Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều bạn trẻ mất cơ hội việc làm bởi nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hạn chế tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, không ít bạn trẻ đã năng động chuyển sang hình thức thương mại điện tử, lựa chọn ngành nghề phù hợp để tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống.
Rẽ hướng “né” COVID-19
Hơn nửa tháng qua, anh Vương Tấn Minh Khoa (phường Hưng Phú, quận Cái Răng), mở dịch vụ “Bếp nhà tí”. Hai năm qua, anh mở một trung tâm Anh ngữ dành cho trẻ em ở quận Ninh Kiều, nhưng do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, anh bắt đầu chuyển sang kinh doanh trực tuyến. “Bếp nhà tí” cung cấp thực đơn cơm trưa và chiều cho trẻ em và nhân viên văn phòng. Theo anh Khoa, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, hầu hết trẻ em đều ở nhà, trong khi đa số phụ huynh phải đi làm, không có nhiều thời gian để chuẩn bị bữa cơm cho con em. Từ thực tế đó, anh nảy ra ý tưởng kinh doanh nấu cơm theo thực đơn, giao hàng tận nơi, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh. Dịch vụ “Bếp nhà tí” cũng tận dụng lợi thế của mạng xã hội để tiếp cận khách hàng. Hiện anh Khoa thành lập fanpage “Bếp nhà tí” và trang Zalo để bán hàng, đồng thời xây dựng mã “QR” để khách hàng tra thực đơn, đặt món qua điện thoại di động (có kết nối mạng).

Nhiều bạn trẻ có thu nhập ổn định nhờ gia công tranh gạo tại Công ty TNHH MTV Khưu Tấn Bửu.
Tuy chỉ mới rẽ hướng kinh doanh, nhưng “Bếp nhà tí” bước đầu nhận được tín hiệu đáng mừng khi số đơn đặt hàng tăng dần. Anh Khoa cho biết: “Nếu mô hình này thuận lợi, tôi tiếp tục bổ sung dịch vụ mới. Theo đó, ngoài cung cấp các bữa ăn theo thực đơn của khách hàng, “Bếp nhà tí” bổ sung gói sản phẩm thực phẩm sơ chế, khách hàng tiết kiệm thời gian chuẩn bị cho bữa cơm gia đình. Các dịch vụ tận dụng tối đa qua hệ thống trang web, mạng xã hội để tiếp cận khách hàng”.
Trong khi đó, Phạm Thị Ðiệp, cựu sinh viên ngành Biên dịch - Phiên dịch (Trường Ðại học Cần Thơ), trước đây từng là nhân viên cho một số dự án, chương trình của các tổ chức phi chính phủ trên địa bàn TP Cần Thơ. Nhưng từ đầu năm đến nay, Ðiệp chuyển sang làm nhân viên tư vấn tuyển sinh cho Trường Dạy nghề quốc tế Việt Úc (TP Hồ Chí Minh) và dịch thuật, biên dịch tự do. Hiện nay, hầu hết công việc của cô làm việc trực tuyến và tại nhà. Ðiệp chia sẻ: “Môi trường làm việc mới đòi hỏi thay đổi phương pháp làm việc theo hướng chủ động, sáng tạo để đáp ứng yêu cầu công việc. Công việc trực tuyến giúp tôi nâng cao kỹ năng số, từ việc sử dụng thành thạo các phần mềm, tích cực tương tác với khách hàng đến việc sắp xếp công việc đảm bảo đúng tiến độ, khoa học”.
Cơ hội việc làm
Không riêng 2 bạn trẻ trên, nhiều bạn trẻ nắm bắt cơ hội khi lựa chọn những công việc phù hợp. Lê Hoàng Anh, vừa tốt nghiệp ngành Ðiện công nghiệp (Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ), kể: “Trong thời gian chờ xin việc làm, tôi nhận thiết kế nội thất, lắp đặt hệ thống điện, điện lạnh, nước tại nhà. Khi nhận yêu cầu của khách, tôi liên kết với 1-2 bạn để thi công. Công việc này cũng khá phù hợp tình hình dịch bệnh bởi không tập trung đông người nên chúng tôi cũng yên tâm”. Tùy theo khối lượng thi công mà có mức thù lao khác nhau, tuy nhiên, nếu siêng năng, các bạn cũng có thu nhập ổn định, vượt qua khó khăn trong mùa dịch. “Ðây cũng là cơ hội giúp tôi rèn kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức thực tế để chuẩn bị cho công việc tương lai. Hiện cũng có một doanh nghiệp tuyển tôi vào làm kỹ thuật viên, nhưng tôi đang tìm hiểu thêm về môi trường làm việc, sau đó mới quyết định” - Lê Hoàng Anh chia sẻ. Còn tại Công ty TNHH MTV Khưu Tấn Bửu (quận Ninh Kiều), mỗi ngày có gần chục bạn trẻ nhận gia công tranh gạo để chuẩn bị cho chương trình triển lãm dự kiến tổ chức vào tháng 9-2021. Ða số những người làm việc tại công ty đều là sinh viên đang nghỉ “tránh” dịch với thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Còn Lê Minh Tiến tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm (Trường Ðại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ), vừa được nhận vào làm nhân viên kinh doanh tại một trung tâm thương mại ở quận Ninh Kiều. Tiến cho biết: “Tôi được giao phụ trách kinh doanh trực tuyến, ngoài tư vấn bán hàng, tôi ghi nhận các đơn hàng và phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng. Tôi nhận thấy một số công việc liên quan đến phát triển thị trường, nhân viên tư vấn sản phẩm trực tuyến đang được nhiều doanh nghiệp tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao, khi tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp”.
Có thể thấy, do ảnh hưởng dịch bệnh nên nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp thưa dần, ảnh hưởng cơ hội nghề nghiệp - việc làm của người lao động. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2021 là hơn 1,1 triệu người, tăng 101.700 người so với cùng kỳ năm trước. Theo các chuyên gia, ngoài sự hỗ trợ của ngành chức năng, không cách nào khác, các bạn trẻ cần chủ động tự tạo việc làm, tự trang bị kiến thức và kỹ năng số để nắm bắt cơ hội nghề nghiệp trong bối cảnh thương mại điện tử, kinh doanh số ngày càng phát triển.
Bài, ảnh: TÚ ANH