09/07/2019 - 18:34

Giữ chợ nổi không dễ 

Chợ nổi Cái Răng được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016. Cùng năm này, Cần Thơ đã phê duyệt và triển khai Ðề án Bảo tồn và Phát triển chợ nổi Cái Răng (đề án), như là động thái thiết thực góp phần gìn giữ di sản, khơi dậy tiềm năng chợ nổi gắn với phát triển du lịch. 3 năm - hơn nửa thời gian thực hiện, đề ám đã tạo ra nhiều thay đổi, nhưng những chuyển biến đó vẫn không như kỳ vọng. Thực tế phát sinh thêm nhiều vấn đề nan giải, nhiều hạng mục không thể triển khai và cần thiết có những giải pháp mới phù hợp thực tế hơn. Vấn đề đó đã được đặt ra tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Ðề án Bảo tồn và Phát triển chợ nổi Cái Răng.

Thăm hỏi, lắng nghe nguyện vọng của người dân chợ chổi Cái Răng là một trong những hoạt động an sinh xã hội mà lãnh đạo
địa phương quan tâm. Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam thăm hỏi tiểu thương chợ nổi.

Chợ nổi là điểm đến nổi tiếng của Cần Thơ, thu hút du khách trong nước và quốc tế. Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, nhấn mạnh: “Chợ nổi Cái Răng đã tồn tại hơn trăm năm, là tài sản vô giá, nét văn hóa đặc sắc của vùng sông nước Tây Nam bộ. Cho đến nay, cư dân bản địa vẫn còn giữ được nét văn hóa sông nước đặc thù, điều này trở thành tài nguyên du lịch đặc sắc, khác biệt so với các vùng khác. Đó cũng là lý do chợ nổi Cái Răng thu hút nhiều du khách, nhất là khách quốc tế”. Vẻ đẹp và sự ấn tượng của chợ nổi Cái Răng vốn đã được nhiều tạp chí quốc tế như Rough Guides,Youramazingplaces… công nhận.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: “Trong hàng triệu du khách đến Cần Thơ  mỗi năm, có khoảng 70% chọn khám phá chợ nổi Cái Răng”. Chợ nổi Cái Răng hiện có khoảng 250-300 ghe, tàu mua bán, trao đổi hàng hóa. Vào mùa cao điểm có khi lên đến 350-400 chiếc; trong đó, khoảng 150 chiếc neo đậu cố định. Tại chợ nổi, trung bình mức trao đổi hàng hóa là 1.500 tấn/ngày, thu nhập của thương hồ cũng khá ổn định. Ông Vương Công Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Cái Răng, cho biết: “Trung bình mỗi ngày trên chợ nổi có khoảng 100-200 lượt ghe, tàu đưa khách đến. Trong các dịp nghỉ lễ, tàu ghe có thể lên đến khoảng 500 lượt”. Lượng khách đến chợ nổi Cái Răng mỗi năm đều tăng ít nhất 20%.

Đề án Bảo tồn và Phát triển chợ nổi Cái Răng có hai giai đoạn 2016-2018 và 2019-2020 với tổng cộng 13 hạng mục công trình. Qua 3 năm triển khai, 9/13 hạng mục công trình đã thực hiện. Cụ thể UBND quận Cái Răng đã đầu tư hệ thống phao tiêu phân luồng giao thông, duy trì các hoạt động mua bán trên sông qua việc triển khai hỗ trợ vốn vay (tổng kinh phí hỗ trợ vay là 6,6 tỉ đồng cho 122 hộ gia đình vay vốn làm du lịch, mua bán trên chợ nổi), xây dựng các mô hình tổ hợp tác và hợp tác xã sản xuất nông sản trái cây sạch cung nguồn cho chợ nổi, tổ chức thu gom rác bảo vệ môi trường, quầy hàng nổi, nhà vệ sinh công cộng, duy trì mô hình trình diễn đờn ca tài tử định kỳ vào cuối tuần trên chợ nổi… Hiện còn 4 hạng mục đang triển khai là: trạm dừng chân, cầu tàu chợ nổi, du thuyền, nhà hàng nổi ven sông. Mặt khác, việc di dời 38 bè nổi cũng vướng khó khăn về thủ tục pháp lý; thực hiện các phao tiêu phân luồng chỉ đáp ứng 11/50 phao theo đề xuất của đề án; việc xử lý rác thải và bảo vệ cảnh quan, vệ sinh trên chợ nổi còn nhiều bất cập; khó kiểm soát trong việc quản lý giá cả ở chợ nổi... Quá trình triển khai đề án phát sinh nhiều vấn đề, rất nhiều hạng mục không phù hợp thực tế.

Từ cơ sở trên, UBND quận Cái Răng đã kiến nghị điều chỉnh, nổi bật là: bỏ hạng mục đầu tư nhà hàng nổi ven sông, không kêu gọi đầu tư thêm du thuyền vì các hạng mục này được cho là phá vỡ cảnh quan chợ nổi; không cho phát triển thêm các bè nổi mới vì lấn chiếm không gian hoạt động của các ghe thương hồ; điều chỉnh công năng của trạm dừng chân để có thêm điểm thu mua nông sản. Đồng thời, kiến nghị bổ sung các hạng mục, đề án mới: dự án đầu tư cầu đi bộ tại chợ Cái Răng, xây dựng chợ đầu mối nông sản, xây dựng bờ kè mềm bằng thực vật để đảm bảo cảnh quan môi trường, hỗ trợ nước sạch và trợ giá cho người dân chợ nổi, tăng cường việc xử lý rác thải trên chợ nổi bằng nhiều mô hình, giải pháp mới… Ông Vương Công Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Cái Răng, cho biết: “Qua 3 năm thực hiện đề án, chợ nổi Cái Răng có chuyển biến nhưng chậm, chưa có nhiều đột phá như kỳ vọng. Rất nhiều vấn đề phát sinh và địa phương đang có những kiến nghị để điều chỉnh đề án cho phù hợp với tình hình thực tế. Chúng tôi cũng muốn đề xuất sẽ kéo dài thời gian thực hiện đề án đến năm 2025”. Thực tế, lượng tàu, ghe thương hồ trên chợ nổi vẫn không tăng thêm nhiều trong 3 năm qua, nhưng có sự thay đổi về lưu lượng. Trước đây, tàu ghe trọng tải thường là 10 tấn, nhưng nay có rất nhiều tàu ghe 20-30 tấn. Bên cạnh đó, các ghe nhỏ phục vụ cho du lịch tăng lên nhiều, trước đây chỉ vài chục chiếc nhưng nay đã có khoảng 100 ghe nhỏ mua bán, mở rộng các dịch vụ phục vụ du khách.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh, chợ nổi Cái Răng là tài sản vô giá, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển du lịch. Cần phải xác định rõ mục tiêu trọng tâm là gìn giữ được nét văn hóa đặc sắc của chợ nổi, tạo điều kiện cho thương hồ bám chợ; phải có những đánh giá sát thực tế về hiệu quả của đề án. Từ đó mới có những giải pháp phù hợp. Phải kiên quyết tập trung mọi nguồn lực để giải quyết những vấn đề liên quan đến chợ nổi, nhất là các vấn đề về tác động môi trường, hình ảnh và tính đa dạng cho các sản phẩm, dịch vụ du lịch trên chợ nổi. Riêng hạng mục trạm dừng chân chợ nổi Cái Răng, ông Dương Tấn Hiển cho rằng Cái Răng phải quan tâm và sáng tạo sản phẩm tích hợp dịch vụ độc đáo, phải có đài quan sát nhìn toàn cảnh chợ nổi, điểm mua bán nông sản, quà lưu niệm, ẩm thực. Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng cho rằng cần phải kéo dài đề án vì đây là vấn đề quan trọng có tác động đến xã hội và cộng đồng; đồng ý về các kiến nghị xây dựng cầu đi bộ, làm kè mềm cây xanh, hỗ trợ nước sạch cho người dân. Riêng việc điều chỉnh một số hạng mục công trình trong dự án đã phê duyệt, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu UBND quận Cái Răng phải có văn bản trình bày cụ thể, tham mưu ý kiến các sở ngành hữu quan, để xem xét điều chỉnh phù hợp thực tế.

Đề án đã được triển khai, nhưng chợ nổi Cái Răng vẫn đang tồn tại rất nhiều vấn đề và làm sao để giữ chợ, giữ chân thương hồ là điều không dễ dàng. Bảo tồn hiện trạng đã khó, phát triển và làm tăng thêm sức hấp dẫn lại càng chông gai. Việc gìn giữ chợ nổi đã trở thành trách nhiệm của cả cộng đồng địa phương và du khách.

Bài, ảnh: Ái Lam

Chia sẻ bài viết