08/03/2013 - 22:28

Giúp học sinh “nhìn xa, trông rộng” hơn

Đó là một trong những mục tiêu mà hoạt động Tư vấn tuyển sinh- hướng nghiệp ở các cơ sở giáo dục đại học hướng đến, nhằm giúp học sinh định hướng ngành nghề phù hợp hơn. Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do Báo Tuổi trẻ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Trường ĐH Cần Thơ, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ tổ chức tại Trường Đại học (ĐH) Cần Thơ vừa qua, nhiều thông tin về kỳ thi tuyển sinh ĐH, cao đẳng (CĐ)… đã được các chuyên gia tư vấn cặn kẽ.

Khối ngành kinh tế có "giảm nhiệt"?

Bạn Nguyễn Thị Hiền, học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long), nói: "Sau khi học xong, tôi sẽ thi vào ngành kinh tế. Tuy nhiên, tôi nghe năm nay, Bộ GD&ĐT hạn chế mở mã ngành kinh tế nên không biết cửa vào kinh tế có "hẹp" không?!". Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2013, nhiều học sinh liên tục thắc mắc về thông tin năm nay, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường hạn chế việc tuyển sinh các ngành kinh tế và sẽ tăng học phí của những ngành học này. Một học sinh Trường THPT Trần Văn Ơn (tỉnh Sóc Trăng) nói: "Cũng như các bạn, tôi nghe thông tin các trường sẽ không tuyển sinh khối ngành kinh tế nữa. Không biết thông tin này có chính xác?". Để giải tỏa thắc mắc của học sinh, Tiến sĩ Trần Thế Hoàng, Trưởng Phòng Đào tạo- Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, khẳng định: "Bộ GD&ĐT không hạn chế việc mở các ngành khối kinh tế mà chỉ khuyến cáo các trường đào tạo đa ngành, không tăng chỉ tiêu ở ngành kinh tế. Nền kinh tế hiện đang suy thoái nên nhu cầu của xã hội về nhân lực ngành kinh tế không còn cao như trước đây nữa, chứ không phải không còn nhu cầu".

Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của Trường ĐH Cần Thơ tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp. Ảnh: B.NG 

Những năm gần đây, quan niệm "nhất y, nhì dược" hay "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm"… đã không còn phổ biến như trước nhưng tâm lý của nhiều phụ huynh, học sinh vẫn ưu tiên chọn những ngành nghề thuộc khối kinh tế. Trường ĐH Cần Thơ, 3 năm gần đây, điểm chuẩn các khối ngành kinh tế luôn từ 16 điểm trở lên. Năm 2012, điểm chuẩn trúng tuyển của ngành Tài chính - Ngân hàng (chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng, Tài chính doanh nghiệp), ngành Kế toán từ 17,5 đến 18 điểm. Tỷ lệ chọi hằng năm của các ngành này cũng khá cao, như: năm 2010, ngành Quản trị kinh doanh có tỷ lệ chọi là 1-22, ngành Kế toán tỷ lệ chọi là 1-16. Năm 2011, ngành Quản trị kinh doanh có tỷ lệ chọi cao nhất trường 1-38;... Tương tự, ở các trường CĐ, trung cấp, khối ngành kinh tế luôn "hút" thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Thạc sĩ Huỳnh Ngọc Chinh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật, nói: "Khối ngành này có thể thừa nhân lực trong thời gian tới. Thế nhưng, tâm lý của nhiều phụ huynh vẫn ưa chuộng ngành kinh tế, y dược… Nhiều năm qua, số thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào khối ngành kinh tế luôn cao hơn so với các ngành nông nghiệp, kỹ thuật".

Nhiều điểm mới: thuận lợi hơn cho học sinh

Ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, nói: "Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay vẫn giữ "3 chung" như mọi năm. Đây là năm thứ 12 tổ chức thi theo hình thức này. Lộ trình này sẽ tiếp tục thực hiện cho đến năm 2015. Ở mỗi năm, Bộ sẽ có một số thay đổi về kỹ thuật để học sinh phát huy khả năng của mình; cũng như giúp các trường thuận lợi hơn trong tuyển sinh". Điểm mới trong kỳ thi tuyển sinh năm nay là điểm trúng tuyển của nguyện vọng sau sẽ không thấp hơn điểm trúng tuyển của nguyện vọng trước. Các trường bắt đầu xét tuyển bổ sung từ ngày 30-8, mỗi đợt trong vòng 20 ngày và kết thúc hết ngày 30-10. Năm nay, các trường không sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi photocopy để tránh hiện tượng hồ sơ "ảo" trong khâu xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Ông Bùi Văn Ga cũng nhấn mạnh, năm nay, Bộ vẫn tiếp tục thực hiện một số chính sách ưu tiên đối với thí sinh trong mùa tuyển sinh, như tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ đối với những học sinh tham gia tập huấn đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế; học sinh đoạt giải hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc tế, đã tốt nghiệp THPT... đặc biệt là chính sách ưu tiên cho 3 vùng (Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ). Đây là mùa tuyển sinh thứ 2, thực hiện chính sách ưu tiên này. Bạn Nguyễn Đức, học sinh Trường THPT Lưu Văn Liệt, tỉnh Vĩnh Long, nói: "Với chính sách ưu tiên cho học sinh ở vùng ĐBSCL, chúng tôi phấn khởi hơn. Việc còn lại là mình cố gắng học tập".

Ngành nào cũng cần cho xã hội

Tại Ngày hội, hầu hết các chuyên gia quản lý giáo dục, tâm lý, nhà tuyển dụng đều cho rằng, không có ngành nào "ngon" mà chỉ có người giỏi, người dở. Điều này, đồng nghĩa với việc ngành nghề nào xã hội cũng cần, quan trọng học sinh có yêu thích, học tốt. Muốn thế, học sinh phải cân nhắc chọn ngành vừa sức, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế gia đình. Các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, học sinh không nên chọn ngành theo phong trào, có thể chọn nhiều "đường đi" để học ở bậc học cao hơn. Tại khu vực khoa học xã hội - sư phạm -quân đội - công an - luật - y dược của Ngày hội, một học sinh hỏi: "Tôi muốn phục vụ trong ngành y nhưng khả năng khó đậu đại học. Tôi có thể học trung cấp sau đó liên thông lên hay không?". PGS.TS Nguyễn Trung Kiên, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, khuyên: "Có thể học theo 3 hướng. Một là chọn vào các ngành có điểm không cao (như cử nhân xét nghiệm, cử nhân điều dưỡng, y tế công cộng). Hai là học trung cấp, CĐ, sau đó, thi liên thông lấy bằng ĐH. Còn một "đường đi" nữa là học các ngành hóa, sinh, công nghệ sinh học... hoặc có thể học bằng 2 ngành dược, sau khi tốt nghiệp các ngành trên".

Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho rằng: "Học sinh thích ngành nào thì chọn ngành đó, vấn đề còn lại là chọn trường phù hợp. Học sinh cần xem điểm chuẩn các trường qua các năm. Nên cân nhắc khả năng khi chọn các trường có điểm chuẩn cao. Các trường ở TP Hồ Chí Minh có trường điểm cao nhưng cũng có trường có điểm thấp. Các trường ở Cần Thơ thường có mức điểm chuẩn thấp hơn các trường ở TP Hồ Chí Minh".

Theo nhận định của các chuyên gia giáo dục, thực tế, khi các nhà tuyển dụng tuyển lao động, ngoài kiến thức chuyên môn, nhà tuyển dụng còn đánh giá toàn diện về người lao động. Các học sinh quan tâm đến việc làm, sau khi ra trường là cần thiết nhưng phải đặt ở mức vừa phải. Song, các học sinh cần phải biết mình thích học ngành nào, khả năng tới đâu để theo học ngành đó. Việc làm sau này không chỉ kiến thức tích lũy được mà còn có kỹ năng, hành vi và đạo đức của mình. Nếu giỏi mà không có kỹ năng cũng khó tìm việc. Trước mắt, các em phải chọn ngành phù hợp, học thật tốt.

Đ.NGỌC

Chia sẻ bài viết