27/03/2020 - 08:14

Giữ “báu vật” của làng 

Đình làng rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, giữ vai trò cố kết cộng đồng, bảo lưu các giá trị truyền thống. Trong đó, Sắc phong Thành Hoàng Bổn Cảnh của Vua ngự ban cho đình được xem là “báu vật”, “linh hồn” của một ngôi làng. Đình làng ở Cần Thơ cũng không ngoại lệ. Từ 2 năm qua, có một cách làm rất hay trong việc gìn giữ và phát huy những “báu vật” này.

Thực hiện bản sao Sắc phong Đình Thới Bình (quận Ninh Kiều).

Giữa tháng 3 vừa qua, Chi cục Văn thư - Lưu trữ TP Cần Thơ đã phối hợp Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II tổ chức lập bản sao Sắc phong hai ngôi đình ở Cần Thơ là Đình Thới Bình (quận Ninh Kiều) và Đình Phú Luông (quận Ô Môn). Sau khi đồng ý, vị Trưởng Ban Quản lý của đình thắp nhang khấn Thần, xin được cung thỉnh và khai Sắc Thần. Việc làm này được thực hiện rất cẩn thận, trang nghiêm, bởi Sắc Thần luôn được bảo quản nghiêm ngặt, mỗi năm chỉ được thực hiện nghi lễ Phơi Sắc Thần 2 lần vào dịp đáo lệ Kỳ yên.

Cán bộ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II dùng máy scan chuyên dụng scan từng phần Sắc Thần, sau đó thông qua phần mềm chuyên dụng để ráp nối các hình ảnh scan được thành hình ảnh số hóa hoàn chỉnh. Ban Quản lý các đình được chọn làm bản sao Sắc Thần đều hỗ trợ cán bộ thực hiện vì thấy được ý nghĩa của việc làm này. Ông Nguyễn Văn Lượng, Trưởng Ban Quản lý Di tích thành phố Đình Thới Bình (quận Ninh Kiều), cho biết: Ngay khi nhận được lời đề nghị thì Ban Quản lý đã hội ý và đồng ý ngay. Việc làm này không chỉ giúp lưu trữ trên hệ thống quốc gia nội dung Sắc phong Thành Hoàng Bổn Cảnh của đình mà còn giúp quảng bá giá trị của Sắc Thần cũng như ngôi đình trăm năm này.

Ông Phan Văn Chiến, Phó Chi cục Văn thư - Lưu trữ TP Cần Thơ, cho biết: Đây là năm thứ 2 Cần Thơ được sự hỗ trợ của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II trong việc lập bản sao Sắc phong. Trước đó, vào năm 2019, đã có 5 Sắc phong của các ngôi đình tại Cần Thơ được lập bản sao là: Tân An (Ninh Kiều), Thạnh Hòa, Tân Lộc Đông (Thốt Nốt), Mỹ Khánh, Giai Xuân (Phong Điền). Tiêu chí để Chi cục Văn thư - Lưu trữ chọn đề xuất Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II thực hiện bản sao là các Sắc Thần quý có nguy cơ hư hỏng dưới tác động của thời gian. Qua thực tế Sắc Thần Đình Thới Bình và Đình Phú Luông cho thấy, dù đã bảo quản rất cẩn thận nhưng Sắc Thần vẫn có dấu hiệu xuống cấp, bởi đã có gần 170 năm (hầu hết các Sắc Thần được Vua Tự Đức năm thứ 5-1852 sắc phong).

Sau khi hoàn thiện hình ảnh số hóa, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II sẽ in thành một bức ảnh lớn với kích thước gần bằng Sắc Thần nguyên gốc, đóng trong khung gỗ đẹp và tặng lại cho đình để trưng bày, phục vụ người dân và du khách chiêm ngưỡng. Nhận được hình ảnh bản sao Sắc Thần trong dịp Kỳ yên vừa rồi, các thành viên Ban Quản lý Đình Thần Tân An (quận Ninh Kiều) phấn khởi khi Sắc Thần được lưu giữ trân trọng và bản sao tặng lại cũng rất đẹp mắt. Ông Lê Quang Duy, Trưởng Ban Quản lý Đình Thần Tân An, cho biết sẽ treo bản sao Sắc Thần nơi trang trọng và dễ chiêm ngưỡng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Phòng Thu thập, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, cho biết: Trước đây, đơn vị đã lập bản sao một vài Sắc Thần ở vùng Hà Tiên - Kiên Giang nhưng lúc đó phương tiện nghiệp vụ còn chưa hiện đại, chưa có chương trình thực hiện quy mô. Năm 2019, Cần Thơ là địa phương duy nhất ở ĐBSCL được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II chọn thực hiện chương trình lập bản sao 5 Sắc Thần của 5 ngôi đình. Năm nay, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II đã mở rộng chương trình ra nhiều tỉnh khác ở ĐBSCL và chọn thực hiện tại 2 ngôi đình ở Cần Thơ. Bà Thủy đánh giá: “Các đình ở Cần Thơ thực hiện việc bảo quản rất tốt Sắc phong, nhiều Sắc phong còn rất nguyên vẹn và đẹp”. Cũng theo bà Thủy, Sắc Thần chứa đựng những nội dung về địa danh, hành chính, lịch sử rất giá trị của một vùng đất nên việc số hóa, lưu trữ vĩnh viễn trong hồ sơ lưu trữ quốc gia là việc làm rất được chú trọng.

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết