12/10/2014 - 15:36

HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP TP CẦN THƠ:

GIỮ VỮNG VAI TRÒ “CẦU NỐI” GIỮA DOANH NGHIỆP VỚI CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG

 

Kinh tế còn chưa khởi sắc khiến không ít doanh nghiệp gặp phải khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Do vậy, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các hiệp hội, ngành nghề được xem là điều kiện cần để doanh nghiệp vượt khó. Nhân Ngày doanh nhân Việt Nam (13-10), phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Mỹ Thuận - Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp TP Cần Thơ (CBA) về vấn đề này.

 Thưa bà, đầu năm 2014 đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố ra sao?

- Năm 2014, tình hình kinh tế chung của thế giới và trong nước vẫn chưa được cải thiện nhiều. Cũng như tại các địa phương khác, các doanh nghiệp tại TP Cần Thơ vẫn gặp phải những khó khăn của năm 2013. Điển hình như: doanh nghiệp muốn vực dậy, phát triển hoặc đầu tư mới nhưng thiếu vốn; thị trường đầu ra cho sản phẩm yếu nên hoạt động sản xuất vẫn còn co cụm; một số vấn đề về thủ tục hành chánh theo quy định của trung ương và địa phương vẫn còn nhiều trở ngại cho công việc kinh doanh; một số thủ tục còn rườm rà; quản lý về giao thông chênh nhau giữa trung ương và địa phương khiến việc vận chuyển hàng hóa gặp trở ngại… Những điều này, chưa kể đến có những văn bản mới ban hành của các Bộ lại tạo thêm nhiều thủ tục hành chính mới. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện tại vẫn còn thiếu cơ sở ổn định để tổ chức sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, các doanh nghiệp thuộc các ngành, nghề gây ảnh hưởng tới môi trường đang hoạt động trong các khu dân cư cần phải di dời gặp nhiều khó khăn trong việc tìm địa điểm di dời phù hợp với quy mô, bên cạnh đó khả năng tài chính các đơn vị này phần lớn là yếu kém để có thể ổn định lâu dài…

 Từ những khó khăn trên, CBA đã có những hỗ trợ tích cực nào cho các doanh nghiệp, thưa bà?

- Tiêu chí hoạt động của CBA được xác định là vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền để từ đó đưa tiếng nói, nguyện vọng và những khiếu nại của các doanh nghiệp lên các cơ quan Nhà nước. CBA luôn đứng bên cạnh các hội viên của mình để góp ý, tư vấn và chuyển tiếp các thỉnh nguyện, khiếu nại lên chính quyền địa phương. Về nhiệm vụ với chính quyền địa phương, CBA luôn tham gia và hoàn thành các công việc được giao, luôn đóng góp ý kiến và phát biểu trên tinh thần thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong chức năng nhiệm vụ của một tổ chức xã hội – nghề nghiệp, hoạt động của CBA còn nhiều hạn chế, chúng tôi chỉ có thể tích cực hỗ trợ hội viên về mặt nghề nghiệp qua các hoạt động ráp mối kinh doanh thông qua giao lưu giữa các doanh nghiệp; cung cấp thông tin về pháp luật để hội viên tiếp cận tốt và nhanh trước những thay đổi về chính sách. Đồng thời, CBA cũng góp phần nâng cao kiến thức và kỹ năng kinh doanh cho doanh nghiệp thông qua các khóa đào tạo, huấn luyện và là nơi để giải đáp những thắc mắc của hội viên về những vấn đề liên quan đến kinh doanh.

 Trong ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp TP Cần Thơ, bà có những đề xuất, kiến nghị gì đến lãnh đạo chính quyền địa phương nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động ngày càng hiệu quả?

Đồng chí Lê Hùng Dũng, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ thay mặt CBA tôn vinh các doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh doanh tốt trong năm 2014. Ảnh: NAM HƯƠNG

- Tôi nhận thấy, hiện nay lãnh đạo thành phố cũng đang hết sức nỗ lực để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn để phục hồi và phát triển công việc kinh doanh. Bằng những chính sách như: hỗ trợ, ưu đãi về chính sách thuế như miễn, giảm, giãn thuế; ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư;… Hiệu quả được thể hiện là nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP Cần Thơ hằng năm đều được cải thiện. Bên cạnh đó, CBA cũng tham gia một số hoạt động của Tổ Hỗ trợ doanh nghiệp do UBND thành phố ra quyết định thành lập. Tuy nhiên, hoạt động của tổ chưa mang lại hiệu quả cao. Đó là: nhiều vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng hoặc giải quyết còn chậm so với thời cơ của công việc kinh doanh. Có những chủ trương chính sách chưa được doanh nghiệp hưởng ứng tham gia do thủ tục còn rườm rà nên doanh nghiệp còn ngán ngại… Vì vậy, tôi nghĩ rằng, nếu việc luân chuyển hồ sơ, công văn theo ISO đang được áp dụng tại các cơ quan hành chánh có thể rút ngắn thời gian hơn nữa, nếu việc xử lý các vấn đề có thêm căn cứ của “tình” thay vì “lý” đơn thuần, nếu UBND có những quyết sách dựa trên tình hình thực tế của doanh nghiệp để hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho họ thay vì những quy định trói buộc thì doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn.

 Xin cảm ơn bà!

NAM HƯƠNG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết