trình, đề án quan tâm đến người cao tuổi. Riêng với thành phố Cần Thơ, mặc dù tuổi thọ bình quân của người cao tuổi tương đối cao, 74,5 tuổi, nhưng chất lượng sức khỏe chưa tương xứng. Hầu hết người trên 60 tuổi đều mắc phải một, hai hoặc cả ba bệnh mãn tính thường gặp, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống tuổi xế chiều.

Xuất phát từ thực tế đó, năm 2014, được sự cho phép của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) Việt Nam, thành phố triển khai Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại một số địa phương. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp nên mô hình chỉ được duy trì chứ chưa nhân rộng; đến năm 2017, thành phố thông qua Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thành phố Cần Thơ giai đoạn 2017 - 2025. Tới giữa năm 2018, thành phố cấp kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chức năng triển khai các hoạt động đa dạng của Đề án, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề quan tâm, hỗ trợ, chăm sóc người cao tuổi cũng như xây dựng đội ngũ tình nguyện viên gắn bó với công tác này.

Hưởng ứng kỷ niệm Ngày dân số Việt Nam 26-12, Chi cục Dân số - KHHGĐ thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức họp mặt, lồng ghép tổng kết hoạt động công tác dân số năm 2018 và các hoạt động tuyên truyền theo chủ đề của từng mô hình, đề án nhằm nâng cao chất lượng dân số, duy trì mức sinh thấp hợp lý với thông điệp mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con.

Ông Đinh Công Thức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ TP Cần Thơ cho biết, Đề án thực hiện tại 27 xã, phường, thị trấn, gồm mô hình câu lạc bộ Người cao tuổi giúp người cao tuổi và Tổ tình nguyện viên tư vấn, chăm sóc người cao tuổi, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ lãnh đạo chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể xã hội và người cao tuổi tại địa phương. Công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng về các chính sách pháp luật liên quan đến vai trò, sự cống hiến của người cao tuổi, trách nhiệm cá nhân và xã hội trong việc chăm sóc người cao tuổi, biểu dương người cao tuổi tại địa phương. Ngoài ra, Trung tâm Dân số - KHHGĐ các quận, huyện phối hợp với trạm y tế tổ chức khám bệnh và nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; cấp sổ theo dõi sức khỏe và nói chuyện chuyên đề cho người cao tuổi; hỗ trợ trang thiết bị cho tình nguyện viên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Hiệu quả đạt được của Đề án có vai trò quan trọng của mạng lưới tình nguyện viên và sự phối hợp chặt chẽ với Hội Người cao tuổi địa phương. Bà Lê Thị Phấn, Tổ trưởng Tổ tình nguyện viên xã Đông Bình, huyện Thới Lai, chia sẻ: “Đề án được triển khai ở địa phương vào cuối năm 2014 đến nay đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhờ kinh nghiệm tham mưu tốt cho Đảng ủy, UBND xã trong công tác phối hợp chỉ đạo; đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan trong hoạt động mô hình”.

Bác sĩ Huỳnh Văn Nhanh, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết, Chi cục Dân số - KHHGĐ thành phố và đội ngũ những người làm công tác dân số và các cấp, các ngành liên quan đã góp phần thực hiện hiệu quả Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi năm 2018. Hiện nay, do tốc độ già hóa dân số nhanh, trong khi hệ thống y tế chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nên việc duy trì, phát triển, nhân rộng Đề án là vô cùng cần thiết. Trong năm 2019, mô hình của Đề án này nên được gắn với mô hình bác sĩ gia đình đã được triển khai ở 45 xã, phường để nâng cao hơn nữa hiệu quả chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, thu hút sự quan tâm của cộng đồng, chung tay chăm lo cho người cao tuổi.

 Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Đảnh, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ TP Cần Thơ chia sẻ, năm 2018, đơn vị thực hiện đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu về dân số - KHHGĐ. Song song đó, các đề án, mô hình nâng cao chất lượng dân số tiếp tục được duy trì, nâng cao hiệu quả như Đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, mô hình sàng lọc trước sinh và sơ sinh,...

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết