28/01/2020 - 13:42

Giữ những mùa xuân cho du lịch
Phát triển bền vững từ văn hóa bản địa 

“Các bạn có thấy sự bình lặng ở vạch nước này không? Địa danh Bình Thủy ra đời như thế đó” - người thuyết minh kể chuyện xưa với nhóm du khách trẻ đang bồng bềnh ngoài vàm sông. Ngoài kia sông Hậu, sóng vỗ dưới gió chướng cuối mùa; vậy mà ở vạch nước lặng, mặt sông yên ắng. Các bạn trẻ du Xuân từ điều kỳ thú ấy.

Thầy Hồ Minh Phong, Trưởng Ban Trị sự Chùa Nam Nhã, cho chữ du khách.

"Chuyện kể rằng, năm 1852, Tuần Phủ Huỳnh Mẫn Đạt giong thuyền tuần thú trên sông Hậu thì gặp cuồng phong, tưởng đã vong mạng. Quan Tuần phủ trong cơn nguy khốn đã nhìn thấy một vàm rạch và sai phu thuyền rẽ vào. Nào ngờ nơi đây sóng yên nước lặng, tránh được cơn thịnh nộ của thủy thần. Tuần Phủ Huỳnh Mẫn Đạt tuyên bố: “Ta nhờ theo dòng nước đến đây mà được an toàn. Nay, ta đặt cho nơi đây tên gọi Bình Thủy”.

Truyện xưa đã rõ và du khách ra vạch nước lặng ngoài vàm sông để cảm hai từ “Bình Thủy” là trải nghiệm khó quên khi đến làng cổ Long Tuyền.

Mới đây, nhóm bạn trẻ tâm huyết với du lịch Cần Thơ đã giới thiệu tuyến tham quan làng cổ tuy cũ mà mới. Điểm đến vẫn là Chùa Nam Nhã, Đình Bình Thủy, Nhà cổ Vườn Lan… nhưng không phải chỉ để ngắm mà còn nghe, để thấu hiểu nét đẹp trăm năm của Long Tuyền. Tống Thiên Thanh, hướng dẫn viên trẻ, cho biết mỗi hành trình khám phá làng cổ cùng du khách, Thiên Thanh lại tích góp kiến thức văn hóa bản địa: “Đó là chiều sâu của một vùng đất, là chiều dài của ký ức, thật quý!”.


Chị Ngọc Duy gói bánh tét cùng du khách bên mái nhà cổ.

Đến Đình Bình Thủy, du khách được ông Tám Huế, Trưởng Ban Quản lý, kể chuyện dãy nhà Lục Ấp, dành cho dân làng 6 ấp của Long Tuyền xưa tề tựu về mỗi khi Đình đáo lệ Kỳ Yên. Dân ấp, dân lân quây quần dưới mái đình làng, chung tay đơm xôi thổi lửa. Câu chuyện của lão nông ngoài 80 tuổi thu hút bởi sự chân chất mà sâu sắc. Bên kia sông là Chùa Nam Nhã, nơi lưu giữ những truyện xưa tích cũ, càng nghe càng thấm. Lý thú nhất là khoảnh khắc du khách quây quần bên nghiên bút của thầy Hồ Minh Phong, Trưởng Ban Trị sự Chùa Nam Nhã, để xin chữ cầu an. Người xin chữ “Tâm”, người cầu chữ “Tịnh”, thầy Phong viết bằng chữ Nôm, khai tâm cặn kẽ ý nghĩa của từng chữ.

Bên cạnh Nhà cổ Vườn Lan, còn có một ngôi nhà đẹp, giá trị và nổi tiếng. Đến đây khách được chị Ngọc Duy, chủ nhân hiện tại là cháu đời thứ tư của ông Dương Lập Cang (người xây cất ngôi nhà) kể chuyện xưa dưới ánh đèn le lói nơi từ đường. Bên ngoài, dưới cội sa-bô-chê cổ thụ mát rượi, du khách quây quần gói bánh tét, nghe chuyện về mái nhà xưa, gợi ký ức về góc quê, nếp nhà đâu dễ tìm lại trong thời hiện đại.

***

“Nhiều người ví Bình Thủy - Long Tuyền như con rồng đang ngủ quên. Tôi muốn đánh thức” - chị Lê Thị Bé Bảy, một người tâm huyết với du lịch quê hương tâm sự. Và hành trình khám phá chiều sâu của làng cổ Long Tuyền là cách chị khởi đầu. 

Bấy lâu nay, du khách đến với làng cổ Long Tuyền, ít thì chụp vài kiểu ảnh, nhiều thì được kể về ngôi đình mái nhà cất theo kiểu gì, bao nhiêu mè, rui, cột, ngói. Làng cổ không chỉ có vậy. Chị Bé Bảy tìm một con đường khác để chinh phục du khách. “Mất hơn 5 năm cho một hành trình” - chị cười tươi. Chị tìm đến nhà cô Sáu Hoa để khôi phục nghề làm bánh phồng tôm gia truyền; tìm đến Đình Bình Thủy để nghe lại chuyện xưa Lục Ấp; khơi gợi lại những món ngon trứ danh làm nên nét nho nhã, kiêu kỳ của Bình Thủy xưa như cục tác hồng đảng sâm, bánh phồng, bánh canh xắt… Tổng hòa những câu chuyện ấy, giờ đây làng cổ Long Tuyền đã có một câu chuyện kể trăm năm dọc theo hành trình làm say lòng du khách.

Một chuyến du Xuân qua làng cổ Long Tuyền, anh Phạm Quang Triều, Giám đốc Công ty HT Travel, ấn tượng: “Một tài nguyên du lịch mà không phải địa phương nào cũng có được”. Điều anh chú ý và cũng mong muốn ở hành trình này là các thuyết minh viên tại điểm. Họ là ông thủ đình, cô chủ nhà, người làm bánh trong làng cổ… kể chuyện quê mình cho du khách nghe bằng tấm lòng trân quý. 

Cuối năm, Nguyễn Phượng Thư, cô gái quê Long An đang là sinh viên tại TP Hồ Chí Minh cùng bạn trai Filip Nguyễn, Việt kiều, về Cần Thơ thăm thú làng cổ Long Tuyền. Đôi bạn trẻ bị chinh phục bởi nét rêu phong của đình làng, chùa cổ. Phượng Thư thấy các cô, các chị ở làng cổ làm bánh mà cứ kêu nôn Tết. Filip Nguyễn nói rằng, chuyến khám phá này thú vị “số 1”, thực sự tìm về với nguồn cội. Anh vốn gốc người miền Tây.

Du lịch từ văn hóa, văn hóa là nền tảng du lịch. Đường tour ở làng cổ Long Tuyền đang đi đúng hướng. Nhà cổ, làng cổ bên dòng Bình Thủy vẫn là điểm nhấn với du khách phương xa bởi lưu dấu giữa con người với thiên nhiên; chứa đựng những giá trị sáng tạo nghệ thuật, lịch sử, văn hóa của tiền nhân. Thời hội nhập, nhà Việt đã khác. Đâu dễ tìm  ngọn đèn hột vịt trên bàn thờ gia tiên, cũng không dễ để cùng với bà ngoại, dì Bảy, má Hai gói bánh tét, sên mứt, ngào chuối... Liệu cháu con còn giữ nếp cũ từng ấp ủ bao niềm tin, kỷ niệm và gia phong trải dài trên một vùng đất? Khó đấy chứ không dễ, khó hơn cả chuyện giữ ngôi nhà, mái đình. Vậy nên, du lịch sẽ dung hòa điều ấy khi trở thành một “sứ giả” văn hóa, vừa trao truyền vừa lưu giữ. 

Rồi mai đây du khách sẽ truyền tai nhau rằng: Ở Cần Thơ có một làng cổ đặc sánh hồn quê Nam bộ. Ở đó, tuổi trẻ tìm được cội rễ, tuổi già tìm được ký ức, người tha hương mong ngóng quay về và du khách gần xa được khám phá bản sắc của một xứ sở…

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết